| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 03/11/2010 , 13:57 (GMT+7)

13:57 - 03/11/2010

Ranh giới mong manh

Tuy phải chịu một bản án bất công, nhưng báo NNVN không thất bại, nhà báo Nghiêm Thị Hằng không thất bại, mà đây chính là thất bại của công lý. Báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã ra tòa với một bản lĩnh kiên cường, một tinh thần xả thân vì công lý, xả thân bảo vệ tài sản XHCN.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ ICC kiện báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã khép lại, nhưng dư âm của nó thì chưa hết. Báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng tiếp tục nhận được nhiều điện thoại, E-mail của bạn đọc trên cả nước, trong đó có nhiều Luật sư, Luật gia, nhiều vị tướng lĩnh và nguyên tướng lĩnh quân đội, nguyên Ủy viên BCT và nguyên UVTW Đảng, từng giữ những cương vị, chức vụ cao trong các cơ quan Đảng và Chính phủ.

>> Kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Cty ICC kiện NNVN: Công lý đã thất bại!

Tất cả đều là những lời chia sẻ. Tuy phải chịu một bản án bất công, nhưng báo NNVN không thất bại, nhà báo Nghiêm Thị Hằng không thất bại, mà đây chính là thất bại của công lý. Báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã ra tòa với một bản lĩnh kiên cường, một tinh thần xả thân vì công lý, xả thân bảo vệ tài sản XHCN.

Sau những lời chia sẻ là những lời động viên, đề nghị báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng đừng nản chí, hãy giữ vững tinh thần và ý chí, tiếp tục dùng ngòi bút của mình để chống lại lũ “giặc nội xâm”, làm trong sạch xã hội, theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Những chi tiết bất bình thường tại TAND TP Hà Nội đã được báo Người Cao Tuổi đặt vấn đề từ giữa năm 2008, như bài viết trên đây.

Đã viết bài chống tiêu cực, đã xả thân bảo vệ tài sản XHCN, thì chắc chắn là khiến cho người này, kẻ nọ mất lòng, thậm chí căm thù, và nhà báo bị chúng tìm cách trả thù, triệt hạ là lẽ dĩ nhiên. Bọn tham nhũng, làm trái pháp luật vốn sợ công luận như cú sợ ánh sáng. Ngoài việc triệt hạ, trả thù, một thủ đoạn quen thuộc nữa của chúng là dùng tiền, dùng tài sản để mua sự im lặng.

Với sự sắc sảo của ngòi bút của mình, nếu muốn, nhà báo Nghiêm Thị Hằng có thể trở nên giầu có một cách khá dễ dàng, bởi không ít kẻ sẵn sàng tung tiền để “mua sự im lặng của chị”. Giữa đồng lương bèo bọt của nhà báo và đống tiền của kẻ tham nhũng, cái ranh giới giữa một nhà báo công chính, dũng cảm và kẻ tống tiền, thậm chí có những nhà báo đã dùng chính ngòi bút của mình để chủ động tống tiền, thật mong manh.

Chẳng nói đâu xa, mới chỉ tháng trước thôi, một nhà báo có danh, Phó Tổng thư ký tòa soạn của báo Tiền Phong đã bị bắt quả tang khi đang nhận trên 200 triệu đồng (tương đương với hàng chục năm lương của một nhà báo) của một doanh nghiệp. Để nhận được số tiền này, anh ta cũng bắt đầu bằng những bài báo viết về những tiêu cực của doanh nghiệp đó, rồi sau đó, như anh ta khai nhận với cơ quan điều tra, là đã nhiều lần đến doanh nghiệp đe dọa, đòi tiền, rằng nếu không “chồng tiền” thì sẽ tiếp tục viết bài phanh phui những tiêu cực. Điều hài hước là chính những kẻ như ông phó TTKTS nọ, khi chưa “bị lộ”, thì lại rất hay dạy đời về “ranh giới” của nhà báo.

Cùng là viết về tiêu cực, nhưng sau đó không ít kẻ đã ngã gục vì tiêu cực, còn những người như nhà báo Nghiêm Thị Hằng thì không, dù bản thân phải hứng chịu những bất công, thiệt thòi và cả sự nguy hiểm nữa. Bản lĩnh của nhà báo chính là ở chỗ đó.