Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) nằm nép mình dưới chân núi. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống. Từ đời này qua đời khác, họ vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm với những đường nét hoa văn độc đáo đậm đà bản sắc.
Có hẹn trước nên chúng tôi gặp được cụ bà Húng Thị Cháng năm nay ngoài 70 tuổi. Bà Cháng bảo rằng, những ngày này phụ nữ ở Thượng Minh thường nay trên nương hay ngoài soi bãi. Tối về, khi ăn cơm xong, lo toan việc chồng, việc con đã hòm hòm họ lại tranh thủ ngồi xuống khung cửi dệt thổ cẩm.
Một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Pà Thẻn gồm có khăn đội đầu, áo, yếm, váy, dây thắt lưng. Trên nền vải đỏ của bộ trang phục là các hoa văn, họa tiết dạng hình học, hình chữ A, hình thoi, hình núi hình sao, hình mắt cua, hình hoa đầu chó.
Theo bà Cháng thì hoa đầu chó là hoa chủ đạo và đẹp nhất trên bộ trang phục. Đây là chi tiết khiến người thêu mất nhiều thời gian và công sức nhất. Người thêu cần phải kiên trì, tỉ mỉ thì mới thêu đều và đảm bảo thẩm mỹ.
Trang phục truyền thống người Pà Thẻn có những nét rất riêng, có giá trị thẩm mỹ cao, được thể hiện bởi sự kết hợp nhiều màu sắc và những nét hoa văn độc đáo với sự trang trí bằng nhiều kiểu dáng khác nhau.
Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục.
Kết hợp với màu đỏ chủ đạo là những tấm vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng... tạo nên bộ trang phục hài hòa. Những bộ trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ. Khiến người phụ nữ Pà Thẻn nổi bật giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.
Với người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, các bé gái khi mới lên 9 lên 10 đã được các bà, các mẹ hướng dẫn cách may thêu khăn, thêu váy, áo… ban đầu mới học còn lúng túng, có khi còn khâu cả vào tay... Nhưng sự tỷ mẩn, kiên trì của người mẹ, người bà đã giúp các cô bé ở độ tuổi 18, đôi mươi đều có thể tự làm cho mình bộ trang phục truyền thống, khăn, chăn, ga, gối… Những cô gái càng khéo léo dệt thổ cẩm càng được nhiều chàng trang trong làng, ngoài xã để mắt tới muốn cưới về làm vợ.
Giữ gìn trang phục truyền thống của người Pà Thẻn, từ năm 2019 đến nay UBND xã Hồng Quang phối hợp với các tổ chức đã mở 3 lớp dạy nghề cho bà con dân tộc Pà Thẻn. Các lớp học truyền dạy cho người dân nơi đây nghề dệt thổ cẩm, đan lát và nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn.
Chị Làn Thị Sân, thôn Thượng Minh cho biết, ngoài kinh nghiệm của các bà, các mẹ trong làng chỉ bảo thì qua lớp học chị được các thầy, cô hướng dẫn thực hiện thành thạo nghề và cho ra các sản phẩm đẹp, chất lượng tốt hơn, bắt mắt và hợp với xu hướng của thị trường. Các lớp học đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của người dân. Vì đây là cơ hội để người dân tộc Pà thẻn, dân tộc Dao khôi phục lại các giá trị văn hóa, các sản phẩm truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Thực hiện tốt việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm cũng như trang phục truyền thống của người Pà Thẻn ở Thượng Minh đã tạo nên tư liệu kho tàng văn hóa dân gian độc đáo. Chính quyền xã Hồng Quang cũng như huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đang khuyến khích, hướng người dân nơi đây phát triển nghề dệt thổ cẩm để tạo ra sản phẩm du lịch riêng có của người Pà Thẻn. Đưa Thượng Minh trở thành một địa chỉ được nhiều du khách biết đến với nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đậm nét đặc trưng của dân tộc Pà Thẻn.