| Hotline: 0983.970.780

"Rùa bò" trong củng cố, nâng cấp đê biển: Địa phương đổ riệt cho thiếu vốn

Thứ Hai 29/11/2010 , 10:16 (GMT+7)

Cuối tuần qua tại Tiền Giang, hàng loạt địa phương đứng lên "tố" Trung ương chậm trễ trong việc rót vốn đầu tư...

Cây chắn sóng đê biển Trà Vinh bị sóng biển đánh ngã

Tại hội nghị đánh giá lại 1 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (gọi tắt là Chương trình 667) cuối tuần qua tại Tiền Giang, hàng loạt địa phương đứng lên "tố" Trung ương chậm trễ trong việc rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ chậm không chỉ vì thiếu vốn...

Sạt lở, mặn ngày càng nghiêm trọng

Trong vòng 3, 4 năm trở lại đây, hệ thống đê cũng như rừng phòng hộ ven biển từ Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang đến tận các tỉnh Nam Trung bộ…đang bị biển tấn công, gây sạt lở, xâm nhập mặn nghiêm trọng. Một cán bộ cơ sở, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (U Minh, Cà Mau) sốt ruột cho biết: "Biển tấn công rừng ác liệt, có đoạn cuốn mất hơn một nửa diện tích rừng phòng hộ, có đoạn ngoạm tới chân đê, không có cách gì ngăn được".

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau  thông tin thêm: Đê biển Tây Cà Mau dài hơn 92 km, bảo vệ khoảng 200.000 ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của nhân dân 3 huyện là Trần Văn Thời, U Minh và Phú Tân. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, do biển xâm thực mạnh, đất nông nghiệp mỗi ngày một co ngót. Năm 2007 diện tích bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn chỉ có khoảng 4.500 ha nhưng đến năm 2010 đã có gần 16.000 ha lúa chết do nước biển xâm nhập.

Còn ở Trà Vinh, trong vòng 5 năm trở lại đây, sóng biển đã cuốn trôi hàng trăm ha đất ven biển ở xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải gây thiệt hại lớn đối với tài sản, hoa màu của người dân. Mặc dù Trung ương (TW) đã đầu tư xây dựng tuyến đê biển chống sạt lở với chiều dài 615 m, tuy nhiên đoạn kè này cũng chỉ chắn được một phần sóng. Phần còn lại ở hai đầu bờ kè thuộc hai xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang và xã Trường Long Hoà, huyện Duyên Hải chưa được xây dựng bờ kè, hiện đang bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn đổ cả những cây phi lao trên 15 tuổi. Người dân khu vực này cho biết, tình trạng sạt lở diễn ra càng lúc càng nghiêm trọng, triều cường năm sau dâng cao hơn năm trước.

Cà Mau, Trà Vinh không phải là điển hình. Bởi 15 tỉnh trong khu vực chương trình cũng đang trong cảnh tương tự.

Tại TW rót vốn nhỏ giọt?

Theo Bộ NN-PTNT, đến nay trừ TP HCM, các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đều đã triển khai thực hiện Chương trình 667: xác định thứ tự ưu tiên các dự án; chỉ đạo lập, phê duyệt dự án đầu tư; thực hiện đầu tư. Đến hết tháng 9/2010, có 74 dự án đã được các tỉnh chỉ đạo đầu tư. Trong đó, mới có 1 dự án hoàn thành, 13 dự án đang thi công, 24 dự án đã có quyết định phê duyệt và 36 dự án đang lập. Kết quả nhìn chung là khá thấp, cả về chất lượng lẫn tiến độ.

Đi tìm nguyên nhân, các địa phương đều cho rằng, vướng mắc lớn nhất là thiếu vốn. Được biết, theo kế hoạch năm 2010, nguồn vốn đầu tư của chương trình là 1.010 tỷ đồng, nhưng mới chỉ bố trí được 260 tỷ đồng, đạt khoảng 26%. Cụ thể như tỉnh Trà Vinh, mặc dù tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn như vậy nhưng nguồn vốn phân bổ năm 2010 cho tỉnh này chỉ có 12 tỷ đồng. Vì vậy, theo đại diện địa phương này  thì rất khó cho việc phân bổ, bố trí nguồn vốn. 

Hay ở Tiền Giang, việc cấp vốn nâng cấp đê biển trong năm 2010 chỉ được 25 tỷ trên nhu cầu 202 tỷ, như vậy chỉ mới đủ chi trả tiền đền bù và đắp mặt đê. Còn tại Cà Mau, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng bức xúc cho biết: Việc ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu là rất rõ, tuy nhiên tốc độ cấp vốn từ TW về là quá nhỏ dọt. Năm 2009, địa phương cần TW cấp 150 tỷ đồng để thi công đê biển, trồng cây chắn sống thì chưa được cấp; năm 2010 thì chỉ cấp có 25 tỷ. Với số vốn trên thì rất khó cho địa phương thực hiện dự án một cách đồng bộ.

Không chỉ là tiền

Hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang có tổng vốn đầu tư 19.481 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn. Từ 2009 – 2012 sẽ đầu tư 6.500 tỷ đồng để trồng cây chắn sóng phòng hộ ven biển, làm đê; từ 2013 – 2016 tiếp tục đầu tư 7.300 tỷ đồng tiếp tục củng cố đê và đường giao thông; giai đoạn 3 từ 2017 – 2020 sẽ đầu tư 5.681 tỷ đồng cho các địa phương xây dựng cầu, cống lớn, hoàn thiện hệ thống đê và đường giao thông…
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố vốn, tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, một yếu tố làm chậm tiến độ là do nhiều nguyên nhân khác, trong đó đặc biệt là do yếu tố chủ quan từ các địa phương. Cụ thể, qua đánh giá tại các địa phương, liên quan đến vấn đề kĩ thuật cho thấy, việc xác định tuyến đê của nhiều dự án là không phù hợp với nguyên tắc xác định tuyến đã quy định tại Chương trình 667 và Tiêu chuẩn ngành 14TCN 130-2002.

 Một số dự án có bố trí kết cấu bảo vệ mái đê phía biển, hoặc phía sông, song không phù hợp (thiên về an toàn), vì không tính toán cụ thể chiều dày lớp bảo vệ, không tính hệ số triết giảm sóng do dải cây chắn sóng trước đê (nhiều khu vực chỉ cần trồng cỏ để bảo vệ). Việc gia cố chân khay còn mang tính định tính do không đánh giá được diễn biến xói lở...

Đánh giá tổng thể, Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Đào Xuân Học cho biết: Vấn đề biến đổi khí hậu, nhất là việc nước biển dâng đã tác động rất rõ qua vụ mùa năm 2010 và tình hình lũ lụt vừa qua. Tuy nhiên, qua một năm triển khai thực hiện chương trình đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, theo đó 15 tỉnh nằm trong dự án vẫn còn nhiều khâu chưa làm tốt. Trong quá trình thiết kế thi công còn chưa đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ thi công chậm.

Thứ trưởng Đào Xuân Học nhấn mạnh, công tác thiết kế, công tác quản lý là rất quan trọng. Trong điều kiện cấp bách này thì các địa phương phải ứng phó linh hoạt, công trình nào nằm trong qui hoạch đê biển cấp bách cần làm ngay thì các địa phương nên xúc tiến làm, đường giao thông theo đê biển cũng đã được qui hoạch. Vấn đề trồng rừng chắn sóng cũng chưa được các tỉnh chưa quan tâm nhiều...

Thứ trưởng Đào Xuân Học lưu ý các địa phương khi thiết kế, xây dựng đê biển, cần dành đất phía đồng để sau này dễ dàng nâng cấp đê ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Xây dựng đê biển cũng cần phải kết hợp với đường giao thông ven biển để đảm bảo sự bền vững về môi trường khi phát triển các khu dân cư, du lịch ven biển. Về phía Bộ NN – PTNT, ông Học cho hay sẽ xây dựng và trình những chính sách phát triển dọc theo đê biển để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ đê biển vững chắc. 

Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND Bà Rịa - Vũng Tàu:

Bờ biển của Bà Rịa-Vũng Tàu là 156 km, theo đó có 37 dự án đi dọc theo bờ biển này với chiều dài là 91,7 km, tổng vốn đầu tư 1.420 tỷ đồng. Tuy nhiên , qua một năm triển khai thực hiện đến nay vẫn còn ở khâu chuẩn bị khởi động vì nguồn vốn cấp về chỉ có 10 tỷ đồng, trong khi đó nhu cầu kinh phí để triển khai đồng loạt 14 dự án đã lập là 1.056 tỷ. Nếu không có giải pháp tốt trong việc rót vốn nhanh cho từng địa phương thì không khéo “tiền không còn mà đê không có”. Bà Rịa Vũng Tàu chính thức đề nghị TW phân vốn để kịp thực hiện trong mùa khô 2011, nếu được, xin TW cho địa phương vay vốn ngân hàng để thi công và sau đó cấp vốn trả nợ lại cho ngân hàng, khoản tiền lãi suất địa phương xin chịu trách nhiệm. Vì qua khảo sát thực tế của địa phương, trong số 37 dự án thì có 14 dự án cần phải thi công sớm, đây là dự án xung yếu có thể xảy ra thiên tay bất cứ lúc nào.

 Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre:

Bến Tre đã đang bị tác động rất nặng từ việc biến đổi khí hậu. Ngay mùa khô 2010, người dân Bến Tre rất vui mừng vì được công nhận thành phố trực thuộc tỉnh nhưng lại phải uống nước mặn. Chúng tôi đang lo vào tháng 2, tháng 3 tới sẽ không có nước ngọt để xài. Hiện tại, tỉnh đã lên phương án hợp đồng sà lan chở nước để ứng phó nước mặn. Bến Tre đang rất cần vốn để hoàn thiện hai công trình đê ngăn mặn ven biển ở Bình Đại và Ba Tri, trong khi đó nguồn vốn TW cấp về cho tỉnh chỉ có 20 tỷ đồng thì mới đủ đễ lập hồ sơ thiết kế. Khi hai công trình này khép kín thì bân Bến Tre sẽ bớt khổ vì mặn xâm nhập, bớt khát vì đã ngăn được mặn, trữ được ngọt.

Thanh Phong (lược ghi)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất