| Hotline: 0983.970.780

Rừng dẻ vẽ... ra tiền

Thứ Năm 24/11/2011 , 09:28 (GMT+7)

"Hạt dẻ bán thu mỗi năm cũng vài tỷ bạc. Bây chờ, người dân giữ rừng như giữ túi tiền..." - ông Bền Ngân, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu (Quảng Trạch-Quảng Bình) cho biết.

Một góc rừng dẻ ở xã Quảng Lưu
Ông Bền Ngân, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu (Quảng Trạch-Quảng Bình) đưa chúng tôi lên rừng dẻ. Đứng trên một triền đất cao, khoát tay chỉ một vòng rộng hết tầm mắt rồi hồ hởi: “Toàn bộ diện tích rừng dẻ rộng gần hai ngàn ha. Hạt dẻ bán thu mỗi năm cũng vài tỷ bạc. Bây chờ, người dân giữ rừng như giữ túi tiền”.

Ra lệnh cấm...đào gốc         

Phía đông dãy Trường Sơn chạy qua các xã Quảng Lưu, Quảng Tiến, Quảng Thạch...ngút ngàn những rừng dẻ. Gỗ dẻ không phải quý hiếm, nhưng lại gắn chặt với đời sống người dân vì sự tiện dụng. Cây lớn làm cột nhà, cây nhỏ làm hàng rào, giàn bầu giàn bí lâu mục, cành quăn queo làm củi đun đượm lửa, được than. Chính vì vậy, người dân khai thác rừng dẻ một cách triệt để.

Ông Bền Ngân nhớ lại: Hồi đó, cây dẻ lớn nhỏ gì cũng bị chặt hết. Những gốc cây còn lại phải vất vả nảy mầm, chưa kịp lớn lên đã bị đốt lấy đất làm nương rẫy. Đất đai trơ chọi dưới nắng. Mưa thì gây lũ lớn, nắng thì gặp cảnh thiếu nước vì các con suối chảy từ rừng ra đã cạn kiệt. Mất mùa liên tục, thiếu đói lại buộc người dân vác rìu, rựa lên rừng đốn củi, đốt than...

Hồi đó, ông Bền Ngân đảm nhận vị trí chủ tịch xã. Thấy nguy cơ lớn đang đè lên người dân Quảng Lưu, ông trăn trở hằng đêm để nghĩ cách giữ rừng. “Muốn có được rừng như trước thì chỉ có cấm thôi. Cấm chặt, cấm đào gốc...thì may ra sau này có được đời sống khá hơn”- ông Bền Ngân xác định.

Việc hồi sinh rừng dẻ được xã chính thức thực hiện. Quy định đóng cửa rừng được ban hành: Người dân không được vào rừng làm nương rẫy; không được đào phá những gốc cây dẻ để đốt than. Một năm sau đó, mầm xanh từ những gốc dẻ bật dậy phủ một màu biêng biếc lên những vạt rừng loang lổ. Thấy rừng lên là mừng, nhưng cái khó chưa phải đã hết.

Hàng chục hộ dân làm trại, làm lều trong rừng để làm rẫy không chịu về mà cứ bám lấy rừng để...phá. Thấy những người “lỳ” ở lại được, nhiều hộ dân cũng “trở chứng” đòi lên phá rừng làm rẫy cho có sự...công bằng. Thậm chí có người bắn tin cho ông Chủ tịch: “Nhiệm kỳ tới coi chừng chẳng có ai bầu ông làm lãnh đạo nữa đâu”.

Không ngần ngại, khi họp Thường vụ Đảng ủy xã, ông Chủ tịch nói chắc: “Những đảng viên vi phạm chương trình phục hồi rừng, hoặc không vận động được anh em, bà con đang phá rừng trở về thì cứ đưa ra kỷ luật”. Mặt khác, ông chọn những người cương quyết, có tâm huyết với việc bảo vệ, phục hồi rừng dẻ để thành lập đội bảo vệ. Sau gần ba năm nỗ lực bảo vệ, rừng dẻ Quảng Lưu mới tạm yên.

Hạt dẻ vẽ...ra tiền

Nhờ rừng dẻ, gia đình anh Phan Văn Nam đã có cuộc sống ổn định

“Cái thuở bảo vệ rừng khó đến bao nhiêu thì nay kiếm tiền từ rừng dễ bấy nhiêu”- ông Nguyễn Văn Hợp, một trong những người trong đội bảo vệ rừng năm xưa thủng thỉnh nói. Bây giờ người dân Quảng Lưu, và cả ở các xã lân cận, đã coi nguồn thu từ rừng dẻ là rất quan trọng với đời sống hàng ngày.

Mùa cây dẻ ra hoa thơm lừng, người dân ít vào rừng, sang mùa dẻ rụng hạt thì hàng ngày ít nhất cũng vài trăm người vào rừng để đi lượm hạt. Hạt dẻ nhỉnh bằng đầu ngón tay út, chắc nịch. Thông thường người ta cho dẻ lên chảo rang làm món ăn khó quên với sự bùi, béo của hạt dẻ rừng. “Thương hiệu” hạt dẻ của Quảng Lưu cũng vì vậy mà đã đi tận trong Nam, ngoài Bắc.

Ông Bền Ngân cho biết trung, bình sản lượng hạt dẻ người dân trong xã thu nhặt được mỗi năm trên 100 tấn. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, toàn xã có số tiền hơn 2 tỉ đồng. “Thực ra con số này không phản ánh đầy đủ, hoặc còn thấp hơn nhiều so với con số thực mà người dân trong xã có được. Đó là chưa kẻ người dân ở các xã lân cận cũng vào rừng nhặt hạt dẻ và nguồn thu của họ cũng không kém gì ở Quảng Lưu, tức là tổng số thu từ hạt dẻ thôi cũng đã năm, bảy tỷ đồng rồi”- ông Ngân khẳng định.

Toàn xã Quảng Lưu chỉ có 541ha đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đất rừng và rừng lâu nay vẫn là một nguồn để nuôi sống gần 7.000 con người.

Ông Bền Ngân, Chủ tịch UBND xã, bộc bạch: “Từ phá rừng nay có được nguồn lợi bền vững từ rừng như rứa là mọi người sướng lắm. Bây giờ, người dân ai cũng chú tâm đến rừng. Không ai bảo ai, nhưng bà con đã tự nguyện giữ rừng và sẵn sàng đứng ra ngăn chặn hành vi phá rừng. Ngoài ra, mỗi năm người dân Quảng Lưu còn trồng dặm trên 4 vạn cây khác vào rừng dẻ”.

Chúng tôi ghé thăm nhà Phan Văn Nam ở thôn Vân Tiền. Do lao động cần cù, hai vợ chồng anh đã có cơ ngơi khang trang gồm nhà ở kiên cố, rồi cả hệ thống chuồng trại chăn nuôi bò và dê, ao cá, vườn cây ăn quả bên một khe cạn giữa hai bên là vạt rừng dẻ bạt ngàn.

Mời khách uống nước, anh Nam kể chuyện: “Hồi đó, nhà nghèo quá, dù chưa lấy vợ nhưng một mình tôi đã lặn lội lên vỡ đất dưới khe cạnh rừng dẻ để làm mùa. Thấy xã cấm rừng, tôi lại xung phong làm người giữ đất rừng. Thời gian đầu, trồng môn, cây khoai, lạc để có cái ăn hàng ngày. Khi rừng dẻ bắt đầu hồi sinh trở lại xanh tốt, rồi lớn lên và cho hạt thì có thêm thu nhập. Từ đó mở rộng sản xuất, chăn nuôi để vươn lên xóa nghèo”.

Bây giờ, xã giao khoán cho gia đình anh Nam giữ 9 ha đất, rừng để vừa làm ăn vừa giữ rừng. Chị Lê Thị Tuyết (vợ anh Nam), phấn khởi: Vợ chồng tui ngoài thu được tiền từ hạt dẻ, còn nuôi được đàn bò, dê, đào hai ao cá rộng hơn 500m2...Tổng thu mỗi năm cũng được gần trăm triệu đồng. Cuộc sống ổn định và cũng đã sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất