| Hotline: 0983.970.780

Rùa biển Việt Nam

Thứ Sáu 09/04/2010 , 10:01 (GMT+7)

Kỷ niệm thơ ấu của tôi lúc sống ở Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân là những cuộc đua rùa cùng bạn trang lứa...

Kỷ niệm thơ ấu của tôi lúc sống ở Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân là những cuộc đua rùa cùng bạn trang lứa. Chúng tôi chực sẵn để khi các chú rùa con mới nở đào cát trồi lên mặt đất, nghe ngóng định hướng rồi chạy ngay về phía sóng biển. Ai chọn đúng con chạy đến mục tiêu nhanh nhất thì được phong làm vua bãi biển một thời gian cho đến khi cuộc đua tiếp tục với bầy rùa khác.

Thường lúc đó chúng tôi không phải chờ lâu; một, hai tuần sau lại có bầy mới. Có ngày rùa nở đến bốn, năm bầy, và dân số mỗi bầy không thể đếm hết, có khi năm chục, có khi trên trăm. Các con rùa mẹ luôn trung thành với bãi, chúng sẽ trở lại sau hai, ba năm để đẻ lứa mới, rồi quanh quẩn ở các mép nước gần đó trong kỳ trứng ấp khoảng 60 ngày. Cuối cùng con nở, mẹ con lại dắt díu nhau đi.

Với chiều dài bờ biển hơn 3.260km và trên 3.000 hòn đảo cả gần lẫn xa, Việt Nam là nơi ở của nhiều giống loài thủy sinh quý hiếm, bao gồm 5 trong số 7 loài rùa biển thế giới. Trước các năm 1960 chúng ta dễ dàng bắt gặp rùa biển đêm đêm lên bờ đào cát đẻ trứng. Nhưng nay tất cả chúng đều được xếp trong nhóm những loài nguy khốn (endangered) do môi trường sống thay đổi và do con người trực tiếp đánh bắt hoặc thu nhặt trứng để làm thức ăn đặc sản!

Được biết đến nhiều nhất trong các loài rùa biển là đồi mồi Eretmochelys imbricata sinh sống trong vùng có ghềnh đá hay rặng san hô nơi có nhiều hải miên, mực và ấu trùng tôm làm nguồn thức ăn. Các con đồi mồi trưởng thành có kích thước trung bình trong khoảng 80-90cm và cân nặng 40-60kg. Từ bao đời nay, bộ mai đồi mồi gồm những vảy rất đẹp xếp chồng lên nhau được coi là vật rất quý tạo nên nhiều tác phẩm mỹ nghệ. Con vật trở thành đối tượng săn bắt dẫn đến suy giảm đáng kể số lượng cá thể, nay tập trung chủ yếu nơi các đảo trong vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và vùng Côn Đảo.

Quản đồng Lepidochelys olivacea và rùa biển đầu to Caretta caretta thường bị lẫn lộn với nhau. Tuy nhiên rùa đầu to trưởng thành có thể đạt đến 80-100cm và cân nặng hơn 150kg, trong khi quản đồng nhỏ hơn trong khoảng 60cm và 35-60kg. Cả hai loài đều có bộ hàm rất chắc dùng để ăn các loài vỏ cứng như cua biển, hàu biển và sò ốc, vì vậy chúng thường xuất hiện dọc theo duyên hải nơi có nhiều giáp xác và người ta nhận ra chúng nhờ để lại vết chân mỗi khi lên bờ đẻ trứng.

Vích hay rùa xanh Chelonia mydas là loài duy nhất ăn cỏ và nhờ đó có dân số đông nhất trong số các loài rùa biển Việt Nam. Các con trưởng thành thường có kích thước đều đặn trong khoảng dài 100cm và nặng 120kg. Trước các năm 1970 chúng được bắt gặp ở hầu hết các đảo trong vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, đảo Côn Sơn, và ở vùng cận duyên hải miền Trung nằm giữa Quảng Nam với Ninh Thuận. Nhưng nay số lượng cá thể loài vích đã giảm đi rất nhiều và chỉ còn tìm thấy tập trung đông nơi các cánh đồng tảo biển hay cỏ biển lớn hoặc chung quanh các đảo xa ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Lập kỷ lục các loài rùa biển thế giới là rùa da Dermochelys coriacea tính trên kích thước (120-240cm), cân nặng (294-589kg), và trên khả năng lặn sâu (1.280m) cũng như bơi xa (20.000km). Cá thể lớn nhất biết đến hiện nay có độ dài thân hơn 3 mét và cân nặng 916kg. Rùa da không có mai cứng mà thay vào đó là một lớp da mỏng, dẻo dai, đàn hồi, có màu đen hoặc chen đốm trắng, nổi bật với 7 đường sống hẹp chạy dài từ đầu đến đuôi. Trước các năm 1960 rùa da xuất hiện rất nhiều dọc theo bãi biển nước ta nhất là vào các mùa sứa, nguồn thức ăn chính của loài rùa này. Gần đây các nhà khoa học cảnh báo rùa da thường hay lầm lẫn và ăn những bao ny-lông thả trôi trong nước dẫn đến tử vong!

Ấn tượng mạnh nhất của tôi trong chuyến thăm mấy đảo Perhenian Kecil và Perhenian Besar của Mã Lai nằm trong vịnh Thái Lan vào đầu năm nay là rùa biển ở đây sinh sôi rất mạnh. Du khách có thể nhìn thấy từng bầy di chuyển bên dưới làn nước lam ngọc, giữa các rặng san hô cùng với vô vàn loài cá đủ màu. Thành công này có được là do chính phủ Mã Lai đã nhanh chóng chọn quần đảo làm khu bảo tồn đa dạng sinh học dưới biển, một mặt cứu lấy các loài nguy cơ tiệt chủng, mặt khác nhân giống nuôi trồng thủy sản để tiếp tục khai thác kinh tế hiệu quả. Ắt hẳn đây là mô hình tốt cho ngành thủy sản nước ta để không bỏ quên các loài rùa biển quý giá.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất