| Hotline: 0983.970.780

Run rẩy Quan Thần Sán: Vượt núi tìm con chữ

Thứ Năm 22/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

Trên những vách đá tai mèo dựng đứng, những đứa trẻ ở Quan Thần Sán (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) hồn nhiên như lá cây, ngọn cỏ./ Cây, con gì cũng… chết

Người lớn bảo, đứa nào chịu được cái lạnh, cái đói thì sống rất khỏe, còn không chết lâu rồi. 2 - 3 tuổi, chúng đã biết dắt díu nhau vượt cả quả núi cao để đến trường. Nhìn chúng nô đùa, tay chân đỏ ửng, nứt nẻ… lòng tôi như thắt lại.

“Hành quân” tới trường

Như một thói quen, 5h sáng, người Mông đã dậy chuẩn bị dụng cụ lên nương. Người lớn vác cuốc đi làm, trẻ con tự dắt nhau đến trường. Thôn Sừ Pà Phìn, xã Quan Thần Sán, hiếm có ngày nào nắng ấm. Kể cả nắng, chỉ cần đứng vào bóng râm là hưởng trọn cái lạnh đến tê người.

Điểm trường mầm non Sừ Pà Phìn xiêu vẹo trong gió rét. Cô giáo trẻ phụ trách Mai Thị Thuận bất ngờ khi thấy chúng tôi, vì chẳng mấy khi có khách đến thăm.

Chị Thuận người vùng biển Giao Thủy (Nam Định), lên Quan Thần Sán nhận công tác được 4 năm. Đứng giữa sân trường, chị chỉ tay về phía ngọn núi phía xa bảo, anh có nhìn thấy quả núi, chỗ có hàng cột điện kia không? Tôi dụi mắt một lúc, thấy mấy cột điện nhìn bé tẹo. “Đấy, ngày nào các cháu 2-3 tuổi ở đây cũng phải đi bộ qua quả núi đó đến trường”, Thuận tiếp lời.


Trẻ con ở Quan Thần Sán lớn lên giữa cái đói, cái lạnh

Từ bên kia quả núi, chỉ có con đường độc đạo dẫn ra điểm trường Sừ Pà Phìn. Nó bé, dốc, trơn trượt tới mức xe máy không tài nào qua được. Cách duy nhất vượt qua là cuốc bộ. Người lớn, ít khi vận động, để vượt qua còn khó nhọc, huống gì trẻ con. Ấy vậy, đứa lớn dắt đứa bé, đi bộ liền một mạch gần 2h đồng hồ. 8h sáng, chúng đã có mặt đông đủ ở điểm trường.

Khi mới lên công tác, chị Thuận bảo, không thể tin nổi, nhưng dần dà rồi cũng quen. Càng sống, cô giáo trẻ lại càng thêm yêu, thêm thương mảnh đất này.

“Mùa hè còn đỡ, mùa đông trên này lạnh lắm anh à. Đợt mới lên nhận công tác, đúng vào mùa đông, em bị cảm lạnh, ốm một tháng rưỡi mới khỏi. Vài năm rồi, mùa đông năm nào cũng bị ốm, nhưng không nặng như đợt đầu”, chị Thuận tâm sự.

Nghỉ giữa giờ, lũ trẻ được ra sân nô đùa, chúng ùa ra như ong vỡ tổ. Tôi mặc áo phao, vẫn thấy lạnh tê người. Trong khi, có đứa mỗi manh áo sơ mi cũ, mỏng tang chạy uỳnh uỵch, mặt đỏ như gấc, chân nứt nẻ chằng chịt. Có đứa tụt cả dép xỏ vào tay để chạy.

“Trẻ ở đây mùa đông đủ quần áo ấm, giầy dép để dùng không”, tôi hỏi. Cô giáo Thuận lắc đầu, ở đây cái gì cũng thiếu thốn, không đủ đâu anh. Đông cũng như hè, trẻ con chỉ có vài hai chiếc áo ấm đến trường. Mùa đông mưa lạnh, thế là mặc liền cả tuần mới thay.

Còn nhắc tới giầy, càng là một thứ gì khá xa xỉ. Năm mới, bố mẹ chúng sắm cho một đôi dép tổ ong. Đi mãi, đi mãi, rách thì dùng cước khâu lại đi tiếp. Chị Thuận bảo, chỉ mấy nhà có điều kiện mới mua được cho con đôi ủng. Lâu lâu, có đoàn từ thiện dưới xuôi lên tặng ủng, quần áo nhưng chẳng thấm vào đâu. Trẻ mải chơi, có khi tan lớp chạy một mạch về nhà, chẳng nhớ ủng vứt ở đâu.

09-05-16_4
Đôi chân nứt nẻ vì lạnh của học sinh điểm trường mầm non Sừ Pà Phìn

Phòng học đã xuống cấp, mấy chiếc cột trụ xiêu vẹo. Nước mưa ngấm qua các kẽ hở trên mái chảy xuống tong tong. Nếu mưa nhỏ còn dùng xô, chậu để hứng. Gặp hôm mưa to, gió lớn, 4 thầy cô lại bế toàn bộ các cháu lên trú tại điểm trường tiểu học gần đấy.

Lạnh là nghỉ học

Cô Thèn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường mầm non Quan Thần Sán, người dân tộc Nùng, gốc ở huyện Bắc Hà. Dù đã ở Quan Thần Sán nhiều năm, mỗi khi trở lạnh, cô Phương lại ốm lên ốm xuống. “Bắc Hà cũng lạnh nhưng chưa ăn thua gì so với trên này. Được cái, trên này mùa đông đẹp hơn vì có tuyết rơi, sương muối”, cô Phương nói gượng.

Theo quy định, cứ nhiệt độ dưới 10oC thì nhà trường cho các cháu nghỉ học. Trong lớp, ngoài dụng cụ học tập, có hai thứ không thể thiếu đó là chiếc nhiệt kế và một cái chậu sắt. Các cô nhìn nhiệt kế, nếu nhiệt độ xuống thấp thì báo cáo ra Phòng GD-ĐT huyện để xin nghỉ.

Trời rét căm căm, đi bộ gần 3 cây số để tới trường, có cháu gần như kiệt sức vì lạnh. Mặt mũi tái nhợt, đôi chân độc đôi dép tổ ong tím bầm như bị tụ máu.

“Trời mưa lạnh, bố mẹ các cháu chỉ khoác cho một chiếc áo mưa hở đầu. Các cháu tới trường chân tay đã tím tái nhìn thương muốn bật khóc. Lạnh quá, cả cô trò không biết làm gì, chỉ đóng cửa, đốt củi vào chậu để sưởi ấm”, cô Phương tâm sự.

Có những lúc, hàng ghế trong lớp vắng một nửa. Các thầy cô nhìn nhau, lẳng lặng chạy xe máy đến từng nhà vận động học sinh tới lớp. Chỉ chờ cái gật đầu của phụ huynh là bế thốc học sinh của mình chở về trường. Có con đường, vết bánh xe của những người “gieo” chữ di dít, nát cả vết chân trâu, bò.

Tôi lại nhớ câu chuyện của anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán, kể về lần đầu tiên đi vận động học sinh tới trường. Mới lên nhận công tác, một câu tiếng Mông bẻ đôi không biết, anh vẫn hăng hái xuống thôn bản thuyết phục phụ huynh.

“Tôi cùng một thầy nữa đến nhà thì thấy em học sinh đó đứng nép trong cửa. Bà mẹ đứng giữa nhà quát ông ổng chỉ tay ra. Tôi nghĩ chắc bà quát đứa con, bắt theo thầy đi học. Ai ngờ, bà cầm cuốc lao tới đánh làm tôi ngã dúi dụi xuống cầu thang, bật cả móng chân, máu chảy toé”, anh Sơn nhớ lại. Lúc sau, ra khỏi thôn, thầy giáo đi cùng mới rỉ tai bảo, bà ấy chửi anh đấy, không phải mắng con đâu.

09-05-16_5
Một phụ huynh đang nấu ăn cho các cháu

“Hết tháng 12 này, nghe đâu Nhà nước sẽ cắt tiền hỗ trợ 120 nghìn đồng/cháu/tháng. Sang năm, nếu Nhà nước không hỗ trợ nữa, chúng tôi sẽ vận động phụ huynh, các đoàn thể trong xã đóng góp lấy tiền nấu cơm cho các cháu”, cô Thèn Thị Phương, Hiệu trưởng trường mầm non Quan Thần Sán.

Hai năm trở lại đây, Quan Thần Sán xây dựng mô hình trường học bán trú cho cả ba cấp học từ mầm non cho tới trung học cơ sở. Học sinh không phải xách cặp nồng, ăn rau cải với muối trắng. Một tháng, mỗi cháu được hỗ trợ 120 nghìn tiền cơm trưa. Với số tiền ít ỏi đó, bát cơm hằng ngày đã có màu của trứng, của thịt. Nhà nào có củi hay bí thì mang tới góp thêm. Việc nấu ăn, nhà trường phân công cho phụ huynh, mỗi người một buổi.

Đến hẹn lại xin

Ai cũng bảo, trời sinh, trời dưỡng, nhưng lạnh đến độ mưa tuyết thì người lớn còn đổ bệnh huống gì trẻ con. Anh Giàng Seo Chính, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quan Thần Sán bảo, cứ trời lạnh, người già, trẻ nhỏ bị ốm ra khám, lấy thuốc đông ùn ùn. Trẻ con phong phanh manh áo mỏng, không ốm mới là chuyện lạ. Nào thì cảm cúm, viêm họng cho tới sưng phổi, đủ cả.

Hôm tôi về Quan Thần Sán, anh Chính vừa làm xong kế hoạch xin thuốc dự trữ cho mùa đông gửi về Bệnh viện Đa khoa Si Ma Cai. “Chúng tôi xin thuốc theo tháng, tháng nào rét đậm, nhiều người ốm thì xin thêm. So với mùa hè, lượng thuốc tiêu thụ có khi gấp đôi”.

Hằng tháng, trạm phối hợp với cán bộ y tế thôn bản đi kiểm tra, tuyên truyền vận động người dân đảo bảo sức khỏe. Nhà nào có người ốm, y tá sẽ khám trực tiếp, cấp phát thuốc miễn phí. Theo anh Chính, cũng do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân chưa thực sự quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt cho trẻ nhỏ. Rất may, giờ đây, ngay từ khi lọt lòng, trẻ đã được làm thẻ bảo hiểm y tế, miễn phí khám chữa bệnh 100%.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những chuyến xe 'giải khát' cho người dân miền Tây

Trước thực trạng người dân ven biển tỉnh Tiền Giang vật lộn với hạn mặn, nguy cơ thiếu nước ngọt hiện hữu, ngày càng nhiều chuyến xe chở nước nghĩa tình giúp dân vượt hạn.