| Hotline: 0983.970.780

Rầm rộ tiếp sức mùa thi

Thứ Năm 30/06/2011 , 10:16 (GMT+7)

Các sinh viên tình nguyện tham gia “Tiếp sức mùa thi” đã đón tiếp và chỉ dẫn cho hàng chục nghìn “sĩ tử” ồ ạt đổ về TPHCM...

Hôm qua 29/6, các sinh viên tình nguyện tham gia “Tiếp sức mùa thi” đã đón tiếp và chỉ dẫn cho hàng chục nghìn “sĩ tử” ồ ạt đổ về TPHCM qua các Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, ga Sài Gòn…

Hàng nghìn chiếc áo xanh tình nguyện cũng đã có mặt tại 560 địa điểm thi giăng khắp TPHCM, tận tình hướng dẫn cho các thí sinh tự tin bước vào kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2011.

Tại điểm tiếp sức thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TPHCM (đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1), bạn Tạ Thị Hồng Nhung – Đội trưởng đội tiếp sức cho biết: “Đội của em có 12 bạn đều là sinh viên của trường, thuộc nhiều khoa và lứa tuổi khác nhau. Chúng em đều tự nguyện đăng ký tham gia nhằm mong giúp các bạn thí sinh khỏi bỡ ngỡ khi mới lần đầu lên thành phố. Trước đây em cũng được các anh chị giúp đỡ như thế mà…”.

 Nhung cho biết, dù năm nay em đã học xong chuyên ngành Công tác xã hội và chuẩn bị ra trường, nhưng em vẫn đăng ký “tiếp sức” thêm một lần nữa để lưu lại những kỷ niệm đẹp nhất trong đời sinh viên. Còn tại khu vực Bến xe miền Đông – nơi có tới 1.000 “chiến sĩ” tình nguyện tiếp sức đã chia nhau làm 3 ca trực 24/24 giờ để đón tiếp và chỉ dẫn cho hàng nghìn “sĩ tử” đến từ miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

 Theo Ban Giám đốc Bến xe miền Đông, lượng thí sinh đổ về thành phố đã bắt đầu tăng đột biến, trung bình vài nghìn thí sinh mỗi ngày. Để hỗ trợ cho đội tiếp sức, Bến xe đã bố trí địa điểm rộng rãi, thông thoáng, đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ để giữ gìn trật tự và đảm bảo an ninh cho các thí sinh.

Trong khi đó, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM cũng đã chuẩn bị được hơn 60.000 suất cơm; 40.000 chỗ trọ (9.000 chỗ miễn phí); 30.000 vé xe buýt; 260.000 bản đồ xe buýt và bản đồ TP; 250.000 cẩm nang; 32.000 suất bánh mì và hàng nghìn vật phẩm khác hỗ trợ miễn phí cho thí sinh.

Kỳ thi ĐH, CĐ 2011 sẽ diễn ra trong ba đợt, riêng TPHCM có hơn 653.000 thí sinh, trong đó đợt một diễn ra ngày 4 và 5/7 (thi khối A, V) có lượng thí sinh đông nhất 250.000 thí sinh. Đợt hai diễn ra ngày 9 và 10/7 (thi khối B, C, D, N, H, T, R, M, K) có hơn 200.000 thí sinh. Đợt ba diễn ra ngày 15 và 16/7 dành cho thí sinh thi CĐ với khoảng 190.000 thí sinh.

Để đáp ứng lượng thí sinh trên, các trường ĐH, CĐ tại TPHCM tổ chức thi đã chuẩn bị 560 địa điểm thi với hơn 16.000 phòng thi.

Đặc biệt, chương trình “Tiếp sức mùa thi” kéo dài đến ngày 15/7/2011 sẽ có 17.000 sinh viên tình nguyện tham gia. Tại khu vực ngoại thành như quận 9, Thủ Đức cũng đã huy động hàng chục nghìn chỗ trọ giá rẻ ở KTX ĐH Quốc gia TPHCM, KTX ĐH Nông Lâm, KTX ĐH Giao thông Vận tải… với giá từ 10.000-30.000 đồng/ngày.

Theo Ban quản lý KTX ĐH Quốc gia TPHCM, đơn vị này đã chuẩn bị hệ thống phòng ở, phòng học, dịch vụ tại căng tin để sẵn sàng đón thí sinh 3 ngày trước kỳ thi. Dự kiến, KTX sẽ nhận khoảng 3.000 chỗ cho thí sinh với giá phòng 10.000 đồng/thí sinh/ngày; ăn cơm tại căng tin với giá 7.000-8.000 đồng/suất.

Trong khi đó, tại khu vực nội thành, nhiều trường ĐH có KTX như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Kinh tế, các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng… cũng dành cả chục nghìn chỗ ở giá rẻ trong kỳ tuyển sinh.

Ngoài ra, để hỗ trợ tốt nhất cho các thí sinh, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” còn có đội hình hỗ trợ điều tiết giao thông, đội hình phối hợp với kênh VOV giao thông để thông tin tình hình giao thông cho thí sinh, phụ huynh. Đồng thời, ban tổ chức cũng phối hợp với các đơn vị như công ty vận chuyển, Sở GD-ĐT, Đoàn thanh niên các tỉnh thành thông tin về chương trình cho thí sinh biết trước nhằm giúp các em và người nhà chủ động lên kế hoạch đi lại cho mình.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm