| Hotline: 0983.970.780

Rùng mình chuyện tăm, đũa tẩm hoá chất

Thứ Năm 29/05/2008 , 07:00 (GMT+7)

Mỗi khi bóc lớp vỏ nilon, lấy ra những que tăm, đôi đũa đều chằn chặn, trắng trẻo, thơm tho, ít ai ngờ chúng được chế biến bằng thứ công nghệ lạnh sống lưng, được ngâm tẩm đủ thứ hoá chất như ôxi già, xút, lưu huỳnh…

Từ những que tăm thơm tho...

Sau khi ngâm tẩm, tăm được phơi khô để lấy màuSau mỗi bữa ăn, tôi thường xỉa răng bằng những que tăm quế vì nom chúng rất sạch sẽ, hợp vệ sinh lại phưng phức mùi hương. Một lần, tôi nghe anh bạn làm ở một Cty liên doanh kể, giọng thảng thốt: “Thằng bạn tôi nhà có làm tăm quế bảo đừng bao giờ dùng loại tăm ấy bởi toàn ngâm tẩm bằng hoá chất độc hại. Mấy người làm trong xưởng nhà nó cũng như ở các xưởng khác trong làng ai nấy đều bị rụng tóc, lông mày, da sần sùi như da cóc bởi nhiễm độc khi ngâm tăm. Hãi quá!”.

Nghe chuyện tôi nửa tin, nửa ngờ, máu nghề báo lại nổi lên, tôi liền làm cuộc hành trình về Quảng Phú Cầu (Ứng Hoà, Hà Tây) nơi nghề làm tăm tre đang rất thịnh. Địa điểm đầu tiên tôi ghé là xưởng của ông Lê Huy Nghĩa kề bên “làng đồng nát” Xà Kiều. Đúng khi mất điện, cả xưởng nghỉ làm, còn duy nhất ông Hụt-người bảo vệ đang loay hoay phơi nốt chỗ que xiên thịt trên cái nền sân xi măng lấm lem.

Ông cởi mở: “Làm tăm, làm que xiên thịt màu trắng ai chẳng làm được nhưng để ra được chất màu vàng ngà ngà rất đẹp này là cả một bí quyết đấy”. Ông nhiệt tình dẫn tôi vào xưởng và bảo: “Tôi trông kho nhưng cũng thường pha phụ gia để ngâm tăm ”. Phụ gia là một lô lốc những can hoá chất màu xanh, trên có ghi chi chít ký hiệu mà ông Hụt bảo là ôxi già (chất sát trùng) và một bao tải xút trắng đục. Vừa nói, ông Hụt vừa thao tác cho tôi xem: “Công thức rất đơn giản là một can ôxi già 32 kg dốc tất vào thùng phi nhựa, cho thêm 2/3 xô nước lã. Nhúng tăm ngập trong hoá chất chừng vài phút rồi dựng vào chiếc chậu thau cho ráo, sau cùng xếp từng lượt vào bể, ép chặt để giữ hơi ủ. Ôxi già khiến cả bể ngâm tăm nóng, khói bốc nghi ngút như cơm sôi, mùi cay hắc xông lên nồng nặc. Còn xút thì pha thêm, cho vào sau theo tỷ lệ ít hơn ôxi già…”.

“Các cơ quan chuyên môn thường chỉ chú ý đến việc kiểm tra vệ sinh của các loại thực phẩm chứ không mấy khi ngó ngàng đến vệ sinh của những dụng cụ đưa thực phẩm vào miệng như tăm tre, đũa ăn”

Đúng lúc đó, có tiếng xe máy ngoài sân, ông Hụt không nhìn ra nhưng vội vã bảo tôi: “Ông Nghĩa về đấy, thôi nhé, có gì cứ hỏi ông ấy”. Dưới danh nghĩa là một người nghiên cứu về nghề làm tăm cổ truyền, tôi đã được ông Nghĩa kể hết chuyện nghề. Ông bảo, chẻ tăm là nghề của làng ông do các cụ để lại nhưng chuyện làm tăm tròn, tăm quế mới có từ năm 1997. Nguyên liệu dùng làm tăm là tre, vầu được đưa vào máy chuốt, chà, cắt đoạn và cuối cùng là đưa vào xưởng tẩy “làm đẹp” cho que tăm rồi đem phơi nắng. “Mỗi tháng xưởng nhà tôi dùng khoảng 2 tấn ôxi già và vài chục kg xút. Chính vì xử lý kỹ nên tăm nhà tôi không bị mốc miếc gì, đảm bảo lắm”. Ngoài dùng xút, ôxi già để tẩy trắng, tránh mốc cho tăm ông còn có pha chế chất gì để tạo màu ngà ngà rất đẹp nữa? Tôi hỏi nhưng ông Nghĩa từ chối trả lời vì…sợ lộ. 

Tôi ra cánh đồng làng, nơi công nhân của ông Nghĩa đang phơi tăm. Chị Hạt- "chuyên gia" pha chế hoá chất ngâm ủ của xưởng bật mí: “Tăm được “tắm” trong bể ôxi già chừng 3-4 tiếng rồi tôi đun nước sôi pha với xút tỷ lệ cứ 1 tạ tăm thì đổ vào 2-3 kg xút. Cái tăm đang đen thế nhưng chỉ nhúng một lần là trắng. Trước đó tăm còn được ông chủ xử lý bằng loại nước hoá chất màu đen, khi trộn với nước ôxi già thì chuyển thành dung dịch màu hồng. Ngâm tăm vào hoá chất ấy, khi phơi nắng tăm có màu vàng ngà như mỡ gà, rất được khách hàng ưa chuộng”.

Xưởng thứ hai tôi tiếp cận được là nhà Chung-Xuyến. Rất không may đang là dịp cơ sở chuyển đổi không làm tăm nữa nên chị chủ xưởng thực lòng: “Dạo này hoá chất tăng giá cao, làm tăm không lãi mấy. Vả lại, làm tăm toàn ngâm tẩm hoá chất nên ảnh hưởng đến sức khoẻ, khiến cho tóc đỏ quạch nên nhà tôi chuyển nghề. Trước ông Nghĩa thời còn trực tiếp pha chế, ngâm ủ, tóc ông ấy cũng đỏ quạch đấy”.

Đến những đôi đũa dùng một lần

Trong những ngày lọ mọ ở làng tăm Hà Tây, tôi tình cờ nghe lỏm được công nghệ làm đũa dùng một lần cũng rất kinh khủng ở Hoà Bình. Máu tò mò nổi lên, tôi tìm đến TP Hoà Bình. Với lợi thế là nơi đổ về của các con đường từ cửa rừng nên thành phố này có rất nhiều xưởng chế biến lâm sản, đặc biệt là đồ tre nứa như đũa, chiếu tre.

Pha chế hóa chất để ngâm tămKhác với que tăm, xử lý trắng cho đũa tốn nhiều hoá chất hơn, do đó để tránh đội giá thành, các chủ xưởng không dùng ôxi già và xút mà thường dùng lưu huỳnh. Khi tôi đến Cty Minh Nguyên, cả khu xưởng đang ầm ĩ máy móc, nền nhà bê bết bụi bặm quện cùng chất đường rỉ ra của tre, nứa đang thời kỳ xử lý. Quy mô của Cty này rất lớn, sử dụng tới 150 lao động, mỗi tháng xuất đi hàng trăm tấn sản phẩm các loại.

Hỏi chị Nguyễn Thị Hạnh-người điều hành sản xuất chuyện dùng lưu huỳnh để tẩy tăm và chống nấm mốc, chị Hạnh gật đầu xác nhận cách đây 2 năm Cty có dùng hoá chất nhưng giờ thôi không dùng nữa: “Lúc đầu chúng tôi dùng lưu huỳnh để tẩy nhưng sau thấy hơi lưu huỳnh bốc lên rỗ thủng hết mái tôn nên sợ. Bây giờ để tẩy, chúng tôi dùng một loại hoá chất khác”. Hỏi tên cũng như ký hiệu hoá chất, chị Hạnh tỏ ra lúng túng và bảo rằng không biết bởi xưởng ngâm tẩm ở tận huyện Đà Bắc. 

Rời Cty Minh Nguyên, tôi sang Cty 26/3. Ông chủ đơn vị đi vắng nên tôi chỉ được người làm công dẫn tham quan một vòng quanh xưởng. Cả xưởng chỉ có duy nhất một máy đóng bao đũa, còn lại chủ yếu là các máy cắt, chẻ, tạo dáng…Anh nhân viên cho biết Cty còn có nhiều máy móc đặt ngay ở vùng nguyên liệu ở huyện Mai Châu hay thậm chí cả ở Thanh Hoá. Chỉ đống can ôxi già chất cao ngút ở góc xưởng, anh bảo: “Chúng tôi xử lý đũa bằng ôxi già chứ không dùng hoá chất nào nữa”.

thùng hoá chất+ Ôxi già khi ở nồng độ rất thấp (dưới 5%) được sử dụng phổ biến để tẩy tóc người. Với nồng độ cao hơn nó có thể làm cháy da khi tiếp xúc. Ở nồng độ thấp (3%), nó được sử dụng trong y học để rửa vết thương và loại bỏ các mô chết. Các dung dịch H2O2 mua từ các cửa hàng thường không thích hợp cho việc áp dụng vào ngành liên quan đến thực phẩm do chúng chứa các hóa chất bổ sung có tính độc hại.

+ Lưu huỳnh thường được sử dụng trong ắc quy, bột giặt, lưu hóa cao su, thuốc diệt nấm và trong sản xuất các phân bón phốtphat.

+ Xút ăn da cũng là một chất sử dụng chủ yếu trong công nghiệp, dùng để tẩy rửa, có qui trình sản xuất nghiêm ngặt mà nếu nồng độ vượt quá, các hoá chất tồn dư có thể gây kích ứng đối với da, niêm mạc và các bệnh về đường tiêu hoá…

Do vậy đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra thực tế xem những hoá chất này có dùng được cho sản xuất tăm, đũa hay không? Nếu dùng được thì với nồng độ, tỷ lệ ra sao để an toàn cho người tiêu dùng?

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm