| Hotline: 0983.970.780

Rệu rạo đê vùng chiêm trũng

Thứ Tư 26/12/2018 , 08:59 (GMT+7)

Hiện nay, về cơ bản hệ thống đê tại tỉnh Hà Nam vẫn đảm bảo chống lũ. Tuy nhiên, nhiều tuyến đê đang xuống cấp, mặt đê hư hỏng nghiêm trọng. 

Nguyên nhân đa phần là do sự hoạt động của xe quá tải chở vật liệu tử các bãi cát, lò gạch dọc các tuyến sông Đáy, sông Hồng.
 

Nhiều tuyến đê báo động đỏ

Hệ thống đê điều tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài 362,98km. Trong đó, sông Hồng 38,973km; sông Đáy 49,516km; sông con, đê bối và các tuyến đê phụ khác có 274,5km.

Đối với tuyến đê hữu Hồng thuộc đê cấp I, có 4 hệ thống kè mõ: Yên Ninh, Nguyên Lý, Chương Xá, Như Trác và 5 hệ thống kè lát mái. Có 12 cống dưới đê. Ngoài ra, còn có 4 tuyến đê bối bảo vệ cho các vùng dân cư ngoài đê (đê bối Chuyên Ngoại, Hồng Lý, Nhân Long, Nhân Hòa).

16-37-34_1
Tuyến đê hữu Hồng đoạn qua huyện Duy Tiên bị xuống cấp

Cao trình mặt đê tuyến hữu Hồng hiện nay đã đạt và cao hơn (từ 0,1 - 1m) cao trình mặt đê thiết kế, đồng thời cao hơn mực nước lũ cao nhất đã xảy ra là +9,03 tại Mộc Nam và +7,81 tại Như Trác (mực nước lịch sử năm 1971).

Toàn bộ tuyến đê hữu Hồng có bề rộng mặt đê lớn hơn 5m. Mái đê thượng lưu có hệ số mái <2 là 13,3km; mái đê hạ lưu có hệ số mái <3 là 19,843m. Tổng chiều dài những đoạn đã có cơ đê phía thượng lưu là 28,55km; phía hạ lưu là 34,081km.

Tổng chiều dài tre chắn sóng tuyến đê hữu Hồng đã được trồng và phát huy tác dụng 29,356km; được trồng nhưng chưa phát huy tác dụng 3,247km; tổng chiều dài những đoạn chưa trồng được tre chắn sóng 2,081km; những đoạn không thể trồng tre chắn sóng do nhà dân ở sát chân đê và các công trình qua đê 4,289km.

Toàn tuyến đê hữu Hồng có 30,371km mặt đê bê tông; 1,27km rải nhựa asphalt; 8,421km mặt đê đã được bóc bỏ bê tông vỡ nát, sụt lún để rải cấp phối còn lại 0,181km chưa được gia cố. Hầu hết các đoạn đê đã được cứng hóa từ lâu, đồng thời lưu lượng xe tham gia giao thông trên đê ngày một nhiều. Đặc biệt xe chở vật liệu xây dựng, xe chở quá tải nên mặt đê bị xuống cấp. Một số đoạn xuống cấp nghiêm trọng rất khó khăn cho việc giao thông đi lại và ứng cứu khi có sự cố.

Trên tuyến đê hữu Hồng có 40 điếm canh đê, hầu hết các điếm canh đê đã được xây dựng từ lâu, một số điểm hư hỏng nặng và xuống cấp như: cửa điếm bị hỏng, mục nát không sử dụng được, tường bị nứt, bong tróc… Đặc biệt các điếm tại huyện Lý Nhân tường điếm bị lún, nứt, bê tông mái bị nổ, mái bị dột, điếm bị nghiêng về hạ lưu… Do nguồn kinh phí hạn chế nên kè mỏ chưa được xây dựng hoàn chỉnh và không đồng bộ. Số lượng mỏ còn ít, còn nhiều mỏ ngắn, khoảng cách các mỏ còn xa, dẫn đến hiện tượng xói lở, sạt trượt bãi sông.

16-37-34_3
Nhiều điếm canh đê cũng bị xuống cấp

Tuyến đê bối có tổng chiều dài 23,3km, diện tích bảo vệ gần 1.600ha đất và 14.000 người dân. Độ cao các đê bối do nhân dân tự bồi trúc nên đã ở mức nước báo động II - III. Nhưng về chất lượng đê bối hầu hết được đắp bằng đất cát pha, nhiều đoạn đê bối sát lòng sông.

Tuyến đê tả Đáy thuộc địa phận tỉnh Hà Nam dài 49,516km, 18 công trình kè lát mái, hộ bờ và tường kè, 26 cống dưới đê. Ngoài ra, đê tả Đáy có đê bối bảo vệ cho các vùng dân cư phía ngoài.

Cao trình mặt đê sông Đáy cơ bản đạt và cao hơn hơn (0,1 - 1m) cao trình mặt đê thiết kế, đồng thời cao hơn mực nước lũ cao nhất đã xảy ra là +4,93 tại Phủ Lý (mực nước lịch sử tháng 10/2017).

Tổng chiều dài mặt đê tả Đáy có chiều rộng <5m là 19,608km; tổng chiều dài mặt đê có chiều rộng <8m là 29,908km. Chiều dài mái đê phía sông chưa đảm bảo yêu cầu thiết kế 8,929km.

Tổng chiều dài đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê phía thượng lưu 12,136km; phía hạ lưu 5,230km. Tổng chiều dài tre chắn sóng tuyến đê tả Đáy đã được trồng và phát huy tác dụng 2,390km; được trồng nhưng chưa phát huy tác dụng 1,609km; tổng chiều dài những đoạn chưa trồng được tre chắn sóng 12,464km; những đoạn không thể trồng tre chắn sóng do nhà dân ở sát chân đê và các công trình qua đê 33,053km.

Chiều dài đê tả Đáy đã được cứng hóa 29,302km; đã được rải cấp phối 15,059km; còn lại 5,155km là tường kè và núi đá. Chiều dài đường hành lang chân đê phía đồng đã được gia cố 6,455km; phía sông được gia cố 1,341km. Trên tuyến đê tả Đáy có 24 điếm canh đê, có 8 điếm canh đê xây mới, hầu hết các điếm canh đã được xây dựng từ lâu, một số điểm hư hỏng nặng và xuống cấp như: cửa điếm bị hỏng, mục nát không sử dụng được, tường bị nứt, bong tróc…

16-37-34_4
Mặt đê hư hỏng gây khó khăn cho người tham gia giao thông

Tuyến tả Đáy có 8 đê bối với tổng chiều dài 22,225km bảo vệ diện tích 1.055,88ha và gần 10.000 dân. Các đê bối đã giữ được ở mức báo động II, mặt đê bối còn nhỏ, nền và thân đê đều bằng đất cát pha, chân bối có nhiều ao sâu dễ gây thẩm lậu, sạt trượt.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nam, năm 2019, Hà Nam sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp một phần hai tuyến đê hữu Hồng và tả Đáy. Tổng số tiền đầu tư là 135 tỷ đồng từ nguồn vốn phòng chống thiên tai Trung ương.

Đê cấp IV như đê Hoàng Uyển dài 16,715km thuộc địa phận huyện Duy Tiên mặt đê được mở rộng 9m, bê tông 7m; đoạn còn lại mặt đê mở rộng 6m, mặt bê tông 5m; cao trình mặt đê +5.5. Tuyến đê sông Nhuệ trên địa bàn huyện Duy Tiên, Kim Bảng, TP Phủ Lý có chiều dài 22,9km. Mặt đê rộng 6m, chiều rộng bê tông 5m, cao trình mặt đê +6 đảm bảo khả năng chống lũ.
 

Tan nát tuyến đê cấp 1

Thực tế tại tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua huyện Duy Tiên (Hà Nam) có chiều dài 11,63km cho thấy tuyến đê này đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trên mặt đê nham nhở, rạn nứt, bê tông nằm ngổn ngang. Nhiều chỗ trơ đất, bị xới tung, gãy khúc kéo dài hàng trăm mét, bụi bay mù mịt. Mặt đê chằng chịt ổ voi gây mất an toàn giao thông.

Các phương tiện tham gia giao thông, nhất là người điều khiển xe máy, xe đạp rất vất vả, thậm chí có đoạn phải xuống dắt xe.

Ông Trần Văn An, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Duy Tiên thừa nhận những bất cập, những khó khăn mà đơn vị gặp phải trong quản lý đê. Ông An cho biết: “Mặt đê hầu như được kiên cố hóa, thời gian sử dụng lâu rồi, mà các tuyến trên đê liên quan đến các điểm, các doanh nghiệp, các bãi cát hoặc những lò gạch tuynel. Trong khi đó, cơ bản đường hành lang không có, các lò gạch, bãi cát này được tỉnh phê duyệt, cấp phép, nên chạy chủ yếu trên đê, tuyến đê nhiều đoạn hư hỏng. Bến sông có nhiều bãi cát của doanh nghiệp, nhiều lò gạch hoạt động nên tất cả xe tải phải chạy trên mặt đê. Hiện phía ngoài đê có 4 nhà máy gạch, trong đê có 1 nhà máy đang hoạt động”.

Dù mặt đê thiết kế tải trọng 12 tấn, nhưng xe tải thường xuyên chở cát, gạch lên đến 40 - 50 tấn. Lực lượng của Hạt mỏng, lên đê chặn xe thì không đủ điều kiện, thẩm quyền chặn xe.

16-37-34_2
Dù mặt đê thiết kế tải trọng 12 tấn, nhưng xe tải thường xuyên chở cát, gạch lên đến 40 - 50 tấn

Ngoài ra, nền đê qua nhiều năm tôn tạo, vật liệu không đồng chất nên không thể tránh được nền đất vỡ. Mặt đê hiện tại từ km126 - km129 bị hư hỏng. Nhiều điếm canh đê đã xuống cấp, đổ nát. Đê hữu Hồng chạy qua địa bàn 3 xã của huyện Duy Tiên. Trong những năm qua, hành lang an toàn bảo vệ đê đã được cơ quan chức năng kiểm tra với mục đích phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm. Tuy nhiên, vẫn có vi phạm chưa thể xử lý triệt để.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Minh Tân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nam cho biết, tuyến đê hữu Hồng, tả Đáy đảm bảo khả năng chống lũ. Tuy nhiên khai thác cát từ bãi sông đưa lên, để xây dựng, xe tải đều chạy qua tuyến đê nên bị xuống cấp. Cũng theo ông Tân, điển hình như ven đê hữu Hồng, thực tế chỉ có 4 - 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, nhưng đếm sơ sơ cũng thấy trên 20 bến bãi khai thác, tập kết cát sỏi.

Đánh giá về hiện trạng đê điều, Chi cục Thủy lợi Hà Nam cho rằng, vẫn còn nhiều khuyết tật như chưa có cơ, một số đoạn cơ thấp, nhỏ, chưa có tre chắn sóng; nhiều nơi nền, chân đê yếu, mặt đê nhiều đoạn bị vỡ nát gây khó khăn cho công tác kiểm tra, ứng cứu khi có sự cố; một số đoạn xảy ra hiện tượng sạt trượt; hệ thống kè mỏ chưa đủ số lượng, nhiều mỏ thiếu chiều dài, khoảng cách giữa các mỏ đã được lát mái nhưng còn nhiều vị trí vẫn bị sạt lở nên các tuyến đê ở Hà Nam còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

 

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm