| Hotline: 0983.970.780

Rừng KfW6 cho quả ngọt

Thứ Năm 08/01/2015 , 07:27 (GMT+7)

Sau 10 năm thực hiện, dự án KfW6 Bình Định đã kết thúc và cho thấy hiệu quả rõ rệt. 

Sau 10 năm thực hiện dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (KfW6) do Chính phủ Đức và Việt Nam đồng tài trợ, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xanh thêm nhiều cánh rừng, niềm vui của người dân tham gia dự án cũng được nhân lên nhờ có thêm thu nhập.

Đến nay, dự án KfW6 Bình Định đã kết thúc và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sau 10 năm (2005-2014) thực hiện, Ban Quản lý dự án KfW6 (Sở NN-PTNT Bình Định) đã hoàn thành các mục tiêu mà dự án yêu cầu.

Các địa phương tham gia dự án quy hoạch bài bản việc sử dụng đất lâm nghiệp, đồng loạt tổ chức điều tra lập địa để xác định cây trồng cho từng loại đất; đồng thời đo đạc thiết kế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài cho các hộ tham gia. Các địa phương cũng được hỗ trợ để xây dựng HTX lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch trồng, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc và bảo vệ rừng cho từng năm.

Nông dân tham gia dự án còn được chuyển giao các giống cây lâm nghiệp như sao đen, lim xanh, keo lai, keo lá tràm, mây nếp, dầu rái, dó trầm, xoan ta, bời lời… và được BQL Dự án hướng dẫn cách trồng và phương thức quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh.

Nhờ vậy, các khu vực rừng thuộc dự án KfW6 tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và Tây Sơn phát triển ngày càng xanh tốt, độ che phủ rừng ngày càng tăng. 

Đặc biệt, nhờ người dân tham gia dự án thường xuyên vào rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ nên lâm tặc cũng “chờn” bớt, tình trạng chặt phá rừng tại các địa phương nói trên được giảm hẳn.

Nông dân Sử Văn Hà ở thôn An Hòa, xã Ân Phong (Hoài Ân) cho biết: “Tham gia dự án KfW6, gia đình tui được giao khoanh nuôi tái sinh 1,5 ha rừng tự nhiên và 15,5 ha rừng trồng bổ sung các loại cây như sao đen, lim.

Diện tích rừng nói trên đã được Nhà nước giao quyền sử dụng lâu dài. Gia đình tui thay phiên nhau chăm sóc, bảo vệ chu đáo rừng được giao và đã có thu nhập đáng kể từ các sản phẩm phụ dưới tán rừng. Sau khi dự án kết thúc, diện tích rừng trồng có bổ sung sẽ được thu hoạch, gia đình tui lại có thêm thu nhập”.

Ngoài việc giao rừng cho các hộ gia đình, BQLDA KfW6 Bình Định cũng đã xây dựng được 4 mô hình quản lý rừng cộng đồng với tổng diện tích trên 2.572 ha. Trong đó, huyện Hoài Nhơn xây dựng 1 mô hình tại thôn Định Bình Nam (xã Hoài Đức) với diện tích 1.708 ha; huyện Tây Sơn 3 mô hình tại thôn Phú Mỹ (xã Tây Thuận) và 2 thôn Hòa Thuận, Tiên Thuận (xã Tây Phú) với tổng diện tích trên 862 ha.

Những địa phương thực hiện quản lý rừng cộng đồng được dự án hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, trang bị máy vi tính, máy in, bàn ghế, tủ đựng tài liệu; xây dựng các biển báo và đóng cột mốc bằng bê tông, trồng cây bản địa trên đường ranh giới diện tích rừng cộng đồng quản lý.

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ kinh phí cho HTX lâm nghiệp thôn Phú Mỹ (xã Tây Thuận) xây dựng hạ tầng, trang bị máy móc phục vụ hoạt động SXKD.

“Bên cạnh việc đánh giá quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để bàn giao diện tích rừng cho các tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ dự án quản lý, khai thác theo đúng quy định”, ông Nguyễn Thế Dũng nói.

Đến nay, dự án KfW6 Bình Định có trên 9.125 ha rừng. Huyện Hoài Ân có trên 3.478 ha, Hoài Nhơn trên 1.999 ha và Tây Sơn trên 3.647 ha. Trong đó có 2.812 ha rừng trồng cây bản địa gồm sao đen, dầu rái, lim xanh, dó trầm, keo lá tràm, keo lai và khoanh nuôi tái sinh trên 6.313 ha rừng tự nhiên. 

Theo đó, Bình Định đã cấp 5.657 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông hộ tham gia dự án; mở 5.661 sổ tài khoản cho các nông hộ và cộng đồng tham gia dự án với số tiền gần 32 tỷ đồng, để phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Bình Định kiêm GĐ BQLDA KfW6 phấn khởi cho biết: “Dự án KfW6 Bình Định đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, được Bộ NN-PTNT đánh giá cao”.

Thực tế cho thấy, sau khi được Nhà nước giao rừng, người dân tham gia dự án đã phát huy quyền làm chủ của mình trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý, giám sát, bảo vệ rừng một cách có hiệu quả hơn. Nhờ đó, nhiều cánh rừng đa dạng sinh học được hình thành, vừa góp phần phòng hộ đầu nguồn, vừa giúp cho người dân có thu nhập ổn định từ việc khai thác tận dụng các loại gỗ tạp và các sản phẩm dưới tán rừng.

Mặc dù dự án đã kết thúc, nhưng nhiệm vụ của BQLDA KfW6 Bình Định vẫn tiếp diễn, trong đó đặt nặng công tác đôn đốc các hộ tham gia tiếp tục chăm sóc những diện tích rừng đã được hình thành từ năm 2010-2012 (trên 3.835 ha) và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng đã được hình thành từ khi khởi động dự án đến nay để tiến tới bàn giao rừng. Thống kê, đánh giá chất lượng rừng theo 3 cấp để làm cơ sở bàn giao.

BQL Dự án cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đối chiếu tài khoản tiền gửi cá nhân của các hộ tham gia dự án để có cơ sở quản lý theo đúng quy định; bàn giao tài sản và thành quả của dự án cho đơn vị tiếp nhận..

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất