| Hotline: 0983.970.780

Rất nên hãm phanh vợ cháu quá trình bị hai bà chị 'đồng hóa'

Thứ Sáu 22/09/2017 , 06:50 (GMT+7)

Nhưng dần dà, vợ cháu không còn là người mà cháu yêu và cưới nữa. Hết chị Ba rồi chị Năm đua nhau sửa sang mông má. Những người phụ nữ phì phèo điếu thuốc trên tay, cà phê suốt buổi...

Cô Dạ Hương kính!

Trước khi lấy M cháu đã tìm hiểu rất kỹ truyền thống gia đình, thói quen sinh hoạt, ăn ở tiêu pha…Khi ấy cháu đã 29 tuổi chứ đâu phải trẻ trung bóc xóc gì. Phải nói thẳng, gia tộc M quần tụ thành một xóm nhưng ít người đi làm, hầu hết là nông dân dù đất đai rộng rãi. Người quê gọi là có ăn có để.

M là con gái út của gia đình 5 người con. Chỉ có anh Hai M là ôm mộng điền sản, còn 4 người em thì thích đời phố chợ. Ba mẹ M rất có ý thức cho con rời khỏi ruộng vườn một nắng hai sương, cuối cùng họ cũng làm được điều đó. Nếu nhìn từ ngoài vào, thế là thành đạt, ai cũng ra thành, khá giả.

Nhưng cháu không biết rằng M bị ảnh hưởng rất lớn từ hai người chị gái. Anh Hai với anh Tư một kiểu khác, có lẽ do hai người chị dâu tính tình rất hay. Chị Ba có chồng có nghề buôn bán, chị Năm thì nhiều người bên chồng sống ở nước ngoài. Chỉ M là lấy “Bắc cộng”, từ của chị Năm những lúc vui đùa mà không phải không có ẩn ý. Cháu đâu có ngán, bố mẹ cháu vào Năm sau 1975, cháu sinh ra và lớn lên ở trong Nam, cháu không mất gốc nhưng cũng không giống hoàn toàn bà con họ hàng lam lũ ngoài ấy. Những khác biệt ban đầu dần được tháo gỡ, cháu rất hài lòng với cuộc sống của mình.

Cháu sống riêng nên M không phải trách nhiệm gì với bố mẹ cháu. Mọi việc tổ tiên ông bà bố mẹ anh cả cháu chu toàn hết. Cháu luôn nghĩ về hạnh phúc, cháu đã may mắn chưa, M lấy cháu M có hạnh phúc không? Cháu là kỹ sư công chính, xê dịch thế nên mới gặp M. Công việc nắng mưa, tiền bạc xông xênh và vợ không phải đi làm. Nghĩ, vợ mang bầu, sinh con và chăm con, quá đủ nặng nhọc rồi. Công thức chồng cày vợ ngồi nhà là của đa số đàn ông thời nay, đám bạn cháu đứa nào cũng thế.

Nhưng dần dà, vợ cháu không còn là người mà cháu yêu và cưới nữa. Hết chị Ba rồi chị Năm đua nhau sửa sang mông má. Những người phụ nữ phì phèo điếu thuốc trên tay, cà phê suốt buổi, chơi đề, gom hụi, ăn quán, tám nhau cãi nhau…cháu thấy nhan nhãn nhưng không nghĩ có lúc ở ngay trong nhà mình lại có. Một lần lông mày khác, chưa gì, lần sau, sống mũi khác, như cặp nẹp, đơ cả khuôn mặt. Cháu nổi tam bành, cháu cảnh báo, nếu gọt cằm chẻ môi như hai bà chị nữa thì vác mặt lên tòa chứ đừng vác mặt lên giường với chồng nhé!

Vẫn thấy không ra sao cả cô ạ. Đúng là bỏ thì thương, vương thì tội. Tội nghiệp hai đứa con, năm nay một đứa lớp 8, một đứa lớp 5, toàn rơi vào thời điểm quan trọng cả. Cô khuyên cháu điều gì đây cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Thật ra ở vùng nào miền nào cũng có hai hoặc ba loại người. Loại thứ nhất lấy tri thức làm nền tảng gia đình, đồng tiền, công việc với họ đều phải có điều kiện và điều kiện số một là thanh, sạch. Loại thứ hai đông hơn, có bằng cấp vừa vừa, có công việc tương thích và có tiền bằng nhiều cách, không quá câu nệ phương tiện lẫn lý lẽ. Loại thứ ba đông nhất, bình dân, mưu sinh muôn hình vạn trạng, có ăn hơn người chút thì đã leo lên cây ngồi và khi rơi xuống thì lấm láp bất kể.

Có lẽ M ở vào nhóm ba của văn hóa miền Tây hay miền Đông chi đó (cháu không viết rõ). Ở trong Nam đây cháu cũng biết rồi đó, nhà có ăn có để thì ruộng và đất là chính, người có ăn có để ở phố thị thì buôn bán thôi, cả hai nhóm người này hay hợp với nhau, làm nên nét đặc trưng của vùng đất từng có kinh tế thị trường. Vì sao cô lưu ý cháu đặc trưng này? Để rồi sẽ nói sâu. M từ vườn ruộng ra thành thị lấy chồng kỹ sư, khác hai chị gái lấy chồng buôn bán. Nhưng cháu cũng nhận thấy, cháu đi vắng luôn, M có chị có em với nhau, ba chị em gái với nhau, họ không ảnh hưởng nhau mới lạ.

Thời thực dân Pháp, Nam bộ là thuộc địa, dấu ấn kinh tế Pháp rất đậm. Thời Mỹ, tiếp tục là đất kinh tế thị trường. Vì sao có rất đông phụ nữ không làm gì, cà phê ghiền, sửa mắt sửa môi? Là vì kinh tế thị trường cho người ta cái quyền tự do lựa chọn lối sống. Chồng đi làm, vợ ở nhà chăm con nội trợ là nghề, con lớn chút mẹ thong dong rồi mẹ hướng ngoại, mà đã vậy thì bập vào với đẳng cấp đàn bà tương thích quanh mình. Thế thôi.

Việc bơm sửa giờ nhan nhản, nó âm thầm xảy ra ở mọi nhà, có điều, đàn ông không nhận biết hoặc không quan tâm. Phun mày phun môi, sửa mũi nắn cằm, chuyện nhỏ. Có người còn tổng sửa, cô đi gội tóc, cô từng thấy những nàng bỏ ra hàng tỷ để giải phẩu mười lần, như Lin-đa Kiều trên họa phẩm của Tuổi Trẻ Cười. Xem chừng làn sóng này không yếu đi, còn mạnh hơn lên. Nghe đâu ở Hàn Quốc tiệm sửa sắc đẹp nhiều như tiệm phở ở VN. Có người sửa rất thanh, có người thì mê và ghiền dao kéo.

Rất nên hãm phanh vợ cháu quá trình bị hai bà chị “”đồng hóa”. Nhan sắc như Thẩm Thúy Hằng mà còn bị tàn phá về già, hậu quả của dao kéo đó thôi. Phun mày, phun môi, có thể, sửa mũi trong khi mũi mình hay rồi thì khó chấp nhận. Rồi sẽ hút mỡ, sẽ nâng ngực, tưởng vậy là chồng yêu, quá sai lầm. Đàn ông nên cầm trịch ráo riết việc này vì thực ra, vợ đẹp trong mắt chồng là đủ. Cháu thấy vợ không đẹp, cháu nói thẳng, anh sẽ chán, anh bất mãn vì sửa sang của em, không phải anh tiếc tiền mà vì em không còn là em như anh biết và anh yêu. Không dọa, cháu nói thẳng và thật, vợ nghe được thông điệp ấy không tùy. Có người hối thì đã muộn, mặt mũi sụp chỗ nọ chỗ kia như nền nhà bị rể cây nó đùn ấy chứ. Nhớ nhé, trong chuyện này không nương tay được. Hậu quả nhãn tiền, nghe.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất