| Hotline: 0983.970.780

Rau "ăn thuốc" lấn át rau VietGAP

Thứ Sáu 27/12/2013 , 10:14 (GMT+7)

Trong khi diện tích rau “ăn thuốc” BVTV ngày càng lớn thì nhiều vườn rau sạch VietGAP gần như bị bỏ ngỏ.

Trong khi diện tích rau “ăn thuốc” BVTV ngày càng lớn thì nhiều vườn rau sạch VietGAP gần như bị bỏ ngỏ. Mùa lễ Tết đang đến gần, nhu cầu về rau ăn lá tăng nhanh chóng, giá bán cũng đội lên. Chính điều này đã khiến không ít người dân đua nhau ép rau nhanh lớn, to, đẹp bằng đủ loại thuốc BVTV độc hại…

CUỐI NĂM... PHUN MẠNH

Tại nhiều xã trên địa bàn huyện Cần Đước (Long An), nơi được coi là vựa rau lớn ở khu vực ĐBSCL, đi đến đâu cũng thấy cảnh tấp nập người dân ra đồng tưới nước, phun thuốc, nhặt lá, vườn nào cũng râm ran tiếng cười nói. Vợ chồng anh Phan Ngọc T. ở ấp Đồng Tâm, xã Long Trạch đang chăm sóc rau trên khu vườn có diện tích khoảng 1.600 m2 chủ yếu trồng cải bẹ xanh.

Khi được hỏi về những thuốc hỗ trợ cho cây phát triển tốt, anh chia sẻ: “Trồng rau thì phải phun thuốc rồi”. Sau đó anh liệt kê các loại thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích phát triển, thuốc trừ sâu, thuốc làm bóng lá, làm to cây và đủ loại khác khiến chúng tôi phát hoảng!

Ngay từ khi cây cải mới nhú, anh đã bón tới 3 loại thuốc hỗ trợ bao gồm thuốc kích thích phát triển bộ rễ, thuốc kích thích phát triển cây, rồi thuốc trừ sâu. Theo lời anh thì phun thuốc trừ sâu ngay từ lúc đầu là điều kiện bắt buộc để cây ít bệnh hơn. Cho nên trong thời gian này, phải phun cho tới khi sâu không còn thì cây mới khỏe, lá đẹp.


Càng gần Tết giá rau tăng cao, nông dân càng phun thuốc mạnh

Anh kể tên cho chúng tôi đủ loại thuốc trừ sâu khác nhau, từ loại dùng để trị sâu non cho đến những loại thuốc phun khi cây đang phát triển. Tính sơ sơ, trên một cây rau từ lúc non cho tới khi thu hoạch, phải sử dụng gần chục loại thuốc BVTV khác nhau.

Tiếp tục đi sâu vào ấp 3, xã Phước Dân chúng tôi vào vai nông dân đi học hỏi kinh nghiệm trồng trọt. Vào mùa này, rau ăn chính là cải xanh, cải ngọt và rau ngót. Đa số các hộ dân ở đây trồng các loại cải vì thời gian thu hoạch ngắn mà giá thành lại khá cao.

Anh Trần Tấn T., một hộ trồng rau ở đây nói: “Cải xanh thì chỉ chừng 20 - 22 ngày là có thu. Nếu có thuốc kích thích thì thu hoạch sẽ sớm hơn từ 4 - 5 ngày”. Dạo quanh khu vườn nhà anh, những cây cải xanh mướt, bóng loáng, có rất ít cây mắc bệnh.

Anh chia sẻ: “Để cải phát triển nhanh và cho thu hoạch sớm thì dùng thuốc kích thích phát triển bộ rễ, rồi thuốc kích thích tăng trưởng. Cải xanh rất nhiều sâu bệnh nên phải xịt thuốc trừ sâu liên tục, thấy có hiện tượng là phải khử ngay. Còn để cải bóng, cây đẹp thì bơm thêm thuốc làm bóng lá, làm đẹp cây…”.

Vừa nói, anh vừa chạy vào nhà lôi ra cho tôi xem cả thùng thuốc các loại và chỉ lần lượt tên và tác dụng. Gần như chiều nào anh cũng đi phun, không ít thì nhiều. Những cái tên như “E12 Ec - không còn một con sâu”, thuốc “dưỡng rau quả” với quảng cáo “khỏe cây, tốt lá, nở cọng”… Tuy nhiên, nhìn kỹ lại không hề có thành phần hay liều lượng thuốc sử dụng in trong gói thuốc.

VƯỜN VIETGAP BỊ LẤN ÁT

Dạo quanh xã Phước Dân một hồi, chúng tôi chỉ thấy lác đác một số khu vườn thấy đề bảng “Vườn rau VietGAP”. Hỏi ra, nhiều nông dân giải thích rằng, vì nếu làm đúng tiêu chuẩn VietGAP thì thời gian sẽ lâu hơn vì phải làm đủ phương thức như ủ phân, bón phân, rồi rất nhiều quy trình rắc rối khác.

Nông dân Trần Tấn Tài chia sẻ: Có rất nhiều hộ không vào HTX vì họ sợ bị ràng buộc về quy định, quy tắc. Nhất là cái khâu trước khi bán 3 ngày thì không được xịt thuốc nữa. Theo lời anh, nhiều hộ nằm trong HTX cũng đầu tư cả hai loại, tức một phần VietGAP, một phần rau “ăn thuốc”.

"Đầu tư các vườn rau kia để còn bán, chứ  cứ đợi làm đúng tiêu chuẩn VietGAP thì nghèo lắm. Nếu sử dụng thuốc mà sâu bệnh không chết, thì họ đâu có cho phun nữa, chẳng lẽ cứ để cây như vậy sao?”, anh Tài đúc kết.

Ngay sát bên nhà anh, gần mặt lộ có rất nhiều hộ không vào HTX. Những hộ này rất ngại tiết lộ về liều lượng thuốc BVTV họ cho rau “ăn” mỗi vụ. Những người này cho rằng, họ được tự do trong việc mua bán, không bị ép buộc bởi các quy định do HTX đưa ra. Anh Bảy (ngụ ấp 3, xã Phước Dân) nói: “Tôi không vào HTX vì nhiều lý do lắm. Quy định dùng thuốc loại nào, phun như thế nào rất rắc rối; trong khi sâu bệnh thì nhiều, nếu làm theo thì chúng tôi thiệt chứ ai thiệt”.

Anh này cũng nói thêm rằng, hiện tại những gia đình có vườn VietGAP chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà có cũng chỉ là một khóm nhỏ, còn hầu hết diện tích đều trồng bình thường, “ăn” thuốc ầm ầm.

Quả thực, nếu không nhìn cả thùng thuốc mà anh Tài đưa ra thì chẳng ai có thể nghĩ một cây rau cần nhiều thuốc BVTV đến vậy. Đi dọc các khu vườn ở đây, chúng tôi thấy có rất nhiều vườn đang trồng dưa leo, ai cũng nói rằng mấy cây này còn phải xịt, phun gấp đôi, vì bệnh hại, sâu bọ nhiều lắm!

THUỐC TRỪ SÂU TRUNG QUỐC CHIẾM GẦN 50%!

Theo Bộ NN-PTNT, trong 11 tháng năm 2013, Việt Nam nhập thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt 689 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính chiếm 49,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 3,8% so với thị phần của năm 2012.

Xem thêm
Kiểm kê khí nhà kính chi phí còn cao, quy định chưa được chi tiết

Doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới, chi phí còn cao, quy định chưa chi tiết nên rất cần sự đồng hành của quản lý nhà nước.

Tôm hùm liên tục chết, người nuôi điêu đứng

Thời gian gần đây, người nuôi thủy sản ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) điêu đứng vì tôm hùm liên tục chết, nguy cơ thua lỗ nặng.

Triển khai kế hoạch đăng ký khảo nghiệm lúa, ngô vụ hè thu 2024

HÀ NỘI Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Hóa và Dinh dưỡng cây trồng được Bộ NN-PTNT công nhận là tổ chức khảo nghiệm giá trị canh tác giống lúa, ngô tại 5 vùng.

Tưới tiết kiệm: Cái khó bó cái khôn

Tưới tiết kiệm mang lại rất nhiều lợi ích mà bản thân nông dân hiểu rất rõ, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.