| Hotline: 0983.970.780

Rậm rịch chặt cao su, trồng cỏ

Thứ Ba 02/12/2014 , 09:49 (GMT+7)

Năm nay bất ngờ nhiều hộ trồng cao su tiểu điền tại xã Long Tân chuyển qua nghề nuôi bò sữa khi giá mủ cao su không còn hấp dẫn.

Đây là nơi có diện tích cao su đứng đầu huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương với gần 3.000 ha, lâu nay người dân sống chủ yếu dựa vào cây trồng này.

Ông Trịnh Thanh Quang, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Vũng Tây sốt sắng dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở xây dựng chuồng trại bò sữa của ông Trần Xuân Linh, mà nói như ông Quang là : “Ông Linh vừa thanh lý 3 ha cao su trong tháng 10/2014, bán được 500 triệu tiền gỗ, có bao nhiêu ông này đổ vào trồng cỏ, xây chuồng trên đất cao su để chuẩn bị nuôi 40 con bò sữa”.

Đến nơi, hình ảnh đập vào mắt đầu tiên là một dãy chuồng trại được xây dựng xong phần thô, bên cạnh là đồng cỏ voi lú nhú nằm lọt thỏm trong khu vực vườn cao đang khai thác.

Chủ vườn Trần Xuân Linh nói: “Chi phí xây dựng chuồng trại hết 300 triệu đồng, mua giống cỏ bên Củ Chi, TP.HCM mất thêm 20 triệu đ/ha. Với 3 ha cao su thanh lý, tui dự định phát triển đàn bò sữa khoảng 100 con”.

Chị Thanh, vợ ông Linh đi bên cạnh nói thêm: “Bây giờ mua 1 con bò cái về đẻ liền có giá từ 50 - 60 triệu đồng, nuôi 40 con vị chi mất 2 tỷ đồng. Vay ngân hàng 1 tỷ đồng phải trả lãi 9 triệu đ/tháng. Chưa thấy ăn mà trước mắt chi toàn tiền tỷ thấy ớn quá!”

14-31-31_h1
Đồng cỏ voi nằm sát cánh đồng cao su xanh ngát

Nghe vậy, ông Linh giải thích: “Lúc này, mình chỉ cần nuôi 2 con bò sữa là tương đương trồng 1 ha cao su. Hiện nay, 1 ha cạo 40 kg mủ/ngày, bán giá chưa đến 8.000 đ/kg, tức thu nhập 320.000 đ/ha. Trả tiền cạo hết 150.000 đồng, tiền phân tro 50.000 đồng, còn dư hơn 100.000 đồng.

“Mới đây, các xã trồng cao su lân cận như Long Hòa, Minh Tân đã đến Hội Nông dân xã Long Tân tìm hiểu, tham quan mô hình nuôi bò sữa. Điều đáng lo là phong trào nuôi bò đang tự phát, người dân tự đi mua con giống trôi nổi trên thị trường nên dịch bệnh thế nào không ai kiểm soát.
Giữa tháng 11/2014, Chi cục Thú y tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật xuống địa phương tập huấn cho bà con cách chọn giống và chăm sóc bò sữa. Nhiều hộ chưa biết con bò sữa cũng đến tham dự học hỏi chuẩn bị đưa về nuôi”, ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Chủ tịch UBND xã Long Tân.

Trong khi nuôi 2 con bò sữa, 1 con vắt bình quân 24 lít (vắt 2 lần, mỗi lần 12 lít), bán 14.000 đ/lít, vị chi được 336.000 đồng. Sau khi trừ tiền cám, hèm bia, xác mì, thuốc thú y phân nửa, cũng còn dư 150.000 đồng, như vậy có phải bằng 1 ha cao su không?”

Ông Đặng Hồng Thảo ở tổ 2, năm 2013 nhận thấy chung quanh khu vực có một số hộ vừa trồng cao su vừa nuôi bò sữa có ăn, ông quyết định thanh lý 2 ha/3 ha cao su để chuyển qua trồng cỏ và nuôi bò sữa.

“Ban đầu chưa có kinh nghiệm, tui mua 1 con giá 68 triệu, đẻ ra con chết, mẹ không có sữa, rồi bò sữa bị bệnh thúi móng, viêm vú, khổ lắm. Sau này có kinh nghiệm, thu nhập ổn định, tui mới tập trung vốn đầu tư phát triển thêm”.

Bên cạnh vườn cao su của ông Thảo là một trang trại chăn nuôi khá hoành tráng với 20 con bò đã cho sữa và 18 con bê.

“Đến nay tui đã đầu tư hết 1,3 tỷ đồng bao gồm tiền giống, chi phí xây dựng, mua máy vắt sữa, máy băm cỏ. Sản lượng sữa mỗi ngày cung cấp thị trường khoảng 250 lít, bán giá 14.000 đ/lít, thu nhập 3,5 triệu đ/ngày. Trừ chi phí thức ăn, thuốc men, công lao động khoảng 1,5 triệu, còn lại 2 triệu đồng. Dự kiến sang năm 2105 là thu hồi vốn”, ông Thảo tự tin nói.

Ông Trịnh Thanh Quang cho biết, cả ấp Vũng Tây năm 2013 mới có vài hộ nuôi với 40 con bò sữa, năm nay nhảy vọt lên 16 hộ với 140 con bò sữa.

14-31-31_h3
Trang trai chăn nuôi bò sữa nằm lọt thỏm trong khu vực cao su của ông Trần Xuân Linh đang trong quá trình hoàn thiện

“10 năm trước, vùng Long Tân chủ yếu trồng cây điều và hồ tiêu. Sau đó, do giá cả nên người dân phá hết để trồng cao su.
Hiện nay, việc trồng cỏ trên đất cao su không có gì để nói, nhưng đáng lo ngại là người dân xây dựng luôn cả trang trại chăn nuôi bò sữa trên đất với quy mô khá lớn, trong khi đó chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng”, đại diện Phòng TN-MT huyện Dầu Tiếng.

“Cứ 1 quý, tui đi thẩm định 1 lần để kiểm tra đàn bò sữa phát sinh, theo đó nhận thấy số lượng đàn bò trong dân tăng dần đến bất ngờ. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là quỹ đất không có, đất đang trồng cao su thì không thể trồng cỏ, trái lại không trồng cỏ thì không thể phát triển bò sữa được. Trong khi mua cỏ bên ngoài rất khó, do đặc thù ở đây toàn là cây cao su”.

Theo ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã, nghề nuôi bò sữa “manh nha” tại địa phương từ năm 2011, tức là thời điểm giá mủ cao su thịnh vượng nhất, bình quân 110 triệu đ/tấn mủ (hiện giá chỉ còn 31 triệu đ/tấn - PV).

Lúc đó, chỉ có vài hộ nuôi, quy mô khoảng 2 - 3 con, người ta coi nghề này tay trái, kiếm thêm cho vui. Hai năm nay, giá mủ cao su xuống thấp, người ta bắt đầu chuyển đổi mạnh qua nghề nuôi bò sữa. Ban đầu là ấp Hố Muống, sau đó “lan” dần sang các ấp khác như Vũng Tây, Cống Quẹo, Hốc Măng, Bờ Cản...

Từ chỗ 20 hộ, nay ước tính lên hơn 50 hộ với tổng đàn không dưới 500 con. Năm 2013, sản lượng sữa cung cấp thị trường có 1.500 lít/ngày thì tháng 11/2014 tăng vọt lên 4.500 lít, gấp 3 lần. Điều này chứng tỏ sức lan tỏa của nghề nuôi bò sữa đang rất lớn.

“Mặc dù thế mạnh nông nghiệp của địa phương là cây cao su, nhưng năm 2014 chúng tôi xin vay được từ quỹ Hội Nông dân được 1 tỷ đồng với lãi suất 0,6%/tháng để cho các hộ trồng cao su phát triển nghề nuôi bò sữa. Tuy nhiên, bình quân mỗi hộ chỉ vay được 50 triệu, trong khi chi phí mua con giống cũng từng ấy nên không bõ bèn gì.

Ngoài ra, sức ép về đồng cỏ hiện nay rất lớn, mua 1 kg cỏ bên ngoài giá 5.000 đồng cũng đã khó, bởi hầu hết người ta trồng cao su nên dùng thuốc BVTV diệt hết cỏ. Thế nên, các hộ nuôi bò sữa có quy mô lớn chủ yếu là trồng cỏ trên đất cao su thanh lý, tuy nhiên số hộ này không nhiều”, ông Thanh nói.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm