| Hotline: 0983.970.780

Rừng cho mai sau

Thứ Bảy 25/01/2020 , 13:15 (GMT+7)

Đón chúng tôi ở bìa rừng, lão nông người dân tộc Vân Kiều là Hồ Râng (bản Nước Đắng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vui lắm.

Đường lên rừng gỗ quý.

Hồ Râng bảo: “Rừng miềng trồng chừ lớn hung rồi. Cây lên cao phải ngửa mặt mới nhìn được ngọn đấy. Nhiều người đánh tiếng mua mà miềng với Hồ Khay không bán mô. Để lại cho cho bản, cho đời sau chớ”.
 

Hơn 20 năm chúng bạn trồng rừng

Từ Trạm Kiểm lâm Long Đại, anh Hoàng Văn Tình, trạm trưởng lấy chiếc thuyền máy Cole đưa chúng tôi ngược dòng lên với núi rừng Trường Sơn. Chiếc thuyền máy nhỏ xé nước ngược gần hai giờ đồng hồ mới đến được Khe Rấy. Bản Nước Đắng nằm ở một thung lũng nhỏ, bên sông Long Đại xanh biêng biếc.

Ông Hồ Râng năm nay đã 63 tuổi, nhưng người còn chắc cứng như cây rừng. Ông bảo, hồi trẻ còn di cư khắp các nẻo rừng Trường Sơn từ Quảng Trị đến Quảng Bình. Đến khi định cư ở bản Nước Đắng thì làm bạn với ông Hồ Khay cũng vừa mới di cư từ một bản bên Lào sang.

Hồi còn trai trẻ, cả hai ông ngày nối ngày theo bố mẹ lên rừng kiếm cái ăn. Cuộc sống du canh du cư như mùa lá rụng. Họ cứ mải miết phá hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để đốt nương, làm rẫy. Khi rẫy được ba mùa lúa họ lại cõng gùi mang theo chăn chiếu, xoong nồi bỏ lại vùng nương cũ để đến vùng rừng mới. Tất cả đều trông cậy vào rừng, từ cái ăn, cái mặc đến ngôi nhà để ở…

“Hồi đó, còn sức lắm, tui còn phụ với nhiều đoàn sơn tràng từ dưới xuôi lên chặt hạ những cây lim, cây táu lớn cả hai người ôm. Gỗ cưa thành từng phách lớn, dùng trâu kéo ra bìa rừng bán”, ông Hồ Râng nhớ lại.

Những mùa rẫy nối nhau, nhiều đến mức cả hai ông không nhớ hết. Rừng bạt ngàn trên dãy Trường Sơn tưởng chừng như bất tận cũng đến lúc bị khai thác kiệt quệ. Cây gỗ mà Hồ Râng, Hồ Khay muốn có được để làm cái cột nhà cũng phải bươn rừng xa ba bốn ngày đường mới có thể tìm ra.

Những chiều muộn, ngồi đầu hồi nhà, nhìn ra vạt rừng loang lổ chỉ còn rặt những cây bộp, dây leo phủ kín, Hồ Râng thấy cay đắng. Rừng cứ bị chặt phá như thế, đến đời con đời cháu sẽ không thể lấy đâu ra gỗ để dựng lại ngôi nhà sàn. Cây lim, cây táu, cây huỵnh… thân thiết với người Vân Kiều sẽ không còn nữa.

Sáng sớm, mang cái lo lo trong bụng, Hồ Râng đi như chạy sang nhà Hồ Khay để bày tỏ. Nghe chưa thủng chuyện, Hồ Khay đã chụp lấy bàn tay chai sần của Hồ Râng mà lắc: “Ui trời, miềng cũng nghĩ như rứa, nhiều đêm con mắt cứ gác trăng không ngủ được. Phải tìm cách nuôi lại mấy cây gỗ quý thôi”.

Như cởi được cái gùi nặng ra khỏi vai, cả hai ông lại chụm đầu bàn bạc cách để có rừng gỗ lim, gỗ huỵnh. Ấy cũng là lúc, nhà nước giao đất cho đồng bào sản xuất, hai ông nhận đất và làm theo cách mà cái đầu đã nghĩ ra trước đó. Nhiều bà con đồng bào dân tộc ở bản Nước Đắng và các bản khác trong xã Trường Sơn trồng rừng kinh tế bằng keo, tràm, bạch đàn thì Hồ Khay và Hồ Râng lại đi trồng những giống bản địa như huỵnh, lim, huê…

07-35-48__2-_miijt_goc_rung
Một góc rừng huỵnh.

Một con trăng, hai con trăng rồi nhiều con trăng nữa, không thể nào nhớ hết, dân bản Nước Đắng cứ thấy hai ông lầm lụi mang gùi xuyên rừng tìm kiếm cây giống. Hết tìm gần lại đến tìm xa, những mầm cây bé nhỏ nép mình dưới những tán rừng được Hồ Khay và Hồ Râng cẩn thận bứng về. Có cây chỉ bằng gang tay, trồng xong phải buộc rào chắn bốn bề kẻo sợ người ta đi qua vô tình dẫm gãy.

“Giống cây quý đó kiếm có dễ không”, tôi hỏi. “Khó lắm chớ. Vì không có được nhiều mô. Nhiều khi phải đạp rừng lên đến tận biên giới nước bạn mới tìm thấy”, Hồ Râng trả lời.

