| Hotline: 0983.970.780

Rừng hạt trần trên đỉnh Pha Phanh

Thứ Ba 01/04/2014 , 10:35 (GMT+7)

Trong một lần phối hợp tuần tra rừng tại núi Pha Phanh, Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) và người dân đã phát hiện một quần thể cây hạt trần quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Tháng 6/2011, trong một lần phối hợp tuần tra rừng tại núi Pha Phanh, Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) và người dân đã phát hiện một quần thể cây hạt trần quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam gồm thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis), đỉnh tùng (Caphalotaxus mannii), thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius) và dẻ tùng sọc hẹp (Amentotaxus argotaenia).

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Chủ nhiệm HTX Tiên Phong, xã Nam Động (Quan Hóa) là một trong những người đầu tiên phát hiện loài cây hạt trần nhớ lại: "Khi tôi lên rừng tìm cây thuốc thì phát hiện nhiều loài cây lạ. Trở về tôi báo với Hạt KL Quan Hóa. Sau đó các cán bộ lên rừng lấy mẫu gỗ, lá đi giám định cho kết quả ban đầu là 4 loài hạt trần".

Xác định được giá trị, sự nguy cấp của loài cây hạt trần quý hiếm cần được bảo tồn nguồn gien, đa dạng sinh học, Hạt KL Quan Hóa đã báo cáo các ngành chức năng xin chủ trương thành lập Khu bảo tồn (KBT). Ngày 27/7/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án "Xác lập KBT loài hạt trần quý hiếm tại xã Nam Động".

"Trong quá trình triển khai, ngoài 4 loài cây được phát hiện ban đầu, dự án còn phát hiện thêm 2 loài nữa sống trên khu vực núi Pha Phanh, đó là dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis) và thông đỏ đá vôi (Taxus chinensis). Điều này khẳng định nguồn tài nguyên động, thực vật ở Pha Phanh rất phong phú, đa dạng cần được bảo vệ nghiêm ngặt", ông Lê Kim Du, Hạt trưởng Hạt KL Quan Hóa nói.

Cũng theo ông Du, trong thời gian điều tra, khảo sát thực địa với sự tham gia của nhiều đơn vị, đặc biệt là các nhà khoa học; tất cả đều khẳng định việc bảo vệ khu rừng Pha Phanh cần phải được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt để diện tích các loài ngày càng phát triển. Ngày 8/1/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định thành lập "KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động".

12-44-33_3Dẻ tùng sọc rộng

Quy mô diện tích KBT là 646,95 ha thuộc địa bàn xã Nam Động, huyện Quan Hóa. Các phân khu chức năng gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 502,84 ha; phân khu phục hồi sinh thái 114 ha; phân khu dịch vụ hành chính và 3 trạm bảo vệ rừng. Vùng đệm KBT có 7 thôn, bản của xã Nam Động và 5 thôn, bản của 3 xã thuộc huyện Quan Sơn với tổng diện tích hơn 3.300 ha.

Ông Lê Thế Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa nhấn mạnh: "Rừng Pha Phanh không chỉ có các loài hạt trần quý hiếm mà còn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm như voọc xám, gấu ngựa, sơn dương...

Đặc biệt là sự hiện diện của lớp cây tái sinh bằng hạt của cây thông Pà Cò, đã phản ánh ngược lại một số kết quả nghiên cứu trước đây cho rằng thông Pà Cò không thể tái sinh bằng hạt vì hạt không có phôi. Kết quả này đã mở ra một một hướng nghiên cứu mới đối với việc nhân giống hữu tính loài cây này trong tương lai".

Trong 6 loài cây hạt trần có 3 loài gồm thông Pà Cò, thông tre lá dài và thông đỏ đá vôi thuộc cây gỗ lớn; bình quân mỗi loài cao từ 20 - 25 m, đường kính thân 50 - 70 cm; ưa bóng, ưa đất tốt, độ ẩm cao; mọc rải rác trong rừng nguyên sinh các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái, Tuyên Quang. Đặc biệt, lá và vỏ cây thông đỏ đá vôi còn được chiết xuất thành hợp chất taxol giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh ung thư.

Đỉnh tùng là cây gỗ nhỏ, ít khi cao 10 - 15 m; mọc rải rác trong tầng cây gỗ nhỏ hay tầng cây bụi ở độ cao khoảng 600 - 1.500 m, nơi có ít ánh sáng, trên tầng đất dày và ẩm. Dẻ tùng sọc rộng là loài cây lá kim thuộc họ thanh tùng; đây là loài cây gỗ trung bình, cao đến 15 m, chủ yếu sống trên các núi đá vôi. Dẻ tùng sọc hẹp thuộc cây gỗ nhỡ, có thể cao đến hơn 20 m, đường kính thân 40 - 50 cm.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm