| Hotline: 0983.970.780

Rủ nhau hiến đất, làm đường

Thứ Sáu 30/12/2011 , 10:14 (GMT+7)

Chúng tôi tìm đến xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) vào một ngày cuối năm 2011 và may mắn được tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất làm đường.

Người dân xã Quảng Phương hiến đất để mở rộng GTNT

Ông Hồ Viết Lâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình), phấn khởi: “Thời gian qua, phong trào hiến đất làm đường xây dựng NTM đã được bà con hưởng ứng như làm việc nhà. Người nọ theo người kia, nhà nhà rủ nhau chặt cây trồng để lấy đất mở rộng đường theo chuẩn mới”.

Tiên phong để con cháu noi gương

Chúng tôi tìm đến xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) vào một ngày cuối năm 2011 và may mắn được tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất làm đường. Nhiều gia đình đã tự giác chặt, đốn cả những cây lâu năm như: mít, xà cừ, bạch đàn, xoan…, gốc to bằng cả một người lớn ôm mới xuể. Nhà thì đang phá dỡ tường rào, mở rộng đường giao thông liên xã, liên thôn.

Trên đoạn đường nội thôn vừa giải phóng mặt bằng xong, anh Nguyễn Thái Sơn, Trưởng thôn Tô Xá, hồ hởi khoe: “Thôn chúng tôi hiện có 372 hộ, 1680 nhân khẩu, sống phân bố tại 4 xóm. Những ngày qua do mưa, rét nên toàn thôn mới giải phóng xong 5 trục đường nội thôn với chiều dài hơn 5 km. Nếu thời tiết thuận lợi, trong vòng 1 tháng thì thôn chúng tôi sẽ hoàn tất việc giải phóng mặt bằng đường giao thông nông thôn theo đúng tiêu chí NTM mà các hộ dân đã ký cam kết”. Cũng theo anh Sơn thì tại thời điểm này, có khoảng 70% người dân trong thôn tự nguyện cam kết với chính quyền thôn, xã để hiến đất và tài sản trên đất.

Cùng với nhiều bà con trong xóm, bác Hoàng Văn Dụng, thôn Tô Xá vừa mới tham gia hiến đất, tài sản mở rộng đường giao thông tâm sự: “Không chỉ gia đình tôi hiến đất mà hầu hết tất cả các hộ nằm trong chỉ giới mở rộng đường đều vui vẻ như nhau. Ai cũng xác định là nỗ lực chung tay xây dựng NTM để có cuộc sống mới mà".

Rời thôn Tô Xá, chúng tôi tìm đến xóm 3 Pháp Kệ. Bên con đường vừa được cắm mốc lộ giới, ông Trần Thường (85 tuổi, ở xóm 3) đang cặm cụi phát quang dọc theo 2 trục đường giao thông chạy ngang qua khu vườn nhà ông. Gặp chúng tôi, ông vui vẻ: “Là một đảng viên với 60 năm tuổi Đảng, đồng thời cũng là người cao tuổi của thôn nên cũng đi đầu để con cháu noi theo. Chính phủ đang phát động cả nước cùng chung tay xây dựng NTM, gia đình tôi không có nhiều tiền bạc đóng góp, chỉ có khoảng trăm mét đất vườn và chút công sức này để góp vô thôi. Suy cho cùng thì việc gia đình tôi hiến đất để mở đường giao thông, trước tiên là để cho chính gia đình đi lại rộng rãi, thuận tiện, đồng thời làm đẹp xóm làng, góp công làm lợi cho Nhà nước".

Những nghĩa cử cao thượng

"Xã Quảng Phương hiện có gần 2.000 hộ, với khoảng 8.000 nhân khẩu. Tại thời điểm này, nếu bỏ tiền giải phóng mặt bằng, đắp đường bằng đất cấp phối (có bề rộng theo đúng quy chuẩn của tiêu chí xây dựng NTM) cho toàn bộ các tuyến đường nói trên thì chí ít cũng phải “ngốn” chừng 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự chung tay góp công, góp sức của nhân dân địa phương, toàn xã đã có hàng trăm hộ dân tự nguyện tham gia hiến đất, tài sản mở rộng đường giao thông liên xã, thôn, nội thôn, nội đồng theo đúng tiêu chí về xây dựng NTM, với tổng chiều dài hơn 12 km, làm lợi cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng", ông Hồ Viết Lâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương.

Cũng tại thôn Pháp Kệ, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thật cảm động, đáng được biểu dương về tinh thần tự nguyện hiến đất, tài sản để mở rộng đường giao thông. Đầu tiên là câu chuyện về cụ Tạ Viết Thể, mặc dù tuổi đã cao nhưng khi chứng kiến cảnh mọi người trong xóm sau khi hiến đất, họ lại tất bật góp công giải tỏa hành lang cây xanh, phá dỡ hàng rào…, thì cụ đứng ngồi không yên. Sau khi hiến đất làm đường, cụ Thể tiếp tục vác rìu ra tham gia chặt cây giải tỏa hành lang cùng bà con một cách rất tích cực không thua kém gì thanh niên trai tráng trong làng. Tiếp đó là câu chuyện về cụ Trần Dược, mặc dù không có được sức khỏe như cụ Thể, nhưng bên cạnh việc tham gia hiến đất, cụ còn bỏ ra 1,4 triệu đồng để thuê người về chặt cây xanh ở phần đất mà gia đình đã hiến cho Nhà nước mở rộng đường giao thông theo đúng tiêu chí xây dựng NTM.

Có một câu chuyện thật xúc động. Đó là chuyện gia đình bà Cao Thị So, 75 tuổi, chồng đã mất, các con đều đi làm ăn xa, hoàn cảnh khá khó khăn. Sau khi hiến đất, biết bản thân không đủ sức khỏe như mọi người để cùng giải tỏa hành lang cây xanh trước nhà. Buổi sáng, bà So cầm tờ 50 nghìn đồng ra đầu ngõ nói với mấy thanh niên đang tham gia dọn hành lang gần đó: “Biết là chừng này không đủ tiền công, nhưng mệ nhờ các chú chặt cho mấy cái cây trước nhà cho bà với”. Đám thanh niên cười vui trước tấm lòng của bà. Không ai nỡ cầm tiền của bà, nhưng tất cả mọi người cùng xúm lại, chung tay giúp bà chặt mấy cây xanh trước nhà để giải phóng mặt bằng. Sáng đó, mấy cây xanh khá lớn của nhà mình được giải phóng trước mấy nhà khác, bà So mừng lắm.

Bên cạnh việc hiến đất, tài sản để mở rộng đường giao thông, đã có 56 hộ dân trong xã hiến tặng gần một ha đất và đóng góp công sức cùng với chính quyền địa phương xây dựng một ngôi chợ, một khuôn viên cây xanh và một ngôi trường mầm non tại thôn Hướng Phương.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm