| Hotline: 0983.970.780

Rừng đẻ ra vàng

Thứ Năm 24/01/2013 , 11:14 (GMT+7)

Từ trụ sở UBND xã Thanh Thạch, theo con đường mòn, băng qua một con suối là đến trang trại rừng của nông dân Nguyễn Hồng Thơ.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) khẳng định: “Về Tuyên Hóa bây chừ khó tìm thấy đất trống, đồi núi trọc. Nghề trồng rừng đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho người dân miền núi. Ở xã chúng tôi, nhiều hộ đã giàu lên nhờ rừng”.

Trồng để làm giàu

Từ trụ sở UBND xã Thanh Thạch, theo con đường mòn, băng qua một con suối là đến trang trại rừng của nông dân Nguyễn Hồng Thơ. Năm 2000, anh Thơ rời quân ngũ. Với số vốn ít ỏi tự có của gia đình, anh mạnh dạn học hỏi cách thức mở trang trại tổng hợp, khai phá vườn tạp để trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Sau hơn 10 năm, trang trại của anh có 23 lợn nái sinh sản, 60 lợn thịt và đàn gia cầm trên 200 con. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả.

“Hơn 7 ha rừng trồng, chủ yếu keo lai mới là tài sản quý giá nhất mà gia đình đang có”, anh Thơ bộc bạch. Khoảng năm 2005 anh Thơ nhận 2,5 ha đất đồi núi trọc để lập trang trại. Hầu hết diện tích chỉ trồng các loại cây ăn quả, số còn lại trồng dó bầu. Mấy năm sau, anh mua thêm 4 ha đất đã được giao khoán của các hộ khác để trồng keo lai.


Người dân miền núi Tuyên Hóa đẩy mạnh trồng rừng

“Tôi tính trong vài năm nữa, khi rừng cho thu hoạch, với diện tích rừng mình có được, giá cả ổn định thì có được nguồn thu khoảng 500 triệu đồng. Đó là chưa kể số thu nhập từ hoạt động chăn nuôi gần 200 triệu đ/năm. Khi đó, không thể nói thoát nghèo mà phải gọi là giàu ấy chứ", anh Thơ cười đầy tự tin.

Anh Võ Đức Thuận, thôn 1, xã Thanh Thạch cũng là một điển hình. Ngồi nói chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà gỗ khang trang, thoáng mát, anh Thuận tự hào "khoe" những tài sản mình có được. Hơn 5 ha rừng keo vào mùa thu hoạch sẽ mang lại nguồn thu 400 triệu đồng; một chiếc xe phục vụ hoạt động vận tải thu nhập 60 triệu đồng/năm.

Để "chuyên nghiệp" hoá trồng rừng và khai thác rừng trồng, anh chủ động mua máy cắt cỏ làm vệ sinh và đầu tư mở tuyến đường vận chuyển dài hơn 2 cây số từ đường cái vào tận nơi khai thác. Bây giờ, hoạt động bán sản phẩm gỗ rừng trồng của anh chỉ diễn ra tại nhà máy đặt tận khu công nghiệp Hòn La...

Ông Nguyễn Văn Nguyên cho hay, cả xã  có hơn 350 ha rừng keo. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2016, trung bình mỗi năm bà con thu từ rừng cũng được khoảng 6 tỷ đồng. Sau mùa thu hoạch là đến mùa trồng rừng, kế hoạch hàng năm cứ bán 100 ha rừng thì trồng mới từ 150 - 200 ha. Cứ thu hoạch và trồng luân phiên như thế. Nhu cầu về gỗ nguyên liệu chắc chắn là không thể dừng lại nên bà con cũng tin tưởng và gắn bó với việc trồng rừng”.

Thu rừng trồng = thu ngân sách 

Ông Hoàng Minh Đề - Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa:

“Đặc thù của huyện là có phần lớn diện tích rừng và đất rừng. Bởi vậy, chiến lược phát triển kinh tế là chú trọng trồng rừng và mở rộng diện tích trồng nhằm tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương. Điều đáng mừng là chủ trương này nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của người dân. Bằng chứng là những năm trở lại đây, diện tích rừng trồng không ngừng được tăng lên, hiệu quả thu được cũng rất rõ rệt”.

Người dân huyện Tuyên Hoá đang rất quan tâm thực hiện công tác trồng rừng để phát triển kinh tế. Đó cũng là cách chung tay với chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo. Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho hay: “Toàn huyện có gần 6.700 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai. Riêng trong năm 2012 đã có thêm 580 ha rừng được trồng mới, giá trị thu được gần 30 tỷ đồng. Con số này tương đương với số thu ngân sách của huyện”.

Hiện mỗi năm Tuyên Hóa đưa vào khai thác trên 500 ha rừng trồng. Con số 30 tỷ đồng từ rừng trồng là nguồn thu không nhỏ đối với một địa phương miền núi còn nghèo. Bước sang năm 2013, Tuyên Hóa đang gấp rút tiến hành quy hoạch chi tiết rừng trồng với những phương án phát triển cụ thể nhằm tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương.

“Khi đó, số hộ dân được giao đất, giao rừng sẽ không ngừng tăng lên, diện tích rừng trồng sẽ được mở rộng, hiệu quả kinh tế mang lại rõ ràng hơn. Điều đó đồng nghĩa với đích xóa đói, giảm nghèo của huyện cũng sẽ gần lại, những tác động tiêu cực của người dân đối với rừng giảm đi”, ông Phương nhấn mạnh.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.