| Hotline: 0983.970.780

Rau quả ế ẩm, nông dân ứa nước mắt đổ bỏ

Thứ Hai 08/03/2021 , 09:17 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều vườn cà chua, đỗ cô ve, bắp cải… của bà con nông dân Nam Định bế tắc đầu ra.

Vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh Nam Định gieo trồng khoảng 12.000 ha, trong đó có 1.700 ha trên đất 2 lúa. Với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, ngô, bí xanh, cà chua, khoai lang, các cây rau - đậu ngắn ngày.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục tấn cà chua của gia đình ông Chiến bế tắc đầu ra. Ảnh: Mai Chiến.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục tấn cà chua của gia đình ông Chiến bế tắc đầu ra. Ảnh: Mai Chiến.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Nam Định, vụ đông xuân năm nay, thời tiết thuận lợi, ủng hộ nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nhiều loại rau màu cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo NNVN, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh gặp khó khăn; cộng với đó là nhiều quán ăn, nhà hàng không có khách đến ăn… nên đầu ra nông sản ở các huyện trên địa bàn tỉnh bị “bế tắc”.

Nghĩa Hưng là một trong những huyện có diện tích đất vùng màu lớn ở Nam Định. Vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện gieo trồng khoảng 1.200 ha cây rau màu vụ đông, trong đó có gần 500 ha cây cà chua. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, giá nông sản trên địa bàn huyện giảm mạnh.

Gặp chúng tôi, ông Trần Văn Chiến (Khu 6, thị trấn Quỹ Nhất) buồn bã nói, chưa năm nào giá cà chua, rau xanh giảm mạnh như đầu năm nay. Chỉ vì con “cô vít” mà khiến gia đình ông điêu đứng, mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên.

Theo ông Chiến, gia đình ông canh tác gần 1 ha cà chua. Hiện, vườn cà chua của gia đình ông đã chín đỏ cả vườn nhưng bế tắc đầu ra. Ông đã tận dụng mọi mối quan hệ, gọi điện thoại “cầu cứu” hàng chục thương lái quen biết đến thu mua nhưng họ đều lắc đầu.

Cà chua chín đỏ, rụng đầy vườn. Ảnh: Mai Chiến.

Cà chua chín đỏ, rụng đầy vườn. Ảnh: Mai Chiến.

Chán nản, gia đình ông Chiến không muốn thu hoạch, bỏ mặc ngoài đồng; để cà chín đỏ, rụng đầy vườn. “Mọi năm, giá bán cà chua dao động từ 5.000 - 10.000đ/kg, có thời điểm còn cao hơn nữa. Song đầu năm nay, đầu ra không thuận lợi; giá bán rẻ mạt, chưa đến 500đ/kg”, ông Chiến tâm sự.

Dẫn chúng tôi ra vườn, ông Chiến bảo: Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cà chua sinh trưởng tốt, quả sai, đều quả. Những tưởng vụ này trúng lớn, có tiền để trả nợ, nào ngờ trái ngọt thành trái đắng…

Mỗi lần nhìn vào giàn cà chua chín đỏ, ông Chiến lại ứa nước mắt; mặt buồn rười rượi, nhàu nát như bánh đa gặp nước. Ông Chiến tính toán, với gần diện tích gần 1 ha, mỗi vụ gia đình ông thu hoạch khoảng 40 tấn cà chua. Vụ này, năng suất cà chua tương đương mọi năm.

“Đầu vụ, tôi có thu hoạch và bán được ít, nhưng không đáng kể. Giờ cứ để cà chín vậy, chứ thu hoạch về cũng không có thương lái mua, lại mất công. Nhìn mà tiếc…”, ông rầu rĩ.

Cũng theo ông Chiến, ngoài cà chua, gia đình ông còn khoảng 1.500 cây bắp cải, hàng tạ đỗ cô ve đã quá lứa, vẫn nằm im ngoài vườn. Thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Vườn bắp cải của gia đình chị Huệ vẫn nằm im ngoài vườn. Ảnh: Mai Chiến.

Vườn bắp cải của gia đình chị Huệ vẫn nằm im ngoài vườn. Ảnh: Mai Chiến.

Cách đó không xa là vườn bắp cải hơn 2.000 gốc của gia đình chị Trần Thị Huệ. Vì không bán được nên bắp cải đã quá lứa, già cỗi và đang có dấu hiệu thối dần. Bởi, không có thương lái đến thu mua. 

Vừa dọn vườn, chị Huệ vừa nói: Do không tiêu thụ được nên chị đang cắt bỏ cho cá ăn, nhưng số lượng rau bắp cải tồn đọng còn quá nhiều, chị buộc phải băm nát rau tại vườn để ủ làm phân bón.

Theo chị Huệ, để có được vườn bắp cải tươi tốt, gia đình chị đã đổ vào đây bao nhiêu tiền bạc gồm tiền giống, tiền phân bón…; chưa kể công sức vợ chồng chị bỏ ra, phải chăm rau như chăm con mọn, ngày nào cũng ở vườn nhiều hơn ở nhà. 

Do không tiêu thụ được nên bắp cải đã quá lứa, già cỗi và đang có dấu hiệu thối dần. Ảnh: Mai Chiến.

Do không tiêu thụ được nên bắp cải đã quá lứa, già cỗi và đang có dấu hiệu thối dần. Ảnh: Mai Chiến.

Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng Hoàng Quang Tuyến thông tin, vụ đông xuân trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu ở các xã vùng đồng màu như thị trấn Quỹ Nhất, xã Nam Điền, Nghĩa Thành, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đầu ra gặp nhiều khó khăn.

“Trên địa bàn toàn huyện ước khoảng còn gần 40% diện tích cây cà chua đang trong thời kỳ thu hoạch rộ. Chúng tôi cũng đã liên hệ với nhiều thương lái ở miền Trung, nhưng không ai nhận lời ra thu mua cả…”, ông Tuyến cho hay.

Tại các huyện như Nam Trực, Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản…, nông sản của bà con nông dân cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Do đó giá bán giảm nhanh, giảm sâu; đầu ra cũng không được thuận lợi.

Xem thêm
Cần 114 tỷ USD cho lộ trình phát thải ròng bằng '0' đến năm 2040

Con số trên được chia sẻ tại lễ thành lập Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam tại Hà Nội ngày 12/4. Mạng lưới nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để hỗ trợ khối doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh Việt Nam trong kiểm kê khí nhà kính.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.

Bình luận mới nhất