| Hotline: 0983.970.780

Rừng "kích cầu" NTM

Thứ Năm 19/04/2012 , 09:52 (GMT+7)

Ông Lê Hồng Ngọc, Chủ tịch xã Trường Thủy, phấn khởi: "Bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân ở đây được đổi thay là nhờ trồng rừng và cây cao su".

Đi một vòng quanh xã Trường Thủy (Lệ Thuỷ, Quảng Bình), thấp thoáng giữa những tán cây rừng là những căn nhà kiên cố, hai tầng khang trang. Ông Lê Hồng Ngọc, Chủ tịch xã Trường Thủy, phấn khởi: "Bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân ở đây được đổi thay là nhờ trồng rừng và cây cao su".


Trồng rừng phát triển kinh tế tạo nguồn lực cho xây dựng NMT ở Trường Thủy

Vùng đồi xây dựng NTM

Cách đây gần 15 năm, bà con ở các vùng mới lên lập nghiệp ở một số thôn trong xã Trường Thuỷ như Lục Giang, Lục Sơn... đã như buộc vào lưng những cái khó trên vùng đất mới. Đất đai hoang hoá, trong đó còn lẫn bom đạn thời chiến tranh sót lại. Đường sá lại gập gềnh, hiểm trở. Người nông dân dù đã vắt kiệt mồ hôi, đưa nhiều loại cây trồng, vật nuôi vào sản xuất nhưng hiệu quả vẫn thấp. Vậy nên, một thời gian khá dài, xã vùng đồi này vẫn không thoát được đói nghèo. Nhiều hộ gia đình luôn trong cảnh vay ăn suốt tháng.

Thấy được thế mạnh từ vùng đồi, lãnh đạo xã quyết định chọn cây cao su, cây keo, tràm, thông làm thế mạnh cho địa phương phát triển. Từ chỗ chỉ vài hộ tham gia, đến nay xã có 520 hộ thì đến 90% hộ có rừng và cao su. Sau hơn 10 năm trồng rừng, hiệu quả kinh tế đã mang lại đời sống cao cho người dân Trường Thuỷ. Trung bình thu nhập từ rừng đã đạt đến trên 30 triệu đồng/ha thông nhựa, 40 triệu đồng/ha keo tràm và 50 triệu đồng/ha cao su.

Thấy được hiệu quả rõ rệt từ trồng rừng và cao su nên ở đây gia đình nào trồng ít nhất là 2 ha đến 5 ha; hộ trồng nhiều thì từ 10 - 30 ha. Anh Lê Văn Minh (ở thôn Lục Giang) có trên 50 ha cả keo tràm và cao su, khoe với chúng tôi: "Mỗi năm, gia đình thu về trên 100 triệu đồng. Năm sau chắc tăng gấp đôi và tăng dần lên. Bây giờ bà con ở đây đã có nguồn thu khá vững chắc. Nhà nhiều thì trên trăm triệu, nhà ít cũng được vài ba chục triệu đồng. Vì vậy mà đời sống đi lên rất nhiều. Hướng đi tới giàu có chứ không còn ai thiếu ăn như trước nữa”.

Kinh tế đi lên, bộ mặt nông thôn ngày càng được cải thiện với hệ thống đường giao thông bê tông hoá. Tỷ lệ hộ dân có nhà xây kiên cố và sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền chiếm trên 90%. “Sắp tới chúng tôi còn quy hoạch lại hệ thống giao thông, đưa các tiêu chí xây dựng NTM vào để người dân phấn đấu”, Chủ tịch Lê Hồng Ngọc cho biết.

"Muốn giàu thì làm trang trại"

Anh Phan Văn Đê (ở thôn Lục Giang) nói rằng: “Muốn giàu thì làm trang trại”. Ban đầu lập nghiệp với sức khai phá được 2 ha trồng rừng, rồi theo kinh nghiệm lấy ngắn nuôi dài, gia đình anh đã có trên 12 ha rừng trồng. Mấy năm gàn đây, thu nhập của gia đình từ rừng trồng cũng gần đạt “chỉ tiêu” 100 triệu đồng.

Về thôn Lục Sơn, hỏi thăm trang trại thì mọi người trong thôn giới thiệu đến anh Mai Văn Quý. Mấy năm trước, anh Quý cùng gia đình xung phong nhận khai hoang đất vùng đồi của xã Trường Thủy để phát triển kinh tế. Những ngày đầu như đánh vật với khó khăn, gian khổ. Sáng vắt cơm buộc lưng vác rựa lên đồi phát lau lách, cây dại, đào hố trồng cay. Hết đồi này sang đồi khác, khai hoang đến đâu, gia đình bắt tay vào trồng ngay cao su và cây lâm nghiệp. Vậy là sau hơn 12 năm, những giọt mồ hôi khổ cực của gia đình anh đã được đền đáp xứng đáng bằng một trang trại tổng hợp trù phú với diện tích trên 23 ha.

Nhờ sự kiên trì học hỏi và đầu tư hợp lý mà gia đình anh Quý đã có thu nhập cao từ trồng rừng và cuộc sống trở nên khấm khá. Anh Quý cho hay: "Thu nhập từ trang trại mỗi năm khoảng 250 triệu đồng. Một phần tiếp tục đầu tư cho trang trại, phần để dành cho con cái học hành và tạo dựng đời sống mới cho đầy đủ hơn".

Hiện Trường Thuỷ có trên 1.200 ha rừng trồng, trong đó có gần 550 ha keo tràm, 160 ha thông nhựa, 160 ha cao su và các loại cây lâm nghiệp khác. Ông Lê Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Công tác quản lý, chăm sóc bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các ban ngành cấp xã và các chủ rừng quan tâm. Xã đã thành lập 9 tổ chỉ huy thuộc 9 thôn để bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, người dân cũng đã giám sát chặt chẽ việc khai thác và vận chuyển lâm sản trên địa bàn".
“Đến nay thu nhập bình quân đầu người của Trường Thủy đạt 11 triệu đồng. Con số này so với cả nước thì còn thấp, nhưng với người dân vùng “rừng thiêng nước độc” như Trường Thuỷ thì đó là thành quả đáng ghi nhận. Hiện nay, toàn xã có 30 mô hình trang trại trồng rừng và chăn nuôi kết hợp. Trung bình mỗi trang trại có thu nhập mỗi năm không dưới 100 triệu đồng”, Chủ tịch Ngọc phấn khởi cho biết.

Trong rất nhiều chương trình kinh tế phát triển cây trồng, vật nuôi ở địa phương, Trường Thủy đã rất thành công khi phát triển trồng rừng kinh tế và cao su trên vùng gò đồi. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao cùng một điều kiện địa hình, thổ nhưỡng nhưng Trường Thủy không chọn trồng cao su? Chủ tịch Ngọc lý giải: “Tuy thu nhập từ rừng kinh tế không bằng cây cao su nhưng trồng rừng cho khai thác sớm (từ 4-5 năm), phù hợp với những hộ ít lao động và ít vốn. Cây cao su đòi hỏi chất đất phù hợp với độ phì nhiêu cao hơn, đầu tư lớn gấp 3 lần trồng rừng và thời gian kéo dài (7-8 năm). Vì vậy chỉ phù hợp với những họ gia đình có vốn, có kinh nghiệm. Mặt khác, đây chính là nguồn thu “lấy ngắn nuôi dài” của bà con nông dân. Khi đã tích luỹ được vốn, có kinh nghiệm thì bà con chuyển dần diện tích trồng rừng kinh tế sang cây cao su”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.