| Hotline: 0983.970.780

Rừng lim cổ thụ quý hiếm lại bị đốn hạ giữa thanh thiên bạch nhật

Thứ Ba 29/05/2018 , 07:15 (GMT+7)

Gỗ lim xanh quý hiếm lại vừa bị đốn hạ quy mô lớn giữa thanh thiên bạch nhật tại khu rừng thuộc địa phận thôn Suối Đùm (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)...

Phi vụ đốn hạ gần 16m3 gỗ lim xanh cổ thụ

Sáng 17/5, nhiều người dân thôn Suối Đùm cảm thấy bức xúc khi một nhóm người lạ mặt do Trần Văn Thưởng (công dân xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo) bỗng nhiên rầm rầm kéo đến. Họ mang theo 5 cưa xăng, hai ô tô tải và cả máy cẩu tới khu rừng của ông Nguyễn Văn Đông quản lý (có hộ khẩu tại thôn Suối Đùm) để triệt hạ gỗ lim rừng. Được biết, trước đó ông Đông (chủ rừng) đã ... bán cho ông Thưởng 30 cây gỗ lim xanh, tổng trữ lượng 16m3 gỗ với giá 350 triệu đồng.

06-44-42_lim1
Số lượng lớn gỗ lim là “tang vật” của vụ việc

Nhận được tin báo, UBND xã Đại Đình lập tức điện báo cho UBND huyện Tam Đảo, Phòng NN-PTNT, Hạt Kiểm lâm, công an huyện. Trong 15 phút, các cơ quan trên đều có mặt. Khi đó, nhóm người lạ mặt đã cưa đổ 8 cây gỗ lim. Cây thứ 9 đã cắt được 2/3 gốc. Nhiều cây lim có tuổi đời rất cao. Trong đó, 1 cây đường kính 60cm; 1 cây đường kính 55cm; 2 cây đường kính 50cm, 3 cây đường kính 40 - 45cm,...

Nhiều người dân sống gần đó cho biết, đây là cây lim cổ thụ, đã tồn tại hàng trăm năm. Thậm chí, nhiều cụ già 90 tuổi, tóc bạc phơ cũng không biết chúng mọc lên từ bao giờ. Người dân không ai dám chặt vì biết rằng đây là hàng “quốc cấm”. Nếu bị phát hiện sẽ bị đi tù.

Thế nhưng, khi lực lượng chức năng có mặt, ông Thưởng đã xuất trình các tài liệu liên quan đến việc xác minh nguồn gốc gỗ lim xanh nói trên của Hạt Kiểm lâm Tam Đảo.

Đặc biệt, trong văn bản số 37/KL-SDR ngày 15/5/2018 về việc trả lời đơn xin khai thác cây gỗ lim rừng trồng sản xuất của ông Nguyễn Văn Đông, Hạt Kiểm lâm huyện ghi rõ: “Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đông có đơn xin khai thác gỗ lim rừng trồng sản xuất và khẳng định toàn bộ cây gỗ lim trên đất rừng sản xuất của gia đình trồng, chăm sóc, bảo vệ từ thời ông, cha bằng nguồn vốn tự có cho đến nay. Đối với diện tích rừng này, khi khai thác thực hiện theo điều 6, Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT quy định về Khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản...”.

Nội dung trong văn bản số 37/KL-SDR của Hạt Kiểm lâm do ông Đàm Văn Hải (Hạt trưởng) ký tên chính là “bùa hộ mệnh” để gia đình ông Đông và đối tượng Trần Văn Thưởng thực hiện thương vụ mua bán gỗ quý.
 

Chuyện hoang đường!

Văn bản trên của Hạt Kiểm lâm Tam Đảo đã gây tranh cãi nảy lửa. Bởi trên thực tế, khu rừng lim vừa bị khai thác nằm trên thửa đất số 32, tờ bản đồ số 1, được UBND huyện giao cho ông Nguyễn Văn Căn (hiện do ông Đông là cháu nội thừa kế) vào năm 1996. Hiện trạng khi giao đất 100% diện tích là rừng tự nhiên, trạng thái rừng phục hồi (không hề có rừng trồng).

06-44-42_lim2
Nhiều gốc lim cổ thụ có đường kính rất lớn vừa bị đốn hạ

Vấn đề đặt ra là, với khả năng sinh khối cực thấp, chỉ trong vòng 22 năm (1996 - 2018), một cây lim xanh được trồng mới có thể phát triển đường kính lên tới ϕ60cm hay không? Người dân cho rằng: Nếu thật sự có giống lim như vậy, thì phát hiện này chắc chắn sẽ gây chấn động toàn thế giới, nhất là về lĩnh vực lâm sinh. Các nhà khoa học cần thu thập vật liệu để nhân giống khẩn cấp cung ứng cho sản xuất.

Vậy nếu không có giống lim xanh nào sinh khối nhanh như vậy thì sao? Chúng tôi tìm đến ông Diệp Ánh Nguyệt, nguyên Chủ tịch UBND xã Đại Đình - người ký xác nhận về hiện trạng khi giao đất cho ông Nguyễn Văn Căn năm 1996.

Ông Nguyệt khẳng định: “Trước khi giao khu đất rừng cho ông Căn thì chắc chắn đã có cây lim (tức cây lim đó là tài sản của nhà nước). Thế nhưng Hạt Kiểm lâm lại không thống kê số lượng cây lim vào biên bản bàn giao rừng. Chắc chắn họ đã bỏ lọt, do đó chẳng ai giám sát, kiểm kê. Trước đó trên địa bàn đã xảy ra nhiều trường hợp như vậy rồi”.

Ông Nguyệt cũng cho biết, một cây gỗ lim mà chỉ sau hơn 20 năm đã đạt đường kính lên tới 50 - 60cm là chuyện hoang đường.
 

Xã "nóng" - Hạt "lạnh"?

Ông Trần Thái Sơn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đại Đình chia sẻ rằng: “Nhìn những cây lim chết thực sự rất xót xa. Vì đó là loài cây không phải dễ trồng mà từ xưa để lại”.

Tại hiện trường vụ việc, UBND xã Đại Đình yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động khai thác gỗ tại Suối Đùm. Đồng thời có văn bản đề nghị UBND huyện Tam Đảo chỉ đạo kiểm lâm và các cơ quan liên quan tạm đình chỉ ngay việc khai thác gỗ lim tại thôn Suối Đùm vì cây gỗ lim thuộc nhóm cây gỗ quý hiếm cần được bảo vệ và ông Nguyễn Văn Đông chưa có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép để khai thác gỗ lim.

06-44-42_lim3
Rừng lim xanh ở Đại Đình ngày càng giảm trữ lượng gỗ vì hoạt động phá rừng

Ngày 18/5/2018, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Quý Dương đã có văn bản số 797, trong đó yêu cầu Phòng NN-PTNT chủ trì, tổ chức làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để làm rõ quy trình, thủ tục khai thác, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Công an huyện kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ việc mua bán, khai thác cây gỗ lim ở thôn Suốn Đùm.

Là lực lượng chính quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn nhưng đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện không có động thái gì ngăn cản hành vi khai thác rừng lim xanh của người dân tại thôn Suối Đùm.

Bởi theo lời của vị Hạt trưởng thì: “Đến nay chúng tôi vẫn chưa khẳng định được những cây lim trên là người dân tự trồng hay nhà nhà nước giao”. Thậm chí, khi được UBND xã Đại Đình đề nghị ký xác nhận vào biên bản ghi nhận sự việc khai thác gỗ lim vào sáng 17/5, vị Hạt trưởng Đàm Văn Hải đã từ chối vì cho rằng xã mới là đơn vị chủ trì, còn Hạt chỉ là đơn vị phối hợp.

Nếu UBND xã Đại Đình cũng “sợ trách nhiệm”, không kịp thời tạm đình chỉ hoạt động đốn hạ rừng lim cổ thụ, thì liệu rằng vườn lim 30 cây với lượng gỗ khổng lồ trên có còn ở lại đất Tam Đảo?

Hiện nay, tang vật trong vụ khai thác gỗ lim xanh tại thôn Suối Đùm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đang được vận chuyển khỏi hiện trường, tập kết tại gia đình nhà bà Chinh (cách đó khoảng 300m). Theo ghi nhận của PV NNVN, những thân gỗ lim trên có đường kính rất lớn, thân cây đã bị cắt thành nhiều khúc, chất ngổn ngang như núi trơ trơ giữa màn trời chiếu đất.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất