| Hotline: 0983.970.780

Rừng cho thuê tiếp tục bị tàn phá

Thứ Hai 15/07/2013 , 09:07 (GMT+7)

Đây không phải là lần đầu tiên Cty TNHH Phát Lâm để rừng bị tàn phá; và đây cũng không phải là đơn vị duy nhất ở Lâm Đồng để rừng bị tàn phá vì buông lỏng quản lý.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có văn bản gửi Sở NN-PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo về việc lâm sản bị khai thác trái phép trên diện tích đất rừng đã cho Cty TNHH Phát Lâm (phường 1, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) thuê.

Đây không phải là lần đầu tiên Cty TNHH Phát Lâm để rừng bị tàn phá; và đây cũng không phải là đơn vị duy nhất ở Lâm Đồng để rừng bị tàn phá vì buông lỏng quản lý.

PHÁT LÂM GÓP PHẦN

Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ đầu năm đến nay (hơn 6 tháng), trên địa bàn tỉnh đã có 848 vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện – tăng 21 vụ (tương đương 2,54%) so với cùng kỳ năm 2012.

Trong các vụ vi phạm này, số vụ về mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép chiếm phần lớn: 392 vụ (chiếm 46,2% tổng số vụ); tiếp đến là phá rừng trái phép (210 vụ - 24,8%) và vi phạm về quy định khai thác lâm sản (152 vụ - 18%).

Với các vụ vi phạm lâm luật này, cơ quan chức năng đã xử lý phạt hành chính 765 vụ và chuyển xử lý hình sự 23 vụ (tổng số vụ đã xử lý là 788 vụ). Qua xử lý, cơ quan chức năng đã tịch thu 218 phương tiện và dụng cụ các loại, gần 1.241m3 gỗ, 62 cá thể động vật rừng và 79kg thịt động vật rừng. Trong số các vụ vi phạm này, Cty TNHH Phát Lâm là một trong những đơn vị góp phần.


Nhiều cây thông trên diện tích rừng đã cho các doanh nghiệp thuê bị đốn hạ

Với vụ việc mới đây nhất của Cty TNHH Phát Lâm, báo cáo ngày 5/6/2013 của Sở NN-PTNT cho thấy, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên diện tích đất lâm nghiệp đã cho đơn vị này thuê (378ha tại huyện Di Linh) đã có 96 cây gỗ với tổng khối lượng khoảng 40m3 đã bị hạ sát mà không biết thủ phạm là ai (!).

Trong văn bản mới đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo: Yêu cầu Cty TNHH Phát Lâm nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng đối với 98 cây gỗ bị chặt hạ; giao cho UBND huyện Di Linh thu hồi số cây gỗ bị thiệt hại và tổ chức tiêu thụ để sung vào công quỹ; giao cho Sở Tài chính phối hợp với Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra và tính toán giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại để yêu cầu Cty TNHH Phát Lâm thực hiện việc bồi thường.

NHIỀU ĐƠN VỊ BỊ THU HỒI DỰ ÁN

Cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, qua kiểm tra, xác minh nạn lấn chiếm đất rừng trên diện tích rừng đã cho thuê tại xã Blá (huyện Bảo Lâm), Sở NN-PTNT đã có văn bản kết luận: Trên địa bàn xã Blá có 5 chủ đầu tư thuê rừng để triển khai các dự án nông lâm kết hợp với tổng diện tích đất rừng đã thuê là 935ha.

Kết quả kiểm tra, có ít nhất là 3 trong 5 dự án này có sai phạm: Trên diện tích rừng của Cty TNHH Phát Lâm có 4,45ha bị tàn phá (trữ lượng gỗ bị thiệt hại là 371m3), Cty TNHH La Ba có 9,8ha rừng bị chặt phá (trữ lượng gỗ thiệt hại là 775m3) cùng với hơn 2,3ha bị lấn chiếm và Cty TNHH Thương mại Kim Hưng để rừng bị phá gần 1,2ha (trữ lượng gỗ thiệt hại là 102m3).

Ngoài ra, cũng theo báo cáo này của Sở NN-PTNT, trên diện tích rừng giáp ranh giữa xã Blá và xã Lộc Quảng (Bảo Lâm) do Cty cổ phần giấy Tân Mai thuê và đã bỏ vốn trồng rừng nguyên liệu giấy có hơn 11ha bị kẻ gian “ken” cây (khoét gốc), đổ hóa chất làm cho cây chết với mục đích chiếm đất.

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm, vào cuối năm 2012 và 6 tháng đầu 2013 tiếp tục có 2 chủ đầu tư có dự án liên quan đến đất lâm nghiệp bị thu hồi dự án là Cty Đầu tư xây dựng dịch vụ thương mại Toàn Hưng và Cty TNHH Vĩnh Tiến.

Trước đó, chỉ trong vòng nửa cuối năm 2012, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã có hàng loạt dự án liên quan đến đất lâm nghiệp bị thu hồi như các dự án của Cty Kim Thành Phát (trên địa bàn huyện Lạc Dương), Cty TNHH Thương mại Kim Hưng (một trong 3 đơn vị thuê đất rừng tại xã Blá vừa nêu trên), Cty Võ Hà Lê (Lạc Dương), Cty Chìa Khóa Vàng (Lạc Dương), Cty Kim Việt (Di Linh)…

Lâm Đồng kiên quyết thu hồi các dự án liên quan đến đất lâm nghiệp không phát huy được hiệu quả, nhằm lập lại trật tự trên lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng là khẳng định của lãnh đạo tỉnh này được đưa ra không chỉ mới đây!

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất