| Hotline: 0983.970.780

Run rẩy Quan Thần Sán: Cây, con gì cũng… chết

Thứ Tư 21/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

Đất đai ở xã Quan Thần Sán trải dài tới xã Cán Hồ (cùng huyện Si Ma Cai, Lào Cai), có khi phải đi hai “con dao quăng” mới hết. Thế nhưng, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa./ Cuộc chiến với băng giá

Bởi nếu, có trồng cũng không sống nổi với sương muối, băng tuyết. Trâu, bò, lợn, gà sinh ra trong mùa đông, mười con chết chín. Người Mông ở Quan Thần Sán bảo, nuôi con gì, trồng cây gì cũng chết, chỉ có loài cải mèo là sống thôi.

Xí chỗ lấy nước

Chiều muộn, Cư Seo Chơ, thôn Lao Chải ì ạch chở mẻ lúa cuối cùng từ ruộng về nhà. Đường dốc trơn trượt, chiếc công nông cải tiến từ máy cày mini gằn lên từng tiếng nghe khô khốc. Có thóc về nhà, nhưng mặt gã vẫn không vui.

Cách đây mấy tháng, dưới Cán Hồ, mưa ngập trắng cánh đồng. Đa phần diện tích lúa bị ảnh hưởng năng suất, có mảnh mất trắng. Lúa bị lép, chỉ còn trơ lại vỏ trấu, nhưng cũng đành phải thu hoạch. Vốc một vốc trên tay, thổi mạnh một hơi, lúa bay tóe tung như có người đang sàng sẩy.

Tôi ngạc nhiên hỏi sao lại có ruộng tận dưới xã Cán Hồ? Chơ thủng thẳng, thì ruộng đó từ thời các cụ khai phá để lại, giờ làm mấy đời rồi. Hằng trăm năm nay, việc trồng lúa ở Quan Thần Sán vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào… ông trời.

Ăn tết xong, cái lạnh thấu xương, ông trời chẳng cho mưa, người dân lục tục ra đồng đưa nước vào ruộng. Nhưng oái oăm, cả xã chỉ có một mó nước (khe nước dẫn từ trên núi). Nhà nào cũng muốn dẫn nước về nhà mình trước tiên. Mỗi hộ phải cử ra một người “xí chỗ” lấy nước. Ấy vậy, vẫn tranh nhau, có khi còn xô xát.

10-18-05_2
Đống lúa lép của gia đình Cư Seo Chơ

Anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán, kể năm rồi có hộ dù cử người xếp hàng “xí chỗ” nhưng vẫn bị qua lượt. Chờ lâu quá, người này chạy đi vệ sinh. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chỗ đã bị chiếm mất. Hai bên lời qua tiếng lại rồi nhảy vào "nói chuyện" tay chân với nhau. Xã phải cử người xuống giảng hòa mới xong chuyện.

Lúa cấy xuống, gặp rét co rúm lại như đỉa phải vôi. Nhiều vụ, người dân cứ bừa đi cấy lại, còn dặm tỉa thì như chuyện thường ngày ở huyện. Tôi đến thăm nhà bà Giàng Thị Dua, một trong những hộ nghèo nhất xã. Bà Dua kể, ngoài tết lạnh lắm, nhưng vẫn phải cấy. Vì nếu cấy muộn, lúa trỗ đúng vào dịp mưa to, lép hết.

Thời tiết khắc nghiệt, người tính không bằng trời tính. Vụ rồi, lúa đang vào thì đổ rạp chắc vì trời bỗng đổ mưa to, ngập trắng. Cả đồng lúa ngoi ngóp giữa biển nước. Người Mông không tính diện tích đất bằng sào hay héc ta mà bằng bao, bằng thùng. Tôi hỏi, nhà bà trồng nhiều không, vụ này lúa đủ ăn qua tết không? Bà Dua nhìn quanh nhà rồi chỉ tay lên gác mái bảo: “Chi pâu, chi pâu” (không biết).

Tháng 10 mang theo cái rét đầu mùa. Trên những thửa ruộng ở Quan Thần Sán, người dân đang hối hả thu hoạch lúa. Tráng Seo Vần, thôn Lao Chải bảo tôi, cuối tháng 10 mà nhà nào không thu kịp, lúa gặp sương muối cũng lép hết. Thóc lép đem về tận dụng làm thức ăn cho gà vịt, nhiều khi chúng còn chê.

Con gì cũng chết

“Tập quán chăn nuôi trâu, bò ở đây vẫn là chăn thả tự nhiên. Nhưng giờ người dân cũng đã biết xây dựng chuồng trại kiên cố, tránh rét cho vật nuôi. Vài năm trở lại đây, số lượng trâu, bò bị chết rét cũng giảm tương đối”, anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán.

Nhắc tới Si Ma Cai, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới chợ trâu ở xã Cán Cấu. Nhưng có điều, ít người biết rằng, một thời Quan Thần Sán là “vựa” trâu của  chợ trâu Cán Cấu. Trước đây nhà nào cũng có cả chục con trâu, nhà nhiều có khi mấy chục con. Nay cả xã với 307 hộ dân nhưng chỉ nuôi khoảng hơn 600 con trâu, trung bình mỗi hộ còn 2 con.

Mùa đông năm nào cũng cướp đi “đầu cơ nghiệp” của người dân. Trong cái lạnh tê tái, người Mông bản địa vẫn giữ thói quen thả rông trâu bò. Nhắc lại chuyện trâu chết, Cư Seo Châu, thôn Lao Chải, mặt nghệt ra vì tiếc của. Hôm đó, như mọi khi, sau khi cho ăn ít rơm khô, Châu tháo dây đuổi trâu lên đồi. Xong xuôi, gã vào nhà, đóng cửa sưởi ấm bên bếp củi.

Chiều muộn, Châu sai con lên đồi đuổi trâu về. Đi một lúc, đứa nhỏ hớt hải chạy về miệng lắp bắp: “Trâu chết rồi”. Gã vùng đứng dậy lao lên đồi. Đầu cơ nghiệp nằm bẹp một chỗ, tiếng lục lạc tắt ngấm. Sau bữa đó, gã về kiếm gỗ làm chuồng, nhốt tiệt trâu bò. “Giờ chỉ còn lại một con trâu, còn dám thả rông không”, tôi hỏi. Châu lắc đầu, không dám đâu, hôm nào trời đỡ rét mới dám thả.

10-18-05_3
Thức ăn dự trữ cho trâu, bò của gia đình Cư Seo Châu

Tính đến nay, hộ ông Cư Seo Phẩng, thôn Lao Chải, đã bị chết 6 con trâu vì rét. Tôi hỏi sao chết nhiều thế, ông Phẩng gật gù: “Thả rông thì chết thôi”. Mỗi con trâu có giá vài chục triệu, một số tiền không hề nhỏ. Năm nay, vừa chớm rét, ông Phẩng đã sai mấy đứa cháu đi mót từng cọng rơm ngoài cánh đồng, dự trữ thức ăn cho trâu. Chuồng trại cũng được sửa sang lại, kín gió, cao ráo hơn. Tôi chỉ tay vào kho rơm hỏi, từng này rơm có đủ cho trâu ăn qua mùa đông không. Ông Phẩng tư lự, nếu dùng tiết kiệm chắc là đủ.

“Rét quá, chẳng nuôi nổi, nhà nào có nhiều trâu thì đem xuống chợ Cán Cấu để bán. Sang năm ấm áp lại đi mua về cày, bừa, biết làm sao được”, Cư Seo Phú thở dài.

Hông nhà Cư Seo Phú có một cái ao khá rộng, tôi hỏi, anh có nuôi gì không. Phú lắc đầu, chẳng nuôi được đâu, trước có mua ít cá rô phi giống về thả nhưng cũng chết sạch vì lạnh. Trời rét, nước như đóng băng, cá lờ đờ không bơi nổi. Con chết dạt vào bờ, con chìm nghỉm dưới đáy ao. Kế hoạch nuôi cá đổ bể. Không chỉ trâu, bò hay cá dưới ao, gà, vịt mới nở cũng khó sổng nổi qua mùa đông.

“Như nhà tôi này, trước đây vẫn cho gà ấp nở vào mùa đông. Nhưng 10 con chưa chắc sống nổi 2 con. Lợn mà đẻ vào mùa đông cũng bị chết gần hết, dù mình làm chuồng kín đến đâu”. Tôi bảo, sao anh không dùng củi hay gì đó sưởi cho chúng đỡ chết. Phú cười lớn: “Người nhiều lúc còn chả có củi mà sưởi huống gì lợn, gà”. Trong nhà, vật nuôi duy nhất chịu được cái lạnh là loài chó.

Chỉ còn cải mèo thôi

Ở Quan Thần Sán không có chợ trung tâm. Mọi nhu yếu phẩm hàng ngày, người dân đều tự sản, tự tiêu. Nếu muốn mua thịt, cá làm bữa tươi phải xuống tận xã Si Ma Cai, trung tâm của huyện cách chừng 14 cây số.

10-18-05_4
“Đầu cơ nghiệp” của gia đình Cư Seo Phú

Tôi trêu Phú, mùa đông lạnh thế không đi chợ được, thôi cứ giết gà vịt ngồi uống rượu cho ấm. Phú xua tay cười hềnh hệch, không được đâu, phải giữ để sang năm làm giống chứ, lúc đấy nhà báo lên cũng không có thịt gà ăn đâu. “Rau cỏ cũng chết sạch thế ăn bằng gì?”, tôi hỏi tiếp. Chỉ tay xuống quả đồi xa xa, Phú bảo, chỉ còn cải mèo thôi.

Bữa cơm ngày đông nơi này chỉ có cơm với cải mèo luộc chấm muối ớt. Nghiễm nhiên, cải mèo trở thành cây cứu đói. Phú bảo, cải mèo trồng dễ lắm, chỉ cần xới qua đất rồi rắc hạt. Sau đó tưới ít nước âm ẩm là tự nó mọc thôi. Giữa lổn nhổn đá tai mèo và băng giá, cải mèo vẫn xanh tốt. Có cây cao cả mét, gốc to như ngón chân cái. Anh Sơn, Chủ tịch xã vui tính bảo, nhiều người gọi là cải cổ thụ, mỗi khi hái phải kiễng chân, người nào lùn thì vất vả.

10-18-05_5
Cư Seo Phú nấu lẫn bí đỏ, ngô làm thức ăn bổ sung cho trâu mùa giá rét

Không chỉ thay rau, cải mèo còn được chế biến thành nước uống. Cải hái về, rửa sạch, dùng gậy đập dập ra rồi vắt lấy nước. Đổ nước đó vào xoong, cho thêm ít gừng tươi đun sôi rồi uống. Phú bảo, loại nước này uống vừa ấm người, vừa giải rượu, khách quý vào nhà mới được mời thôi.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất