Huyện Mù Cang Chải nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái có tổng diện tích tự nhiên 119.773ha, thập niên 80 của thế kỷ trước, nơi đây được mệnh danh là “chảo lửa cháy rừng”.
Vào mùa khô, lửa cháy ngùn ngụt cả tháng trời, hàng nghìn ha rừng biến khỏi mặt đất. Đã có hai thế hệ trồng và bảo vệ rừng, một người đã hy sinh cho màu xanh của rừng, với khát vọng: Rừng xanh sẽ phủ khắp Mù Cang Chải…
Người liệt sĩ đã hy sinh trong trận cháy rừng mùa khô năm 1980 là chị Phạm Thị Tiến đã được nhiều người trồng rừng nơi đây kể lại trong nhưng năm gian khó nhất của việc trồng và giữa rừng ở Mù Cang Chải.
Đầu tháng 4/1980 đang vào cuối mùa khô trời nắng và gió, lửa đốt nương tràn qua đường ranh cản lửa bén vào khu rừng thông Nả Háng Tâu, lửa cháy rất mạnh và lan ra rất nhanh, chỉ trong chốc lát vòng cung lửa đã thít ngang núi, gió càng làm cho ngọn lửa bốc cao hơn.
“Con trăn lửa” càng trở nên hung hãn và dữ tợn, nó quăng mình từ trên sườn núi xuống rồi lại từ lòng thung vượt lên như muốn nuốt chửng lấy cánh rừng thông hình tháp.
Sau một hồi kẻng, tất cả mọi người đều đổ cả lên rừng họ phát một đường ranh cản lửa mới chặn phía trước không để ngọn lửa băng qua.
Chị Phạm Thị Tiến là y tá của lâm trường vừa sinh con được hơn một tháng, chị không thể ngồi yên khi thấy rừng đang bốc cháy, chị quấn con đặt xuống giường rồi lao theo mọi người lên rừng dập lửa.
Một trận gió xoáy tràn qua bốc cả một mảng cỏ tranh đang ngùn ngụt cháy quăng lên sườn núi phía sau chị, luồng gió bị hai sườn núi ép lại thổi bùng ngọn lửa bốc cao tạo ra một đám cháy lớn khác. Mọi người thét lên khản cả giọng: Chạy đi! Chạy đi Tiến ơi! Lửa đang cháy ở phía sau đấy…
Chẳng biết Tiến có nghe được những tiếng thét gọi ấy không, khi chị quay lại thì đã muộn, ngọn lửa quây chặt lấy chị tứ bề.
Đôi chân của người phụ nữ mới sinh suốt mấy tiếng đồng hồ chạy dập lửa trên các triền núi lúc ấy đã kiệt sức không thể nào đứng lên nổi, sóng lửa trùm lên nuốt chửng lấy toàn thân chị.
Tới tận nửa đêm ngọn lửa cháy rừng mới tắt, gần 100ha rừng thông bản Nả Hang Tâu và Mí Háng Tâu bị lửa thiêu trụi.
Đêm ấy, mọi người ngước nhìn lên núi những cây thông cháy đỏ lập lòe nom như những nén hương cắm rải rác khắp các triền núi như thể tưởng niệm người phụ nữ vừa hy sinh cho màu xanh của rừng…
Hai bản người Mông đầu tiên là Mí Háng Tâu và Nả Háng Tâu vào lâm trường, giám đốc khi đó là ông Lâm Phúc Cố cùng với cán bộ của lâm trường đã tới từng nhà giải thích và trả lời từng câu hỏi của bà con, vận động bà con vào lâm trường.
Điều mà ông Cố rút ra sau những trận cháy rừng: Chỉ những người dân địa phương ở đây họ mới chính là người giữ rừng khi rừng mang lại cuộc sống no đủ cho họ.
Cuộc sống của hai bản Mí Háng Tâu và Nả Háng Tâu dần dần khá lên, mùa đến nhà nào cũng rủng rỉnh lúa ngô, tiền lương họ dành mua đài, sắm xe, con cái họ đi học đều biết chữ, “con ma” không đến bắt họ ốm đau như nhiều năm trước…
Họ bảo nhau: Ta vào lâm trường thôi, nhà nước bán cho ta gạo ăn, lại cho tiền trồng rừng nữa, ốm đau đi viện không mất tiền…
Thế là người Háng Cơ Pua, Dế Xu Phình, Nậm Khắt, La Pán Tẩn rủ nhau vào lâm trường. Khi ấy công nhân của lâm trường có hai trăm bảy mươi người thì công nhân người Mông là hai trăm người.
Năm 2006 lâm trường Púng Luông chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải và được giao quản lý 55.567ha rừng, trong đó có 11.199ha rừng trồng, 29.655ha rừng tự nhiên, đất trống đồi núi trọc để trồng, khoanh nuôi tái sinh 14.713ha.
Đây là diện tích rừng thông xung yếu bậc nhất tỉnh Yên Bái và cũng là khu rừng thông lớn nhất vùng núi Tây Bắc nằm trên độ cao từ 1.500 - 2.900m.
Vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước người ta thống kê mỗi mùa khô Mù Cang Chải xảy ra hàng trăm, thậm chí có năm tới cả nghìn vụ cháy rừng lớn nhỏ khiến cả một vùng đồi núi mênh mông trọc lốc.
Mùa khô những trận gió Lào thổi ràn rạt, ai đã từng sống ở Mù Cang Chải những năm đó đều cảm thấy cái nóng hầm hập của mùa khô, nhiều người không chịu nổi đổ cả máu cam.
Năm 2018, sáp nhập thêm Lâm trường Văn Chấn vào Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải hiện được giao quản lý 63.220ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 53.098ha rừng, gồm: Rừng tự nhiên là 38.940ha, rừng trồng là 14.158ha.
Đây là nơi dự trữ sinh quyển và nguồn nước cung cấp các con sông, con suối: Sông Đà, Nậm Mu, Nậm Kim, Ngòi Hút, Nậm Tha… nơi đặt nhiều nhà máy thủy điện công suất lớn: Hòa Bình, Sơn La, Huổi Quảng, Nậm Kim, Khao Mang Thượng, Khao Mang Hạ, Hồ Bốn, Hút I, Hút II, Nậm Chiến (Sơn La)… và các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên đèo Khau Phạ.
Nhờ có rừng giữ nước, nên nhiều cánh đồng ở Mù Cang Chải cấy được hai vụ lúa, vụ xuân 2019 Mù Cang Chải cấy 1.800ha trên tổng diện tích ruộng 3.640ha, đây là điều cách nay 20 năm không mấy người dám mơ ước.
Ngoài ra, người dân nhận khoán bảo vệ rừng còn được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 800.000 đồng/ha. Năm 2019, Ban Quản lý rừng Mù Cang Chải chi trả 48,8 tỷ đồng cho người dân bảo vệ rừng, đây là số tiền không nhỏ đối với người dân vùng cao nơi đây.
Vàng A Rùa - cán bộ Ban quản lý rừng được giao quản lý 5.420,5ha khu vực xã Nậm Khắt. Rùa cho biết, rừng được giao khoán cho 1.045 hộ gia đình, cá nhân bảo vệ được chia theo 9 nhóm hộ.
Người bảo vệ rừng khu vực xã Nậm Khắt được nhận 720.000 đồng/ha tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, hộ nhận nhiều nhất 10ha. Do giao khoán đến từng hộ, nên rừng khu vực Năm Khắt không bị cháy. Nhiều cánh rừng trồng từ năm 1975, mặc dù đã 45 năm cây to bằng người ôm chưa phải chịu một lần cháy rừng.
Trưởng bản Lả Khắt là Thào A Của dẫn tới tôi khu rừng giáp ranh với tỉnh Sơn La, cách đây 20 năm trước rừng nơi này cháy triền miên. Ban quản lý rừng giao khoán cho 114 hộ dân bản Lả Khắt bảo vệ 226ha rừng tự nhiên, 306ha rừng trồng.
Vì giao rừng cho dân, nên hơn 10 năm qua khu vực Lả Khắt không xảy ra một trận cháy rừng nào. Đang vào mùa mưa, nhìn những cánh rừng thông xanh mướt mải chạy ngút tầm mắt dưới đèo Khau Phạ đó là công sức của nhiều thế hệ đã xây dựng nên, họ không chỉ đổ mồ hôi mà cả máu của mình nữa.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái, nguyên Giám đốc lâm trường Púng Luông: "Nhiều năm nay rừng Mù Cang Chải không bị đốt phá như mấy chục năm trước, đó là khi rừng đã mang lại lợi ích cho chính cuộc sống của người dân vùng cao nơi đây. Rừng được như ngày hôm nay là công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, công nhân lâm trường và bà con các dân tộc Mù Cang Chải…".