| Hotline: 0983.970.780

Rồi sẽ ra sao đời sống vợ chồng của cháu?

Thứ Tư 23/08/2017 , 06:50 (GMT+7)

Khi ngồi ăn uống hay xem ti-vi cận kề nhau và đùa với con trai là sẽ cho nó một em gái. Nhưng khi ba mẹ vào phòng thì thói quen nó dẫn dắt, nhất là khi thấy chồng cầm lên smartphone là cháu cũng chẳng tha thiết chạm vào anh nữa...

Cô kính mến!

Một lá thư khó nói nhưng mà cháu tặc lưỡi, vẫn viết cô ạ. Vợ chồng cháu cưới nhau đã được 6 năm, con trai giờ đã 5 tuổi. Chúng cháu độc lập, hai người hai xe máy, hai công việc khá nhàn, con có người giúp việc làm theo giờ trông nom. Hai bên bố mẹ còn trẻ khỏe, không ở chung, nhưng cũng không ở quá xa, tuần nào các cháu cũng về với một bên vào cuối tuần nếu không có kế hoạch đi chơi đâu.

Cuộc sống tươi đẹp đúng không cô? Nhưng khoảng 3 năm nay từ khi chồng có các thứ vây quanh, iPhone rồi iPad và lập facebook. Ban đầu thấy nó kỳ diệu, nhiều tiện ích quá, lại khiến cha con có thứ để gắn kết, chơi đùa chung, con dễ bắt nó ăn hơn. Nhưng rồi cháu thấy những thứ đó “cướp” chồng mà mình không hay, nó cướp thật tinh vi nhẹ nhàng mà ghen với nó thì quá dở.

Cô xem ăn cũng không có nhau như xưa, ngủ thì anh toàn ngủ sau, nhiều khi đang đêm mà messenger nhá đèn như có người đột nhập trong phòng. Anh không chịu cất điện thoại ở ngoài, có sạc cũng mang vào đầu giường cắm điện. Điên tiết cháu cũng mua một iPhone, cháu cũng lập facebook và lã lướt. Bạn bè của anh cháu kéo về với cháu, rồi bạn và đồng nghiệp của cháu. Rất vui cô ạ.

Không ngờ cái thứ lúc đó cháu càu nhàu nay thì cháu cũng y hệt anh, cũng thức khuya, cũng like, cũng comment tá lả đàn ông đàn bà. Giờ hai vợ chồng quay lưng lại với nhau chơi cái trò của mình với chao đèn ở hai bên giường. Con trai cháu tập cho ngủ riêng từ sớm nên nó không làm vướng gì cả. Mệt, vợ chồng mạnh ai nấy tắt đèn, ngủ.

Cháu phát hiện sự nguội lạnh của chính mình. Khi ngồi ăn uống hay xem ti-vi cận kề nhau và đùa với con trai là sẽ cho nó một em gái. Nhưng khi ba mẹ vào phòng thì thói quen nó dẫn dắt, nhất là khi thấy chồng cầm lên smartphone là cháu cũng chẳng tha thiết chạm vào anh nữa, cháu phản ứng bằng cách cháu cũng đâu kém cạnh gì, cháu cũng lên facebook hươu vượn ào ào. Một hồi thì mệt, mệt óc, chán, ngáp dài, đã vậy thì ngủ chứ còn râm ran ríu rít gì nữa.

Biết đó là bệnh của thời hiện đại nhưng biết mà không tránh là dại, là kém, là dở, đúng không cô? Rồi sẽ ra sao đời sống vợ chồng của cháu? Rồi đứa con trai một này sẽ lớn lên ra sao, nó cũng sẽ cúi mặt vào máy và bập vào game, hết cứu. Bố mẹ thế con tránh sao được nghiện phải không cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Không phải đây là lần đầu “con bệnh” của thời điện tử tìm đến với trang tư vấn. Thói quen mà cô gọi là bệnh đó đã phổ biến lắm rồi. Nó đang gặm nhắm đời sống từng gia đình, từng thành viên và nó “tỉa” từng người cho đến khi hậu quả thấy được vỡ ra, sự trả giá rõ ràng hơn. Ví như chồng vợ bỏ nhau do có ai đó hay là những ai đó trên thế giới ảo hay hơn người bên cạnh mình. Ví như bị gạ gẫm và mất tiền. Ví như con ngã bệnh từ mê game, từ mê smartphone…

Phải rất có bản lĩnh mới chế ngự được sự ham thích mê muội này. Làm được không? Có những nơi khác mình không? Có những quốc gia không giống như VN không? Phải đứng lên trên các thứ làn sóng mê thích ấy để quan sát thì mới có câu trả lời.

Phải công nhận dân Việt Nam mình say mê cái mới. Nhìn họ xếp hàng, hoặc đi tận Singapore để xếp hàng mua cho được iPhone thế hệ mới thì biết dân mình cái máu chơi nó lấn át lý trí lắm. Vả lại, phải có cái đó thì phây phiếc mới sướng, và cũng dân Việt Nam hình như đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ người có facebook trên tổng số dân. Mạng xã hội không chỉ là để thư giãn nữa mà để hòa nhập, làm nên một sức mạnh cộng đồng đối với những vấn đề mà nhiều người bức xúc. Ví như câu chuyện giáo dục. Ví như câu chuyện các ông quan to với dinh thự to. Ví như chuyện BOT Cai Lậy mới đây đấy.

Cô cũng thấy dân mình, không riêng đàn ông dễ ghiền nọ kia quá. Một gia đình có một người nghiện mạng miếc đã đủ bực, ở đây vợ “trả thù” chồng bằng nghiện luôn nữa thì trời cứu! Cô nói thẳng, cháu không cai, cháu chủ động nghiện và lạnh tanh như vậy thì trời cứu đó nha. Nó làm cho hoóc môn mình thay đổi. Nó làm cho đời sống giường chiếu không còn. Nó làm cho chất lượng sống xuống thấp. Và rồi, nó làm cho cả chồng và cháu tìm đến người ở bên ngoài. Có cô vợ dám tuyên bố chọn facebook chứ không lựa chọn ông chồng đã làm họ chán ngấy vì suốt ngày chỉ thấy chồng thẳng đơ trên giường với một bàn tay cầm smartphone giơ lên, bất động, như một cái thây ma!

Vậy đó. Phải chủ động cải thiện cháu ơi. Cháu cai trước. Cháu gần chồng trước (nếu không muốn tan). Làm sống lại cảm giác ân ái trước đây, nay bị lu mờ. Mách nhỏ, có nàng còn “dám” ngủ nuy để rủ rê chồng nữa đó. Sao không? Sao không mạnh dạn như mình dám mạnh dạn mua iPhone và lập facebook? Mọi thứ đều do con người, mê được thì bỏ được. Vì lợi ích của đứa con, tấm gương cho nó, không khí gia đình lành mạnh cho nó, và sinh thêm như đã muốn thì phải sinh, kẻo muộn.

Đàn bà như nhạc trưởng, chồng con là nhạc cụ, nhớ nhá, mình điều khiển chứ không phải chồng đâu, mình kiến tạo bữa cơm, món ăn, không khí và tất cả, nhớ nha.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm