| Hotline: 0983.970.780

Rùng rợn "cầm đồ thuốc độc"

Thứ Tư 05/06/2013 , 10:10 (GMT+7)

Chưa ai tận mắt nhìn thấy thuốc độc. Chưa ai từng biết người bị nghi “cầm đồ thuốc độc” (đầu độc người khác bằng thuốc độc) ra tay thế nào. Thế nhưng từ xưa đến nay, trước nhiều cái chết bí ẩn, đồng bào dân tộc Hre liền nghi là do người cầm đồ thuốc độc gây ra.

Chưa ai tận mắt nhìn thấy thuốc độc. Chưa ai từng biết người bị nghi “cầm đồ thuốc độc” (đầu độc người khác bằng thuốc độc) ra tay thế nào. Thế nhưng từ xưa đến nay, trước nhiều cái chết mà theo đồng bào dân tộc Hre ở huyện miền núi An Lão (Bình Định) cho là đầy bí ẩn, họ liền nghi là do người cầm đồ thuốc độc gây ra.

Hủ tục đẻ nhiều bi kịch

Qua cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, chúng tôi biết chuyện nghi cầm đồ thuốc độc vẫn đang âm ỉ trong cộng đồng người dân tộc Hre ở An Lão. Chẳng lâu la gì, mới năm ngoái đây thôi (năm 2012), đích thân ông Nguyễn Thanh Tùng phải đứng ra giải quyết một vụ nghi cầm đồ thuốc độc tại thôn 1 xã An Trung, vì UBND xã không thể giải quyết.

Tại thôn 1 xã An Trung có người chết vì bệnh nan y, tuy nhiên theo cái nhìn của người làng, đó là cái chết “bí ẩn” và đổ tội cho một người bị nghi là cầm đồ thuốc độc trong làng gây ra.

Người dân thôn 1 lập tức cô lập người bị nghi và manh nha ý định “loại trừ” ra khỏi cộng đồng. May mà chính quyền cơ sở phát hiện kịp thời, và các ban ngành đồng loạt vào cuộc chứ không thì người bị nghi khó tránh khỏi cái chết oan uổng.


Đời sồng đồng bào Hre ở An Lão còn nhiều cơ cực

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm: “Cũng vào năm 2012, tại thôn 6 xã An Vinh có người chết vì bệnh ung thư. Dân làng nghi do người cầm đồ thuốc độc trong làng gây ra và dự định giết chết người ấy.

Chúng tôi chỉ đạo cho ngành y tế phải nhanh chóng vào cuộc, họp dân, đưa ra chứng minh rằng người kia chết là do bệnh ung thư có xác minh của bệnh viện hẳn hoi chứ không phải chết do cầm đồ thuốc độc. Nhờ đó chuyện mới yên, tính mạng của người bị nghi cầm đồ thuốc độc không bị đe dọa”.

Chưa tính những vụ mới xảy ra trong những năm gần đây, chỉ tính từ năm 2005 đến 2009, trên địa bàn huyện An Lão đã xảy ra 10 vụ nghi cầm đồ thuốc độc với 9 người bị nghi và 42 người tham gia nghi tại các xã An Dũng (2 vụ), An Hưng (5 vụ), An Quang (2 vụ) và An Vinh (1 vụ).

Không chỉ có dân làng mà trong số người tham gia nghi nói trên còn có cả 3 cán bộ xã và 8 đảng viên. Trong số những vụ nghi nói trên, có 4 người bị nghi đã bị các đối tượng tham gia nghi đánh đập, hành hung khiến phải mang thương tích trầm trọng.

Các vụ khác nhờ phát hiện, ngăn chặn kịp thời nên chưa xảy ra sự cố đáng tiếc, tuy nhiên người bị nghi vẫn đang sống trong tình trạng nghi kỵ bủa vây, bị cô lập và sống không yên ổn bởi những lời hăm dọa.

Đến bây giờ, khi kể lại chuyện xảy ra đã lâu rồi, nhưng gương mặt của cô giáo Thao (hiện đang dạy tại trường tiểu học xã An Tân) vẫn còn nguyên nét kinh hoàng: “Khi ấy tôi còn dạy tại xã An Dũng. Trên đường tan học về, tôi bỗng nghe lũ học trò la toáng lên “cô giáo ơi đến xem người bị nhấn chìm dưới sông nè”. Khi ấy mới biết dân làng bỏ một thanh niên bị nghi cầm đồ thuốc độc vào trong rọ rồi nhấn xuống sông để giết”.

Khi chuyển sang dạy ở xã An Trung, cô giáo này tiếp tục chứng kiến những cảnh “xử” những người bị nghi cầm đồ thuốc độc rất dã man. Cô Thao kể: “Trước nhà ông Đinh Văn Nghiêu ở làng Gò Mít, xã An Trung có cây khế to, vào những buổi trưa lũ trẻ trong làng thường leo lên hái quả và nô đùa. Ông Nghiêu vừa không ngủ trưa được, vừa lo lũ trẻ té nên thường quát la.

Tình cờ trong làng có mấy đứa trẻ bị chết, dân làng nghi là do ông Nghiêu cầm đồ thuốc độc, nên rủ nhau vào rừng chặt cây chất quanh nhà ông Nghiêu đốt, ngôi nhà cháy trụi. Chính quyền địa phương phải đưa ông Nghiêu về cơ quan tạm trú để tránh bị dân làng truy sát. Thế nhưng sau đó ông Nghiêu vẫn sống không yên, phải theo về quê vợ ở xã Ân Mỹ (Hoài Ân) tá túc”.

Hoặc như bi kịch xảy ra với anh Đinh Văn Dây ở làng Gò Mít (xã An Trung). Dân làng Gò Mít nghi anh Dây là người cầm đồ thuốc độc với lý do rất lãng xẹt: Anh Dây có lời nói và hành động, việc làm không giống người trong làng (anh Dây là cán bộ của Hạt bảo dưỡng đường bộ huyện An Lão).

Tại đám cưới ở nhà anh Đinh Văn Đẻ, nhiều người đòi giết anh Dây. Để chứng tỏ mình không hề bao che “con ma Dây”, dù đó có là em rể của mình, Đinh Văn Nghĩa, anh vợ của Dây, đã vác dao phay đâm chết Dây ngay tại tiệc cưới. Cả làng Gò Mít cho rằng Nghĩa đã làm thay việc của làng, nên quyết bảo vệ Nghĩa.

 Thậm chí khi ngành chức năng vào cuộc, từ cụ già đến người trẻ trong làng đều đứng ra chịu tội thay cho Đinh Văn Nghĩa.

Nỗi ám ảnh truyền đời

Có thể nói, chuyện nghi cầm đồ thuốc độc hầu như đã ăn sâu vào tâm thức của một bộ phận đồng bào dân tộc Hre ở An Lão. Theo họ, người cầm đồ thuốc độc bào chế thuốc độc từ hàng trăm loại phân chim trộn với một số rễ cây rừng, chôn vào lòng đất, thỉnh thoảng đưa lên cho “ăn” máu gà.


Ngôi mộ của đồng bào dân tộc Hre

Người cầm đồ thuốc độc chỉ cần cho người mình muốn hại tiếp cận với thuốc, nếu ai “cao tay ấn” chỉ cần nhìn thôi là người ấy sẽ lâm trọng bệnh chết ngay.

Cô giáo Thao kể thêm: “Khi tôi về nhận việc tại phân hiệu tiểu học Gò Đồn thuộc xã An Tân, ông Bí thư Đảng ủy xã dặn tôi là nếu có việc gì cần liên hệ với chính quyền, nên liên hệ trực tiếp với UBND xã hoặc Đảng ủy xã chứ đừng hỏi han gì với ông thôn trưởng.

Sau đó tôi nghe dân làng bảo rằng ông thôn trưởng chính là người cầm đồ thuộc độc. Họ còn dặn tôi đừng bao giờ gặp gỡ, trò chuyện với ông thôn trưởng, nhất khi đôi mắt của người ấy đỏ lên. Bởi nếu lúc ấy mình xấu máu (sức khỏe yếu) thì sẽ bị “con ma” trong người kia ăn mất, sẽ đổ bệnh mà chết”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định thêm: “Tư tưởng nghi kỵ cầm đồ thuốc độc còn tiềm ẩn sâu trong tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc Hre. Khi chính quyền địa phương vào cuộc, chỉ đạo các ban ngành liên qua tổ chức tuyên truyền gắt gao thì tư tưởng kia lắng xuống, nhưng không mất đi.

Hễ khi trong làng có cái chết bất thường xảy ra thì lập tức mối nghi kỵ trỗi dậy, và người bị nghi cầm đồ thuốc độc lập tức bị người làng xử ngay. Do đó, năm nào cũng xảy ra những vụ nghi mới, thậm chí có những vụ nghi cũ đã được giải quyết ổn thỏa vẫn bị tái nghi”.

"Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện An Lão xảy ra quá nhiều người chết vì các bệnh ung thư, có ngày có đến 2 ca bệnh tử vong. Trong chiến tranh, núi rừng An Lão đã hứng không biết bao nhiêu thuốc khai hoang, không biết đó có phải là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cho người dân ở đây. Chúng tôi đề nghị ngành y tế tỉnh cử đoàn công tác về nghiên cứu về nguồn nước, về chất đất để có giải pháp phòng trừ", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện An Lão.

Qua một chuyến rong ruổi vào sâu trong các bản làng đồng bào dân tộc Hre ở An Lão, chúng tôi còn nhận ra một điều: rượu chính là chất xúc tác kích thích cho tư tưởng nghi kỵ trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, hiện nay, rượu là một nhu cầu không thể thiếu của số đông đồng bào dân tộc Hre ở An Lão.

Mỗi chiều về, trên những hiên nhà sàn, từng nhóm người già có, trẻ có, tụ tập quanh chai rượu là hình ảnh rất thường thấy. Khi rượu đã “tiếp lửa” vào bụng, nhiều người bỗng bật ra kiểu nói “trổ trời”, thậm chí còn nhận vào mình những khả năng vốn mình không có mà hiện nay người ta thường minh họa là kiểu nói “chém gió”. Người này bỗng trở nên bất thường trong mắt những người xung quanh, làm dấy lên mối nghi kỵ.

Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ nghiêm trọng xảy ra trước đây, pháp luật đã bị hủ tục vô hiệu hóa khi cả cộng đồng đứng ra bao che cho người vi phạm, thậm chí đó là hành vi giết người. Do đó, trong kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn nghi cầm đồ thuốc độc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của UBND huyện An Lão vừa xây dựng đã có kiên quyết hơn đối với những đối tượng vi phạm.

“Đối với các vụ nghi cầm đồ thuốc độc, các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính hoặc phạm tội hình sự, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho ngành chức năng điều tra, xác minh, kết luận mức độ vi phạm và kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật. Nếu cán bộ, đảng viên tham gia nghi kỵ, chúng tôi sẽ càng xử lý kiên quyết hơn nữa”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.