Có những chuyến đi xa vài ba ngày đường. Phải bưng bầu đất lớn, dùng lá cọ quấn thật chặt gốc cho vào gùi mang về. Những khi nắng hạn, hai ông phải gọi nhau dậy từ lúc con gà mới gáy lần đầu để lần xuống đầu nguồn sông Long Đại gùi nước lên tưới. Con đường dốc cao đi xuống sông, đi nhiều thành lối mòn. Khi mặt trời lên chừng sải tay thì cái chân cũng mỏi, cái vai cũng nhừ. Vậy nhưng hai ông vẫn không nản chí. Những giọt mồ hôi nhỏ xuống gốc cây như tiếp thêm nhựa sống cho chồi cây lên mắt biếc.

Cứ thế, chân đạp gai rừng suốt hơn 20 năm, khi những cây non lớn dần và cho đến khi rừng khép tán thì hai ông cũng đã thành người già của bản. Những ngày lên chăm rừng, phát cây dại, Hồ Râng bảo với Hồ Khay: “Cái tuổi, cái sức của mình đã chuyển vào hết trong rừng cây lim, cây huỵnh rồi”.
 

Trồng thêm nhiều rừng gỗ quý

Đứng ở gò đất cao ở rìa bản Nước Đắng nhìn lên đã thấy rừng của Hồ Râng, Hồ Khay xanh ngút ngàn chạy hết tầm mắt. Gần trưa, tôi cùng hai ông đi xem rừng. Bước chân vào bìa rừng, đã có cảm giác mát lạnh của gió thổi.

Cái mát lạnh đặc trưng của cánh rừng nguyên sinh. Diện tích rừng của hai ông liền kề nhau, tạo nên khoảng rộng lớn cho mỗi người cảm giác như đang đi vào một cánh rừng nguyên sinh thực thụ chứ không phải rừng trồng.

Hơn 20ha rừng, cây nối cây rợp bóng. Rừng được bàn tay con người chăm sóc nên ít có cây leo, cây gai rầm, tăm tắp như tranh vẽ. Con đường dẫn vào rừng chạy vòng vèo rồi vắt ngược lên đỉnh đồi. Hai bên con đường bạt ngàn cây đứng xếp hàng, thẳng tắp vươn lên đón nắng.

Hồ Râng bảo, của nhà có đến gần 500 cây lim, cây huỵnh. Huỵnh nhanh lớn hơn nên có nhiều cây đường kính gốc gần cả nửa mét. Đến bên cây huỵnh lớn, Hồ Râng vỗ bồm bộp vào thân cây rồi nói chắc: “Cây này tính ra cũng được khoảng năm khối gỗ tươi rồi mà. Còn những cây nhỏ hơn thì cứ nương bóng cây lớn mà vươn lên”.

07-26-31__3-_vo_chong_
Vợ chồng ông Hồ Râng bên gốc cây huỵnh quý.

Rừng Hồ Khay cũng có trên ngàn cây gỗ các loại, cây nào cũng cao lớn, vững chãi. Ông Hồ Khay bảo: “Nếu nhiều rừng lớn như vầy thì không sợ mưa lớn làm lũ quét. Trước đây, có trận lũ tràn qua, cuốn hàng chục người, hàng chục ngôi nhà trôi hết về dưới sông rồi đấy”.

Đứng lại cạnh những cây gỗ huỵnh cao lớn, anh Hoàng Văn Tình nói : “Cây có thể khai thác dùng được rồi, cách đây mấy tháng đã có người hỏi thăm để mua”. Nghe vậy, Hồ Râng cười bảo: “Có người hỏi đó. Nhưng trồng rừng này không phải để bán mô mà để lại cho con cháu đó chớ. Để lại động viên con cháu, mọi người trồng thêm nhiều rừng như vậy nữa. Bữa nay trồng, vài chục năm sau lại có rừng như vầy. Rồi Trường Sơn sẽ có nhiều rừng gỗ quý, đẹp lắm”.

Tôi hỏi dè dặt: “Không bán rừng thì kinh tế thu nhập làm sao”. Ông Hồ Râng nói cái đầu bữa nay sáng rồi. Mình có rừng, có rẫy để nuôi bò. Bán bò là đã có tiền nhiều rồi, tiêu mô hết. Ông bộc bạch: “Nhà miềng, nhà Hồ Khay nuôi được hàng chục con bò. Bò giống tốt, mỗi năm có thêm vài con bê. Chịu khó chăm nó lớn, khi cần thì bán lấy tiền”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Hớn, trưởng bản Nước Đắng vui lắm. Ông nói: “Ông Hồ Râng được dân bản tín nhiệm bầu làm phó bản còn ông Hồ Khay là một nông dân sản xuất giỏi, chăm chỉ làm ăn”. Người dân bản Nước Đắng bây giờ theo gương hai ông Hồ Râng và Hồ Khay đều biết trồng rừng kinh tế và rừng gỗ quý. Ngoài ra, bà con còn trồng xen thêm mây, dứa, dược liệu… để có thêm thu nhập. Nhiều hộ có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng mỗi năm từ sản phẩm phụ của rừng.

07-26-31__4-_ong_ho_rng
Ông Hò Râng: “Cây gỗ huỵnh này được hơn 20 năm rồi đó”.

Đứng ở bìa rừng khi trời đã quá trưa, ông Hồ Râng bắt tay chúng tôi thật lâu. Hồ Râng nói trầm và ấm: “Tháng sau, miềng lại mua giống huỵnh, huê, trầm để trồng thêm diện tích mới”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất