| Hotline: 0983.970.780

Rệp sáp hại cà phê

Thứ Tư 21/07/2010 , 13:07 (GMT+7)

Rệp sáp sống tập trung thành đàn, gây hại hầu như quanh năm, nhất là các tháng mùa khô. Rệp sáp gây hại trên nhiều bộ phận của cây cà phê...

Hỏi: Địa phương chúng tôi mới trồng cà phê nên không biết có loại sâu gì màu trắng đeo bám nhiều quanh cành, lá, quả non làm vàng lá, rụng quả rất nhiều. Tôi đã phun nhiều loại thuốc mà rất khó diệt trừ. Xin quí báo cho biết đó là loại sâu gì, đặc điểm và cách phòng trị thế nào cho có hiệu quả?

(Trần Trọng Thành - xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình)

Trả lời: Theo mô tả của bạn, chúng tôi cho rằng đó là loài rệp sáp có tên khoa học là Pseudococcus sp mà nhiều nơi còn gọi là rệp bông hay rệp sáp bông vì trên thân mình chúng thường có một lớp sáp màu trắng trông giống như những sợi bông không thấm nước. Chính nhờ lớp sáp này mà rệp sáp có khả năng sống sót mạnh nhờ nước thuốc khó thấm sâu vào bên trong cơ thể chúng nếu không có những loại thuốc trừ sâu đặc hiệu hoặc những biện pháp phòng trị hữu hiệu, đúng lúc, đúng cách.

Đặc điểm hình thái và phương thức gây hại: Rệp cái trưởng thành hình bầu dục, không cánh, dài 4mm, thân phủ một lớp sáp không thấm nước, con đực trưởng thành nhỏ hơn, dài khoảng 3mm, có cánh, không có sáp trắng. Rệp sáp sống tập trung thành đàn, gây hại hầu như quanh năm, nhất là các tháng mùa khô. Rệp sáp gây hại trên nhiều bộ phận của cây cà phê như lá non, chồi non, cuống quả, chùm hoa, quả non, gốc và rễ cây bằng cách chích hút nhựa cây làm cho vàng và rụng lá, hỏng hoa, rụng quả, làm cho cây còi cọc dẫn đến chết khô cả cây nếu bị nặng. Rệp càng lớn càng ít di chuyển, chúng chuyển từ cây này sang cây khác nhờ cộng sinh với kiến, chúng thải ra chất mật ngọt vừa để nuôi kiến vừa tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm cản trở đến quá trình quang hợp của lá. Vào giai đoạn cuối mùa khô rệp trưởng thành còn chui xuống đất bám vào hút dịch ở gốc và rễ cây tạo điều kiện cho một số loại nấm xâm nhập và gây hại bộ rễ làm cho cây thối rễ, vàng lá và chết dần. Con cái đẻ hàng trăm trứng thành từng bọc có phủ lớp sáp trắng bên ngoài ở các kẽ lá, cuống quả. Rệp non mới nở màu hồng, trên mình chưa có sáp, chân khá phát triển nên nhanh chóng di chuyển tìm nơi sinh sống và gây hại. Rệp sáp phát triển nhanh về số lượng vào các thời điểm chuyển từ mùa mưa sang mùa khô nên đây là thời điểm rệp gây hại nặng nhất cho cây cà phê cần được phòng trừ một cách triệt để.

Để phòng trừ rệp sáp có hiệu quả: Theo các nhà khoa học Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, để có thể phòng trừ rệp sáp một cách hiệu quả và triệt để bà còn cần áp dụng các biện pháp tổng hợp sau đây:

- Tăng cường vệ sinh vườn cây như cắt tỉa hết các cành sâu bệnh, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch nhằm làm cho vườn cây thông thoáng; dọn sạch cỏ rác, lá cây mục quanh gốc cà phên để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến, hạn chế môi trường sinh sống, lan truyền của rệp sáp.

- Thường xuyên kiểm tra 10 ngày/lần để phát hiện sự xuất hiện, mật số của rệp sáp để có biện pháp xử lý kịp thời vì chúng sinh sản rất nhanh. Kinh nghiệm nhiều nơi có thể dùng nước rửa chén pha từ 10-20ml/8 lít nước phun ướt đều những nơi bị rệp đeo bám. Cũng có thể dùng vòi phun áp lực mạnh phun xịt nước vào chỗ có nhiều rệp sáp đeo bám có tác dụng rửa trôi, đồng thời tạo độ ẩm trên cây làm giảm mật số rất hiệu quả.

- Đối với rệp sáp trên lá và chùm quả nên dùng các loại thuốc đặc trị sau đây để phun ướt đều trên cây, phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày để diệt tiếp lứa non mới nở: Oncol 20EC, Nurelle D 25/2,5EC (25-30ml/bình 8 lít), Cori 23EC (20ml/bình 8 lít), Mospilan 3EC 15ml/bình 8 lít), Elsan 50EC (30ml/bình 8 lít), Applaud 10WP 920-30ml/bình 8lits) hoặc Applaud 25EC (8-12ml/bình 8 lít) và dầu khoáng Citrole 96,3EC (40ml/bình 8 lít).

- Với rệp sáp hại rễ nên dùng Oncol 20EC pha 50ml/10 lít nước tưới vào vùng rễ ở gốc với khối lượng từ 4-8 lít/gốc dung dịch thuốc tùy cây lớn hoặc nhỏ. Nếu đát khô, trước khi tưới thuốc 1 ngày nên tưới nước cho ẩm đất vùng rễ sẽ giúp thuốc ngấm nhanh và sâu hơn. Ngoài ra có thể xới đất quanh gốc sâu 10cm rồi rải 20-30g/gốc thuốc Lorsban 15G rồi phủ đất và tưới nước đủ ẩm cho ngấm thuốc để diệt hết rệp sáp ở gốc và vùng rễ.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất