| Hotline: 0983.970.780

Rau lâm sản ngoài gỗ

Thứ Sáu 03/04/2015 , 06:14 (GMT+7)

Từ nay đến cuối năm 2015, Lâm Đồng tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm ít nhất một loại rau rừng mới thuộc lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn tỉnh, có tên gọi là “rau sắng”.

Theo ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm KN Lâm Đồng, trong vài năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng và một số cơ quan nghiên cứu khoa học đứng chân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm đưa các loại rau lâm sản ngoài gỗ vào đời sống xã hội để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu về thực phẩm hằng ngày của con người; đồng thời khai thác tốt hơn những tiềm năng hiện có của rừng Lâm Đồng.

Rau sắng "sẵn sàng"

GĐ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng Nguyễn Trúc Bồng Sơn cho biết cụ thể hơn về loại lâm sản ngoài gỗ mà theo kế hoạch của Trung tâm là sẽ đưa vào trồng thử nghiệm trong thời gian tới.

 Tên thường gọi của nó là rau ngót rừng hoặc rau mì chính, có tên khoa học Melientha Suavis thuộc họ Opiliaceae; là cây lâm sản ngoài gỗ, thân gỗ nhỏ (cao khoảng 5 - 7 m, đường kính thân từ 15 - 25 cm); cho thu hoạch lá, ngọn non, hoa và quả (ăn như ăn rau sống bình thường, hoặc nấu canh, làm món trộn...).

Đồng thời, đây còn là một loại dược liệu rất có ích cho sức khỏe con người (chứa lượng lớn các axit amin không thể thay thế, đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp protein...).

Loại lâm sản ngoài gỗ rau sắng thường mọc ở vùng rừng núi cao ở các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ... Ở vùng rừng núi Lâm Đồng, loại cây lâm sản ngoài gỗ này cũng hiện diện nhưng mật độ không đáng kể.

Tuy nhiên, theo dự báo của các nhà chuyên môn, cây rau sắng rất có thể khá phù hợp với thổ nhưỡng miền núi Nam Tây Nguyên nên việc đưa vào trồng khảo nghiệm loại cây lâm sản ngoài gỗ này là khả quan.

“Chúng tôi đã sẵn sàng đưa giống cây lâm sản ngoài gỗ này vào trồng thử nghiệm tại vùng rừng Lâm Đồng trong thời gian sắp đến, chỉ trong năm nay thôi!”, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn khẳng định.

Hơn nữa, nếu đưa vào trồng thử nghiệm thành công giống rau sắng tại Lâm Đồng thì giá trị của nó còn là mang lại một nguồn gen mới trong bản đồ gen rau rừng cho khu vực miền núi Nam Tây Nguyên.

Không thể "hái lượm" mãi

Cách nay chưa lâu, nhóm các nhà khoa học của Trường Đại học Đà Lạt đã thực hiện một đề tài rất đáng quan tâm: “Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng các mô hình trồng một số loài rau rừng có giá trị ở Lâm Đồng”.

Triển khai đề tài này, trong vòng hai năm, nhóm tác giả đã thu thập và lập danh mục được hơn 120 loại rau rừng hiện có của Lâm Đồng.

Không chỉ thế, nhóm tác giả còn đề xuất, trước mắt, tỉnh Lâm Đồng cần nhanh chóng có kế hoạch trồng và nhân giống 9 loài rau lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao về kinh tế cũng như về dược liệu đang có nguy cơ bị đe dọa như lá bép, lỗ bình, cần dại, dưa núi, lạc tiên, ráy thon...

Một trong những ưu việt của các loại rau thuộc lâm sản ngoài gỗ ở rừng Lâm Đồng nói riêng và các vùng rừng núi của Việt Nam nói chung là vừa có giá trị dinh dưỡng cao và vừa có giá trị về y học cũng cao không kém.

Có thể chứng minh điều này bằng một nghiên cứu của nhóm tác giả Khoa Sinh của Trường Đại học Đà Lạt gần đây đã đưa ra số liệu về cây lá bép đặc trưng của vùng rừng Lâm Đồng.

Đó là trong lá bép có đến 16 aminnoacid trong tổng số 20 aminnoacid không thể thiếu đối với cơ thể con người, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng protein cho cơ thể con người; hàm lượng đường đạt 0,93%; có tác dụng giải độc, trị sốt rét, chữa tê thấp, bổ huyết...

Cách nay khá lâu, chính quyền tỉnh Lâm Đồng từng đưa ra lời hiệu triệu hãy nghiên cứu để tìm ra các loại rau rừng hoang dã mà con người ăn được nhằm xây dựng một kế hoạch phát triển mang tính bền vững đối với rau lâm sản ngoài gỗ.

Tuy nhiên, trong thực tế, tính “hái lượm” trong khai thác nguồn rau hoang dã thuộc lâm sản ngoài gỗ cho đến lúc này ở Lâm Đồng xem ra vẫn còn khá nặng nề.

Trước sự kiện Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chuẩn bị đưa vào trồng giống rau sắng hoang dã, có lẽ đã đây là dịp để nhắc lại vấn đề nghiên cứu theo lời hiệu triệu của chính quyền tỉnh Lâm Đồng cho nhiều người cùng lưu tâm!

Xem thêm
Hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án VFBC

Dự án đã huy động và ghi nhận đầu tư hơn 33 triệu USD từ các doanh nghiệp thân thiện bảo tồn, giúp hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Du khách người Pháp chụp được hình mang Trường Sơn trên đỉnh Bạch Mã

THỪA THIÊN - HUẾ Những du khách người nước ngoài trong khi tham quan Vườn quốc gia Bạch Mã đã tình cờ gặp 2 cá thể mang Trường Sơn quý hiếm và đã ghi hình lại.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất