| Hotline: 0983.970.780

Run rẩy Quan Thần Sán: Cuộc chiến với băng giá

Thứ Ba 20/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

Xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) nằm im lìm dưới chân núi Quan Thần Sán, cao 1.800 m. Ở nơi mây vờn, gió hú, cái rét thường kéo dài 6 - 7 tháng, mây mù quanh năm.

Khi nhắc tới cái lạnh dưới đỉnh Quan Thần Sán, ai nấy đều run rẩy, sợ hãi. Mưa tuyết, băng giá giết chết mọi mầm sống, từ con người tới trâu bò đều đổ bệnh, cỏ cây héo rũ.

Dưới đỉnh Quan Thần Sán, những cánh hoa mận nở bung trắng xóa khắp nương đồi. Người Mông ngước nhìn rồi giật thột, lại một mùa đông khắc nghiệt nữa đang đến. Không ai bảo ai, người lên rừng lấy củi, người đi mót từng cọng rơm khô, có kẻ vác cuốc lên nương, xới lại mảnh đất chuẩn bị gieo đám cải mèo.

Nỗi sợ dai dẳng

Mới chớm đông, có lúc nhiệt độ ở Quan Thần Sán chỉ còn 14 - 15oC. Tôi chạy xe máy qua Bắc Hà rồi lên Quan Thần Sán, tự tin với chiếc áo phao dày cộm. Đặt chân tới Quan Thần Sán, sự tự tin đã biến mất. Hai hàm răng lập cập đập vào nhau, đôi môi khô lại.

Ngồi bên bếp lửa, Cư Seo Châu, 41 tuổi, thôn Lao Chải vẫn co ro, đôi bàn tay xoa xoa liên tục. Châu không nói được tiếng phổ thông, rất may tôi có một phiên dịch viên là cán bộ văn hóa xã đi cùng. Nhà Châu có 7 khẩu, đứa nhỏ nhất còn đang ẵm ngửa. Tôi hỏi, anh có sợ rét không. Nghe xong, Châu gật gật bảo: “Sợ chứ”.

Trong căn nhà trình tường nứt nẻ như chân chim, chiếc bếp củi luôn đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Châu dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nhà “khoe” đồ đã tích trữ cho mùa đông. Trên gác, một bên là mấy chục bao lúa, bên kia là ngô. Vòng ra sau bếp, đập vào mắt chúng tôi là cả một “núi” rơm, củi khô. Với người Mông ở Quan Thần Sán, những thứ như vậy đôi khi còn quý hơn cả tiền.

Tôi tiến đến giường ngủ của Châu và 5 đứa con. Trên chiếc giường xập xệ, gối, chăn vứt tóe tung, manh chiếu rách như xơ mướp. “Anh chuẩn bị chăn chiếu gì cho mùa đông chưa, nằm thế này có lạnh không?”, tôi hỏi. Im lặng giây lát, Châu chậm rãi bảo, lạnh lắm nhưng tiền đâu mà mua chăn, mua đệm. Đứa con gái giáp út của Châu, chừng 10 tuổi, mặc chiếc áo mỏng tanh, đeo gùi đứng nép sau bố để sưởi ấm.

17-29-52_3
Những căn nhà trình tường, mỗi bức tường dày khoảng 60 cm

Thấy vậy, tôi lại hỏi, thế quần áo cho các cháu, cả anh chị mặc đủ ấm không? Châu lắc đầu nguầy nguậy, rồi chỉ vào góc nhà. Tôi hướng mắt nhìn theo, đó là một dây quần áo, đủ mọi loại, kích cỡ to nhỏ nhưng đã sờn cũ, không phân biệt nổi màu sắc.

“Sương muối mọi loại rau chả loại nào sống được, có mỗi rau cải thôi. Mùa đông bữa cơm không có thịt đâu, chỉ có món rau cải mèo chấm với ớt thôi”, Cư Seo Phú ngậm ngùi.

Cư Seo Phú, cùng thôn Lao Chải dẫn tôi về nhà chơi. Phú chỉ vào căn nhà trình tường của gia đình bảo, 6 đời nhà anh sống ở đây rồi đấy. Điều đặc biệt ở Quan Thần Sán, 100% các ngôi nhà đều là trình tường. Độ dày của mỗi bức tường đất khoảng 60 cm.

“Ở đây lạnh lắm, chỉ có nhà làm bằng đất mới ấm thôi”, Phú giải thích. Nhưng nhà trình tường của người Mông luôn có gác và để hở hai đầu mái. Mùa đông, sương muối, mây mù bay quẩn vào nhà dày đặc. Thấy lạ, tôi bảo, sao không dùng bạt hay cái gì che chắn lại, Phú lắc đầu, thế thì tối lắm, không nhìn thấy gì trong nhà đâu.

17-29-52_2
Ông Cư Seo Phẩng, 68 tuổi, thôn Lao Chải

Dù mới chớm đông, cái lạnh ở Quan Thần Sán vẫn khiến tôi run rẩy. Vừa sẩm tối, trời bỗng đổ mưa như trút, khung cảnh ảm đạm đến não nề. Cư Seo Quang, con trai Phú hé cửa rồi đóng sầm một cái vì bị hơi lạnh phả vào mặt.

Đôi mắt ông Cư Seo Phẩng, 68 tuổi, ánh lên nỗi sợ khi tôi hỏi về cái rét ở Quan Thần Sán. Ông Phẩng bảo, bao năm rồi, Quan Thần Sán vẫn rét, nhưng dường như ngày càng khắc nghiệt hơn. Mùa đông, mưa dầm rét đến thấu xương kéo dài lê thê từ tháng 9 đến tháng 3 - 4 năm sau. Đến độ, băng giá, sương muối khắp nơi bao phủ. Còn mưa tuyết năm nào cũng có, nhưng vào sáng sớm, rải rác một số thôn.

Đẩy gậy... chống rét

Tôi khoác áo phao vẫn thấy lạnh, ấy vậy mà Tráng Seo Vần, 24 tuổi mặc manh áo mỏng manh, vác bó củi chạy lòng vòng quanh sân. Tôi nghĩ bụng, chẳng biết tay này đang làm trò gì đây. Thấy có khách, Vần dừng lại, chạy vào nhà lấy ghế.

17-29-52_6
Hoa mận đã nở trắng, dù mới là đầu tháng 9 Âm lịch

Vừa mời khách ngồi, Vần giải thích, phải làm thế mới ấm người. “Mùa đông trên này cực lạnh luôn, nhiều hôm lạnh quá không dám ra ngoài, ngồi trong nhà sưởi ấm thôi. Mà ngồi mãi cũng lạnh không chịu được, em phải kiếm cái gì như hòn đá hoặc bó củi vác rồi chạy cho ấm người”, Vần tỉ tê.

Từ năm ngoái, Vần bắt đầu đi… tránh rét bằng cách xuống Bắc Hà hoặc TP Lào Cai làm thợ đụng. Sức khỏe có, ai thuê gì, Vần nhận tất từ bốc vác, phụ hồ, đụng cái gì làm cái đó. Mỗi ngày, Vần kiếm được 150 nghìn, lại còn được nuôi cơm.

Vần tâm sự: Em sinh ra ở đây nhưng cũng không chịu nổi cái rét, cứ mùa đông lại đi, dăm bữa nửa tháng về thăm nhà rồi đi tiếp. Đôi khi, cũng muốn đi chợ phiên, nhưng đôi tay đã cứng đơ vì lạnh, đi xe máy không nổi mà đi bộ thì khi nào tới nơi.

Kể về cái lạnh ở Quan Thần Sán, anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã lắc đầu: “Kinh khủng lắm, anh không tưởng tượng được đâu”. Anh Sơn là 1 trong 600 trí thức trẻ được điều động lên vùng sâu, xa làm Phó Chủ tịch UBND xã. Sau một khóa thì được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch. Khi mới lên đây, không quen cái lạnh, anh Sơn cũng như nhiều cán bộ từ nơi khác về ốm sụt sùi cả tháng không khỏi.

Theo anh Sơn, từng có năm lạnh như 2006, Quan Thần Sán tuyết rơi trắng xóa, trâu bò chết như ngả rạ. Hầu như năm nào, dịp giáp tết, nhiệt độ cũng tụt xuống dưới 2 - 3oC. “Nhiều hôm lạnh quá, đóng kín cửa phòng ngồi làm việc mà chân tay vẫn đỏ ửng, gãi đến bắn cả máu. Anh không tin à, ngồi đấy đợi tôi”.

Nói đoạn, anh Sơn chạy vào phòng ngủ, cầm ra một chiếc gậy dài chừng 2 m. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, anh cầm một đầu gậy hạ thấp người, xuống tấn dứ về phía tôi. “Người Mông có một trò chơi là đẩy gậy. Ở đây lạnh quá, bọn tôi mỗi người làm một cây gậy để ở góc phòng. Lạnh quá, anh em vác gậy ra sân chơi trò đẩy nhau. Ấm người lại vào làm việc tiếp”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên.

17-29-52_5
Anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán làm động tác đẩy gậy

Người Mông ở Quan Thần Sán giờ không uống rượu nhiều như trước. Họ chăm chỉ làm ăn, quần quật trên nương từ tinh mơ tới tối mịt. Nhưng rượu là thứ không thể thiếu trong nhà. Uống rượu không chỉ lúc vui, đình đám, đôi khi là để chống lại cái lạnh.

Tối hôm đó, tôi ở lại nhà anh Cư Seo Phú. Bữa cơm có mấy miếng thịt lợn, dăm cọng rau cải luộc. Và đương nhiên, không thể thiếu hai “đặc sản” là ớt và rượu ngô. Ớt được xay nhuyễn đổ ra bát, pha thêm ít nước thế là thành đồ chấm. Uống thêm chén rượu, cái nóng rần rần từ cổ họng xuống tới bụng rồi bốc lên mặt. Anh Phú bảo, lạnh thế này, không uống rượu không chịu nổi đâu, uống say thì đi ngủ.

17-29-52_4
Rượu và ớt là 2 thứ không thể thiếu trong một bữa cơm ở Quan Thần Sán mỗi khi trời lạnh

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Bảo vệ hơn 1 triệu ha và tiếp tục mở rộng vùng hưởng lợi

Các công trình thủy lợi lớn tại ĐBSCL đã bảo vệ an toàn sản xuất vùng hưởng lợi hơn 1 triệu ha, giảm tối đa thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã - 'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 1] Điểm tập kết thú rừng

Các loại thú rừng, từ thông thường đến quý hiếm, nằm trong sách đỏ, vẫn được các đầu nậu âm thầm tuồn từ biên kia biên giới về Việt Nam, phục vụ các 'thượng đế'.

Bình luận mới nhất