| Hotline: 0983.970.780

Rừng thiêng của làng

Thứ Năm 02/01/2014 , 09:18 (GMT+7)

Ông Võ Văn Thuyên - Trưởng thôn Đông Thành (xã Nam Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) nói như khoe: Làng tôi có khu rừng hàng trăm năm tuổi rồi...

Ông Võ Văn Thuyên - Trưởng thôn Đông Thành (xã Nam Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) nói như khoe: Làng tôi có khu rừng hàng trăm năm tuổi rồi. Nói về làng có rừng thì nhiều lắm, nhưng làng tôi có cái đặc biệt là rừng nằm ở vùng đồng bằng, xung quanh là đất ruộng. Vậy nên mới là sự lạ. Có khi đây là rừng nguyên sinh duy nhất nằm giữa lòng khu dân cư. Có điều chi bực bội thì vô rừng đi một vòng là tan hết cái nóng trong người luôn.

Như cổ tích

Thôn Đông Thành chỉ nằm cách QL1A chưa đến chục cây số. Mấy ngôi nhà ngói nằm sát với rừng. Nhà mệ Lê Thị Thuỳnh (năm nay 75 tuổi) chỉ cách rừng chừng mươi chục bước chân. Mệ dẫn mấy anh em chúng tôi đi băng qua vườn ra sau hồi nhà, lên một vùng đất rộng hơn hai sào.

Trên đó, hơn chục cây gỗ huỵnh thẳng đứng cao hàng chục mét và thân to gần choàng tay ôm của người lớn. Mệ Thuỳnh chỉ tay ra vùng đất ở giữa kể: “Ngày xưa ở đây có ngôi chùa. Chùa không biết xây từ đời nào, tui lớn lên đã thấy, nghe cha nói là từ đời ông nội đã có chùa này rồi. Ngày tui còn nhỏ, cứ có mưa to, gió bão là bà con trong thôn kéo nhau lên chùa trú cho an toàn.

Thời giặc Pháp càn quét thì chúng đốt chùa đến bảy lượt thành ra mất hết dấu tích”. Cũng theo lời mệ Thuỳnh thì sau lưng chùa là rừng nên khu rừng này có tên gọi là rừng Lòi Chùa. Cả trăm năm qua nhiều binh lửa, rừng Lòi Chùa cứ bị thu hẹp dần và cho đến nay diện tích còn khoảng hơn năm cây số vuông.


Đường vào rừng Lòi Chùa

Vết tích ngôi chùa chỉ còn lại hàng móng đá chìm dưới đất, năm ngoái có người đào đất trồng cây mới gặp phải. “Sau lưng chùa có cây đa to lắm, gốc đến mấy người ôm không hết. Cách đây mấy năm, cơn bão lớn làm gãy đổ mất rồi” - mệ Thuỳnh kể trong sự nuối tiếc.

Nhiều người dân thôn Đông Thành còn nhớ như in những năm tháng đánh Mỹ. Ông Thuyên trầm lắng: “Hồi đó, máy bay Mỹ thả bom rực trời, nhưng bà con chẳng lấy làm sợ. Ban ngày cứ ra đồng, trẻ con thì được ngồi hầm trú ẩn. Hầm được làm trong rừng, máy bay Mỹ có liệng mấy chục vòng cũng không phát hiện ra. Làm hầm trong rừng, nhưng bà con không phá rừng mô. Ai cũng ra sức bảo vệ”.

Những năm tháng đó, rừng Lòi Chùa cũng là nơi để bộ đội hành quân vào Nam chiến đấu chọn làm địa điểm trú chân. Người thôn Đông Thành thương các anh lính trẻ như con em của mình, nhường hầm trú ẩn tốt nhất cho bộ đội ngủ nghỉ. Cũng có thời kỳ, nhiều cơ quan hành chính của huyện, tỉnh sơ tán về rừng Lòi Chùa để làm việc. Khi đó, người dân Đông Thành tự hào lắm.

Tình quân dân thấm đậm dưới tán rừng già. “Bây giờ vô rừng thấy những hố to, hố nhỏ hay vệt hằn trên đất chạy ngoằn nghoèo là dấu tích của những trận địa, nhà phòng chiến, kho vũ khí, đường giao thông hào thời chống Mỹ để lại đó” - ông Thuyên nói thêm. Cũng có nhiều cựu binh từng đi qua rừng Lòi Chùa vào mặt trận đã trở lại. Họ ra rừng, đứng bên cạnh cây gỗ huỵnh, bên cạnh chiếc hố dấu tích ngôi hầm mà rưng rưng nước mắt…

Để rừng không là hoài niệm

“Đi vô rừng hè” - ông Thuyên giục chúng tôi. Rừng Lòi Chùa nằm trên khu đồi thấp, phía tây rừng liền kề với hồ nước rộng. Đi vào rừng, có nhiều con đường mòn nhỏ xuyên qua. Từ bìa rừng, ngước mắt lên những hàng cây tán ngờm ngợp đứng thẳng.


Một góc rừng Lòi Chùa

Ông Thuyên bước tới bên một cây thẳng đứng vỗ bồm bộp vào thân cây: "Giống này là huỵnh đấy. Gỗ huỵnh tốt có tiếng, chẳng sợ mối mọt đâu. Trước đây, gỗ huỵnh được xem là thứ nhất về đóng tàu thuyền hay gỗ làm nhà. Nhưng bây giờ hiếm đi rồi. Hàng trăm cây huỵnh ở đây đều có tuổi năm bảy chục năm hay trên trăm cả rồi. Cây gỗ này như là báu vật của làng”. Ngoài huỵnh còn nhiều loại cây như đa đa, lả lả, trám, bài lài, phao lái… với trường dài suýt soát hai chục mét.

Đi sâu vào rừng không xa lắm, ông Thuyên vạch đường dẫn chúng tôi đến bên cây lả lả gốc to khoảng hai người ôm. Những vè gốc cây chạy xìa ra tựa như nét uốn của chân cột tháp nhỏ. “Bữa mùa hè, cây này có đến ba tổ ong mật đấy" - tiếng ông Thuyên vang vang trong tiếng gió lùa qua rừng. Chỉ trừ những lối đi nhỏ, còn lại rừng cũng khá chằng chịt cây dây leo, bụi gai.


Cây lả lả cổ thụ

Chàng thanh niên có tên Cu Long đi theo chúng tôi thích khám phá hay vạch đường đi một mình, chui hết vào bụi rậm này đến đám dây chằng nọ. Lần này, đến bên gốc cây lả lả làm chuẩn, Cu Long cắt một đường thẳng lên hướng đỉnh đồi nơi có cụm cây đứng sừng sững. Chừng mươi phút sau đã nghe cu cậu hét váng lên: “Hú hú, chui vào đám gai rồi, đến kéo cháu ra với”.

Mọi người cười váng lên, đứng đợi. Lát sau, cu cậu ào ào vạch cây rừng đi tới. Mình mẩy mướt mồ hôi, tay bị mấy vết gai rừng xước vào, rớm máu. Cũng chẳng thấy mệt, chỉ thấy cu cậu toét miệng cười: “May quá, đi một mình chắc lạc rừng mất”.

Xế trưa, chúng tôi ra khỏi rừng. Chỉ mấy bước chân là vào nhà ông Võ Văn Chung ở xóm sát bìa rừng. Ông Chung vắng nhà, bà Dĩnh vợ ông đon đả mời khách uống bát nước chè rồi mở tủ bê thẩu rượu ngâm ra đãi khách, bà lởi xởi: "Rượu ngâm với tổ ong mật đó. Bữa trước, ông nhà tui vô thăm rừng phát hiện được tổ ong nên lấy về. Vắt được gần hai lít mật, phần tổ và sáp ni thì ngâm rượu. Bổ lắm”.

Chẳng biết rượu ngâm tổ ong có bổ gì hay không, nhưng làm chén rượu vào ai cũng thấy lâng lâng, phấn chấn. Bà Dĩnh bảo: “Cả xóm, cả thôn ai cũng bảo vệ rừng như là của mình vậy. Rứa nên mới giữ được rừng nguyên vậy chớ. Bà con ai vào kiếm củi cũng chỉ nhặt cành khô gãy chứ không động dao rựa vào cây xanh. Ông nhà tui lâu lâu lại vô rừng kiểm tra. Ông còn kiếm cây huỵnh con trồng ở bìa rừng hoặc trồng ở chỗ rừng còn ít cây lớn để cho nó phát triển lên”.

Hỏi ở gần rừng có vui không, bà Dĩnh cười: "Vui lắm chớ. Năm nào học sinh trường chuyên nghiệp của tỉnh cũng thực tập về rừng ở hàng tuần. Hay nhiều thanh niên đoàn viên tổ chức vào thăm rừng, đi chơi theo nhóm bạn bè ghé lại nhà xin nước uống. Bữa trước, đám sóc trong rừng còn lẻn vào nhà bê hết trứng hai mẹ gà ấp của tui nữa chớ”.

Bà Dĩnh còn kể thêm chuyện nuôi gà nhưng bị họ hàng nhà chồn sinh sống trong rừng ra bắt trộm liên tục. “Sao mọi người không đặt bẫy hở bà” - chúng tôi hỏi. “Có chớ - bà Dĩnh trả lời - mấy đứa cháu cùng ông nhà đặt bẫy còn bắt được cả sóc hay cáo chồn chi nữa. Nhưng sau này ai cũng nói để cho chúng phát triển ở trong rừng với chim chóc nên thôi không làm bẫy nữa. Giờ thì phải làm chuồng gà cho chắc chắn thôi”.

Rời nhà ông Chung, trưởng thôn Thuyên dẫn mọi người về trụ sở nhà văn hóa thôn. “Ở đó có cụm gần hai chục cây huỵnh cổ thụ đẹp lắm” - ông Thuyên giới thiệu. Cụm cây huỵnh lớn nằm ở gò đất cao sát với nhà văn hóa thôn, thân thẳng vút. “Mỗi lần có cuộc sinh hoạt tập thể hay hội họp là mọi người kéo nhau ra dưới tán mát rượi của cụm cây huỵnh này như thưởng thức lộc trời ban và công giữ gìn của các thế hệ người làng” - ông Thuyên hồ hởi. 

Đợt cơn bão lớn lịch sử tràn qua vùng đất này, rừng Lòi Chùa ưỡn ngực chắn gió bão. Nhờ vậy, nhà cửa của người dân thôn Đông Thành ít bị thiệt hại. Nhưng cây rừng thì bị gãy đổ khá nhiều. Tán rừng xơ xác hơn. Chim muông cũng dạt đi nơi khác. Người dân Đông Thành nhìn rừng vừa thương vừa tiếc.

“Nhưng sang xuân là rừng lên lộc mới, rồi rừng lại khép tán như một chiếc ô khổng lồ và chim chóc lại kéo nhau về làm tổ” - ông Thuyên nói giọng chắc nịch.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất