| Hotline: 0983.970.780

Rừng anh hùng và hàng rào vĩnh cửu

Thứ Tư 24/10/2012 , 09:44 (GMT+7)

Kỳ tích của Lâm trường Con Cuông không đơn giản mà có được. Đó là sự đúc kết của bao thế hệ, là tựu chung của những tấm lòng tâm huyết với núi, với rừng.

Bà Cao Thị Lý, một trong những người dân sống ở “hàng rào vĩnh cửu”

Kỳ tích của Lâm trường Con Cuông không đơn giản mà có được. Đó là sự đúc kết của bao thế hệ, là tựu chung của những tấm lòng tâm huyết với núi, với rừng.

>> Lời giải Con Cuông

Lâm trường là cha, rừng là mẹ

Cái câu đúc kết nghe nặng về tình cảm này là một trong 9 bài học được các thế hệ lãnh đạo Lâm trường Con Cuông rút ra trong quá trình cải tạo rừng từ chỗ nghèo nàn thành rừng giàu có giá trị kinh tế cao. Giám đốc Nguyễn Đức Sơn nói vui rằng, xây dựng lâm trường cũng như xây dựng một đội bóng, cũng cần người huấn luyện viên tài ba và cả những thế hệ vàng, những con người có đủ nhiệt huyết, đủ đam mê. “Một đội bóng đoàn kết chắc chắn sẽ thành công. Muốn có được sự đoàn kết thì chẳng có cách nào tốt hơn là hoạt động như một gia đình”.

Gia đình nhưng không có nghĩa là cục bộ. Hoạt động của Lâm trường Con Cuông theo những phong trào, những quy chế hết sức rõ ràng, công bằng mà tập thể đã đề ra. Ông Sơn kể, từ thời thế hệ vàng đầu tiên là ông Nguyễn Ngọc Lài, người vinh dự được Nhà nước hai lần phong tặng Anh hùng Lao động thì những phong trào, quy chế của lâm trường đã được áp dụng. Ai cũng như ai. Phong trào ấy có tên là “Thi đua giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh, thanh trừ đen trắng”. Nghe có vẻ trừu tượng, nhưng thực tế lại rất đơn giản. Đỏ, xanh, đen, trắng xem như định mức xếp loại thi đua hàng tháng. Tổ nào, cá nhân nào không hoàn thành tốt nhiệm vụ qua xếp loại hàng tháng thì phải treo cờ xanh ở văn phòng, lúc nào tốt lên mới được treo cờ đỏ. Cờ đỏ thì được thưởng, cờ xanh thì bị trừ lương, cứ theo màu cờ mà xếp loại.

Từ giám đốc cho đến anh bảo vệ đều phải theo phong trào, quy chế cả. Ngay như ông Lài, anh hùng như thế mà vẫn phải tự phạt mình, tự trừ lương vì mấy lần liên đới trách nhiệm, để xảy ra sai sót. Nếu không có phong trào thi đua, nếu không có tình cảm với vùng đất này, trách nhiệm với tập thể này thì sẽ không có Lâm trường Con Cuông, ngọn cờ đầu ngành lâm nghiệp ở tỉnh Nghệ An ngày hôm nay. Cả Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài và giám đốc Nguyễn Đức Sơn đều khẳng định như thế khi nhìn lại những năm khởi đầu.

Năm 1991, khi ông Lài được bầu giữ chức vụ giám đốc Lâm trường Con Cuông cũng là giai đoạn Nhà nước có chính sách chuyển đổi rừng. Từ khai thác chuyển sang trồng và bảo vệ. Lúc ấy, Lâm trường Con Cuông toàn đất trống, đồi trọc sau nhiều năm khai thác. Những hành động, cách làm của đội ngũ lãnh đạo lâm trường sau đó đều trở thành khẩu hiệu như: Cải tạo cồn vệ, cải tạo khe chọ, cải tạo đồi núi... Khái niệm rừng nhác và rừng siêng ở lâm trường cũng ra đời vào thời điểm này. Rừng nhác là rừng nghèo, rừng siêng là rừng xanh tốt, có giá trị kinh tế. Công cuộc biến rừng nhác thành rừng siêng cũng trở thành một phong trào. Nhiều năm sau khi khởi xướng, lần lượt những khe Xộc, khe Luông, khe Cu từ nhác thành siêng cả.

Cũng vì cái tư duy kiểu gia đình, đề cao vai trò người đứng đầu mà bây giờ lâm trường thực hiện chính sách thu hút bằng cách tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên làm nhà, xây dựng gia đình, cuộc sống… Còn muốn làm lãnh đạo ở lâm trường thì nhất thiết phải trải qua những ngày tháng gian nan, vất vả ở các trạm bảo vệ, ở các đội sản xuất. Ông Lài nghỉ hưu thì đến ông Cư, Lâm trường Con Cuông có hẳn một nhà truyền thống rộng tới 63 m2, nơi lưu giữ các khẩu hiệu hành động qua các thời kỳ.

Đến giám đốc Sơn bây giờ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. 9 năm làm đội trưởng đội BVR, nơi nào khó khăn nhất, nóng nhất anh cũng đã trải qua. Hết nghĩa vụ ấy mới được cất nhắc vào hàng ngũ lãnh đạo và vị trí cao nhất bây giờ. “Dù ở bất cứ đâu thì vẫn phải xem Con Cuông là quê hương, phải xem lâm trường là cha, rừng là mẹ thì họ mới gắn bó, mới có trách nhiệm. Còn nếu lên đây chỉ để thử thách, để kiếm công việc, vốn liếng rồi về xuôi thì lâm trường tuyệt đối không nhận”, ông Sơn đúc kết.

Hàng rào vĩnh cửu

Đi khắp các trạm bảo vệ của Lâm trường Con Cuông, từ khe Luông, khe Xộc cho đến khe Cu tôi vẫn cứ băn khoăn. Băn khoăn là vì rừng đẹp thế này, đường sá thênh thang thế này mà chỉ có 18 ông bảo vệ rừng thì kiểm soát sao cho nổi? Thực tế không phải vậy. Ven diện tích rừng xanh ngun ngút của lâm trường là vườn tược, nhà ở của hàng trăm hộ dân sống xen kẽ. Mỗi hộ dân là một chốt bảo vệ, tạo thành một hàng rào mà giám đốc Sơn gọi nôm na là bức tường không xây, là hàng rào vĩnh cửu…

Bản Trung Chính, xã Yên Khê có 227 hộ được chia thành hai vùng. Vùng từ tràn khe Luông trở vào có 92 hộ, một nửa là công nhân lâm trường, một nửa là người dân bản địa. Những vườn mét, đồi chè, nhà cửa của các hộ dân bao bọc rừng lâm trường trông như một hàng rào khổng lồ thật. Thế chẳng lẽ người dân không xâm hại một tý gì sao? Thay vì trả lời thắc mắc ấy của tôi, giám đốc Sơn dẫn vào nhà của một hộ dân trong bản. Đó là nhà của ông Nguyễn Cảnh Thu và bà Cao Thị Lý. Cả ông Thu và bà Lý đều đã nghỉ hưu nhưng họ vẫn tình nguyện sống ở đây, cuộc sống của những công dân hàng rào.

Lên đây lập nghiệp từ năm 1982, cuộc sống của hai vợ chồng và ba đứa con dựa vào 4 sào chè và 3 ha rừng trồng keo theo chương trình 135. Mỗi năm tằng tằng họ cũng thu nhập vài ba chục triệu, dư sức cho cuộc sống và nuôi con cái học hành. “Lâm trường đã cấp đất ở, giao đất sản xuất rồi lại thu mua sản phẩm cho các hộ dân… Ơn trả còn nỏ hết thì lòng dạ mô mà nghĩ đến chuyện xâm hại đến rừng lâm trường”, lời của bà Lý có lẽ là lý do, là câu trả lời quá xác đáng cho điều thắc mắc có phần hơi thực dụng của tôi rồi.

Làm lãnh đạo một đơn vị lâm nghiệp đòi hỏi phải tâm huyết, lăn lộn hết mình vì sự nghiệp chung. Một chu kỳ rừng thường dài hơn một chu kỳ lãnh đạo nên mình làm là làm cho thế hệ sau hưởng lợi, chứ làm cho bản thân thì cứ việc bán tất rồi đút túi tiền mà về hưu. Nếu thế thì đời sau chẳng còn gì cả”. Suy nghĩ của ông Sơn cũng là tôn chỉ của các thế hệ lãnh đạo ở lâm trường Con Cuông.

Giám đốc Sơn bảo đấy là cái tình. Cái tình giúp cán bộ lâm trường nhiệt tình trong công tác hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật ươm tạo cây giống mét, keo trồng rừng và cây ăn quả cho bà con dân bản. Cái tình khiến lãnh đạo lâm trường quyết định cung cấp gần 1 triệu cây giống phục vụ trồng rừng nguyên liệu cho bà con hàng năm. Như năm 2010 lâm trường đã cung cấp 1,9 triệu cây keo phục vụ trồng rừng nguyên liệu, thiết kế, chỉ đạo bà con 7 xã trồng được 800 ha rừng thuộc chương trình 147. Thu mua 2.000 tấn nứa, mét, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn...

Đấy là cái tình trong phát triển kinh tế, còn một cái tình nữa ở lĩnh vực xã hội. Chỉ riêng năm 2010 lâm trường đã ủng hộ xây dựng 2 nhà đại đoàn kết cho 2 gia đình dân tộc Đan Lai tại bản Nóng, xã Châu Khê, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng tại xã Yên Khê, ủng hộ tiền may áo quần cho học sinh vùng 135 tại xã Cam Lâm…

Những hoạt động như thế nếu đem so với các DN khác thì có lẽ cò con quá, nhưng ở huyện miền núi như Con Cuông thì đó là cả một tấm lòng. Mà một tấm lòng thì đôi khi trả ơn cả đời cũng không hết. Thành thử những người dân sống ở vùng “hàng rào vĩnh cửu” mà tôi gặp luôn xúc động mỗi khi nhắc đến mối quan hệ với lâm trường Con Cuông. (Hết)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm