| Hotline: 0983.970.780

Rộn rã nông thôn Vĩnh Long ngày giáp tết

Thứ Năm 11/02/2021 , 10:25 (GMT+7)

Những ngày giáp tết, bà con Vĩnh Long tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị rước ông bà và đón giao thừa mừng năm mới.

Không khí mừng xuân đón tết của bà con Vĩnh Long quê tôi đang rộn rã hẳn lên. Mặc dù lo dịch bệnh Covid-19 vẫn còn dai dẳng nhưng ở nông thôn Vĩnh Long, bà con cũng đã tất bật trang hoàng nhà cửa, sân vườn.

Trước đó, nhiều hộ đã tích cực tăng gia sản xuất, chuẩn bị các hoạt động dịch vụ, kinh doanh để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa làm đẹp thêm nét xuân ở vùng quê.

Người dân sơn sửa nhà cửa đón tết. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân sơn sửa nhà cửa đón tết. Ảnh: Minh Đảm.

Trồng thêm hoa kiểng bán tết

Ngày thường, chỉ có những xã lên nông thôn mới mới thấy hoa, cây cảnh ven đường. Tết theo những con đường về vùng quê thì hầu hết đều có những liếp hoa vạn thọ, mồng gà, cúc rực sắc đỏ được trồng hai bên đường trông cảnh quan nông thôn tươi tắn hẳn lên.

Ấp Thạnh Trí (xã Hoà Thạnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) có khoảng 20 nóc gia sống hai bên Quốc lộ 53 (đoạn cách cầu Phó Mùi khoảng 3 km về hướng Trà Vinh) thì có trên 10 hộ trồng hoa kiểng để bán tết, ước chừng khoảng 10 thiên chậu hoa các loại.

Chỉ cần khoảng trống chừng 300m2 là có thể trồng khoảng 1 thiên chậu hoa tết (1.000 cây) như hoa vạn thọ, mồng gà và cúc Đà Lạt, trồng bán tại chỗ ven hai bên lề đường. Xóm hoa này đã tồn tại hơn chục năm nay. Mấy năm trước chỉ có 2-3 hộ làm nghề này, hai năm nay đã tăng lên chục hộ.

Trồng hoa cúc bán tết. Ảnh: Minh Đảm.

Trồng hoa cúc bán tết. Ảnh: Minh Đảm.

Dịch bệnh Covid-19 làm đầu ra nhiều loại nông sản khó khăn. Anh Huỳnh Văn Thái, người đã trên 10 năm trồng hoa ở đây cho biết: “Mình chịu khó bỏ công trồng hoa bán tết, kiếm được cũng khá và dành dụm chút đỉnh ăn tết. Rồi mình còn mừng tuổi ông bà, lì xì cho sấp nhỏ nữa”.

Năm ngoái, anh Thái mạnh dạn dành 300 m2 đất ven đường và sau nhà để trồng 700 chậu vạn thọ Pháp và 300 cây vạn thọ ta nhổ bán được gần 15 triệu đồng. Năm nay, anh cũng trồng với số lượng đó nhưng giá bán cao hơn năm ngoái nên cũng kiếm được kha khá.

Theo như người trồng hoa vạn thọ chia sẻ, năm nay tuỳ theo chất lượng hoa, giá mỗi cặp dao động từ 30-60 ngàn đồng. Riêng hoa cúc ta, mỗi cây cũng có giá 6.000 - 7.000 đồng, cao hơn năm ngoái từ 2.000 đồng/cây nên người trồng rất phấn khởi.

Nhổ hoa vạn thọ bán chợ tết. Ảnh: Minh Đảm.

Nhổ hoa vạn thọ bán chợ tết. Ảnh: Minh Đảm.

Tết này, vợ chồng anh Nguyễn văn Hương (ấp Thanh Mỹ 1, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã bán trên 10.500 bội hoa vạn thọ Pháp, cúc Hà Lan, cúc Thái Lan, ớt Đà Lạt và hoa Mồng gà. Đây là năm thứ 7, người nông dân từ làng hoa Cái Mơn (Bến Tre) này đến đây thuê 8 công đất trồng hoa bán tết.

Vụ hoa năm ngoái, anh Hương trồng 13.000 bội hoa, bán được khoảng gần 120 triệu đồng (trừ chi phí còn lãi trên 30 triệu đồng). Năm nay, còn chờ chợ sáng 30 tết nữa là vợ chồng anh Hương về nhà. Anh Hương cho biết: Năm nay, mặc dù bị mưa trái mùa nhưng nhờ chăm sóc tốt nên vụ hoa vẫn tươi tốt, hoa ra đúng vụ, giá bán không tăng so với năm rồi. Chẳng hạn như vạn thọ Pháp bán 30.000 đồng/cặp, cúc Hà Lan từ 40.000 đồng/cặp.

Sôi nổi chợ quê

Có nhiều người, ngày bình thường làm ruộng, nhưng dịp này cũng tranh thủ làm thêm nghề dịch vụ như sơn nhà, lặt lá mai,…hoặc gom góp những rau, củ, con gà, con vịt đem ra chợ bán để có thêm thu nhập. Nhiều tiểu thương ở các chợ xã cho biết, các hoạt động mua bán ở chợ quê sôi động hẳn lên và đông đúc hơn từ sau ngày đưa ông Táo về trời.

Nhiều hàng hóa phục vụ Tết được chuyển về nông thôn, nhờ hệ thống giao thông đường bộ phát triển và các hình thức giao dịch đa dạng, thuận tiện nên hàng về rất nhanh chóng. Các mặt hàng ở chợ quê được bày bán rất đa dạng, phong phú, chất lượng không thu kém chợ thị thành. Từ những mặt hàng dân dã như rau củ, trái cây, heo gà, bánh tráng, bánh phồng đến những mặt hàng sang trọng như hàng chế biến, đóng gói, kẹo, mứt. Năm nay, nhiều cửa hàng Bách hóa Xanh mọc lên, ở trung tâm xã nào cũng có, góp phần cung ứng lượng hàng tiêu dùng phong phú cho những ngày tết ở nông thôn.

Phơi bánh tráng ăn tết. Ảnh: Minh Đảm.

Phơi bánh tráng ăn tết. Ảnh: Minh Đảm.

Ở miệt vùng sâu của ấp Bà Đông, xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm có hộ bà Lê thị Út. Có thể nói, đây là một trong những hộ ít ỏi còn làm nghề tráng bánh thuê cho bà con xung quanh ăn tết.

Bà Út cho biết: “Tôi làm nghề tráng bánh tráng dịp tết này đã trên 10 năm nay rồi. Mỗi ngày kiếm được trên 150-200 ngàn đồng. Mỗi mùa tết cũng có 4-5 triệu đồng. Như năm nay, từ mùng 10 là lò bánh của tui đỏ lửa rồi”.

Ở các vùng, các xóm trồng rau, màu cũng đang tất bật thu hoa màu bán chợ tết. Ông Trần Văn Hiền, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) cho biết: Hoa màu của thành viên sản xuất chủ yếu cung cấp rau cho siêu thị Co.op Mart, VinMart Vĩnh Long, Metro Cần Thơ và các trường mầm non ở TP Vĩnh Long.

Gia tăng cung cấp rau màu dịp tết tại HTX sản xuất và cung ứng rau an toàn Phước Hậu. Ảnh: Minh Đảm.

Gia tăng cung cấp rau màu dịp tết tại HTX sản xuất và cung ứng rau an toàn Phước Hậu. Ảnh: Minh Đảm.

“Những ngày này, HTX gia tăng thêm lượng rau bán ra lên 2,5 tấn/ngày, tăng 0,5 tấn/ngày so với ngày thường. Năm nào HTX cũng thủ sẵn 300 tấn rau cung cấp cho thị trường trong những ngày tết. Tuy vậy, đến kỳ giáp tết là giá xuống thấp, nhưng bà con HTX vẫn vui vì số lượng tiêu thụ nhiều, bù qua bổ lại tính ra cũng có lời”, ông Trần Văn Hiền chia sẻ.

Còn nhiều lắm những hoạt động trong những ngày giáp tết. Mỗi nơi mỗi vẽ, mỗi nhà mỗi kiểu, nhưng tựu chung dân quê đều ước mong kiếm thêm thu nhập dịp tết.

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…

Bình luận mới nhất