| Hotline: 0983.970.780

Rước họa về nước!

Chủ Nhật 15/01/2012 , 10:18 (GMT+7)

Nếu bên Trung Quốc, chợ Lũng Vài là “tổng kho” của gà thải loại, thì ở Lạng Sơn, thôn Khuổi Mười, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc được giới buôn gán cho cái tên “đại bản doanh” của gà lậu.

Nếu bên Trung Quốc, chợ Lũng Vài là “tổng kho” của gà thải loại, thì ở Lạng Sơn, thôn Khuổi Mười, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc được giới buôn gán cho cái tên “đại bản doanh” của gà lậu. Gà được nhập lậu từ Lũng Vài, tập kết ở đây rồi mới tỏa đi khắp nơi…

>> Gà “chạy bộ” qua biên giới

Vị trí “đắc địa”

Thực ra, huyện Cao Lộc nằm cách không bao xa trung tâm thị trấn Đồng Đăng, chỉ có khoảng hơn 4km về phía TP Lạng Sơn. Nhưng xã Thụy Hùng, đặc biệt là thôn Khuổi Mười của xã này, thì lại được coi là có vị trí đắc địa trong việc “tuồn” hàng từ bên kia biên giới về Việt Nam. Nằm sau mấy quả núi san sát, Khuổi Mười được ôm trọn bởi núi và rừng, lại chỉ có vài bước chân là sang đất Trung Quốc, nên có thể đảm bảo an toàn cho dân buôn lậu.

Theo đề nghị của tôi, H., dân buôn đã từng dẫn tôi sang chợ Lũng Vài, lại tiếp tục cho tôi “bám càng” vào làng Khuổi Mười. Con đường sạch sẽ, nhưng khá nhỏ hẹp khiến tôi tự hỏi rằng, nếu ô tô tải vào đây “ăn” hàng, thì không biết sẽ phải xoay xở thế nào để đi lại trên con đường này. Câu trả lời ngay lập tức được H. đưa ra: “Gà không được chuyển bằng ô tô từ làng này, bởi đi ô tô sẽ lộ ngay. Tất cả đều được “tăng bo” bằng xe máy, hoặc thuê dân gánh đi bộ”.

Gà lậu tập kết ở Khuổi Mười…

Chúng tôi tiến sâu vào làng qua con đường nhỏ hẹp dài khoảng 3km. Con đường độc đạo dẫn vào làng thì nhỏ, nhưng vào trong, một không gian rộng rãi mở ra với hàng chục ngôi nhà rất lạ. Tất cả đều lụp xụp, lợp bằng lá nhưng rộng rãi, nằm xen kẽ trên đồi. Từ đây, hàng chục các con hẻm dẫn về phía cuối làng, nơi dẫn ra khu Lò Luồng và “cửa khẩu” Bảo Lâm nối với đất Trung Quốc. “Nếu bị lực lượng chức năng Việt Nam truy quét, rất dễ dàng để chủ buôn tẩu tán gà lậu sang bên kia biên giới bằng nhiều con đường khác nhau”, tôi thầm nghĩ.

H. dẫn tôi vào nhà một người dân bản địa, tên là Lung, dân tộc Tày. Đây là nơi mà hắn hay “ăn” hàng. Nhà Lung thực ra là một cái kho rộng chừng 400m2, bốn bề được rào dậu cẩn thận. Để tăng thêm tính an toàn, Lung nuôi thêm 4 chú chó hung dữ để trông nhà. Trên nền nhà, lổng chổng là lồng, bu gà và trấu vương vãi khắp nơi. Lung bảo với H., hôm nay không còn nhiều hàng, vì hơn 3 tấn gà vừa “về xuôi” hôm qua rồi. “Nếu chờ được, thì nhanh nhất cũng phải tối, hoặc sáng hôm sau mới có”, Lung nói.

H. bảo, cả làng Khuổi Mười này có khoảng 30 hộ có “kho chứa gà” như nhà Lung. “Ở đây cả làng “làm gà”, nếu không có vốn đi buôn thì cũng có kho cho thuê, như nhà bà Toàn, hoặc không có gì thì đi gánh gà thuê từ bên kia về, rồi gánh ra quốc lộ cho xe từ dưới xuôi lên lấy hàng. “Sao xanh” khó bắt người dân lắm, vì nếu bắt thì bắt cả làng. Ở đây mà không “làm gà” mới gọi là… hâm”, H. nói.

Từ vài năm trở lại đây, sau khi hàng loạt tụ điểm buôn lậu như Hang Dơi, Thác Ném, Dốc Quýt… bị bại lộ thì Khuổi Mười đã nổi lên như một “sào huyệt” buôn lậu mới của Lạng Sơn. Hiện nay, Khuổi Mười đang được mệnh danh là “đại bản doanh” của hàng lậu. Phần lớn gà, vịt trước khi chạy sâu vào khắp nội địa, biến thành gà ta, gà thường đều phải thông qua cửa ngõ này.

Lãi to nhưng “tội bé”

Vì mải mê buôn gà lậu, nên ruộng vườn của dân làng Khuổi Mười bỏ hoang từ nhiều năm nay. Anh Hứa Văn Hữu, 41 tuổi, người trong làng, cười hóm hỉnh: “Dân làng này đâu có sống bằng cây lúa. Cuối năm, cả làng đều đi buôn...”.

Buổi trưa ở Khuổi Mười là “giờ vàng” cho hoạt động vận chuyển gà lậu. Trên sườn núi, lũ lượt hàng đoàn người gánh, vác gà lậu trở về từ bên kia biên giới. Thành phần cửu vạn có đủ người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà. Yếu thì gánh 30kg, khỏe thì gánh 50-70kg. Dân buôn lậu Khuổi Mười cũng có lịch trình hoạt động rất rõ ràng. Hằng ngày, cứ 8-9 giờ sáng, cả làng gồm hàng trăm người lại tay xách nách mang lồng không sọt trống lên biên giới. Người đi “chính ngạch” thì vượt biên giới bằng giấy thông hành. Người không có giấy thông hành thì lẩn trốn. Sau đó, cả làng vắng teo. Cho đến 12 giờ trưa thì các lồng chứa căng ních gà mới lũ lượt trở về. Toàn bộ “hàng” được tống ngay vào kho, đợi đến tối sẩm mới bốc ra đường để chờ xe đến tuồn về xuôi.

… rồi được gồng gánh ra ô tô về xuôi

“Buôn lậu gà Trung Quốc lãi to nhưng lại “bé tội”. Chỉ cần mỗi tháng trót lọt chục chuyến là ấm thân. Trong trường hợp có bị bắt thì cũng chỉ bị thu hàng, xử phạt hành chính vài triệu đồng, buôn chuyến sau là gỡ lại được. Chuyến nào bị bắt nhiều hàng, phạt nặng thì càng phải “rút kinh nghiệm” lần sau cẩn thận hơn, lách khéo hơn và phải buôn to hơn để... bù lỗ chuyến trước”, H. cho tôi biết.

+ Ông Đào Công Ngọc, Trạm phó Trạm Biên phòng Cốc Nam, Đồn Biên phòng Tân Thanh, cho biết:

Cửu vạn rất manh động, họ sẵn sàng chống trả lại anh em chiến sĩ làm nhiệm vụ. Có lần chúng tôi bắt được một số lượng lớn hàng lậu trên đường mòn. Cứ 3 người phụ nữ ôm lấy một chiến sĩ tạo điều kiện cho các đối tượng khác cướp hàng chạy. Lực lượng trong đồn mỏng, đội ngũ “chim lợn” dày đặc và đông gấp nhiều lần. Biên phòng rình buôn lậu, nhưng “chim lợn” rình chúng tôi còn nhiều hơn.

+ Ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn, cho hay:

Trong năm 2011, cơ quan này đã phát hiện gần 120 vụ liên quan đến vận chuyển, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phạt vi phạm hành chính 196,2 triệu đồng, tịch thu hàng hoá trị giá trên 2,43 tỷ đồng. Tính ra, cứ 3 ngày có một vụ buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện.

Tại trụ sở UBND xã Thụy Hùng, một vị lãnh đạo xã (xin được giấu tên), khẳng định, cả thôn Khuổi Mười có hơn 250 nhân khẩu, thì có tới 90% người dân tham gia vào những đường dây buôn gà từ bên kia biên giới về. Chính quyền liên tục vận động họ bỏ buôn lậu, nhưng chẳng ai chịu. Bởi vì, lợi nhuận từ gà lậu rất cao. Cứ mang được mỗi con gà từ bên kia núi về “đại bản doanh” tập kết là được nhận 4.000 đồng. Mỗi ngày, tằng tằng mỗi người cũng có 100.000 đồng đút túi.

Theo vị lãnh đạo này, lợi dụng địa bàn hiểm trở, có nhiều đường mòn, lối tắt và do lợi nhuận thu được quá lớn, lãi gần gấp đôi, nếu bị bắt cũng chỉ xử phạt hành chính nên các chủ hàng thường xuyên thuê cư dân biên giới và nhiều người dân ở các nơi khác đến vận chuyển gia cầm nhập lậu bất kể ngày đêm, gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu và nhất là gia cầm nhập lậu.

Hai thôn Khuổi Mười và Tam Lung có hơn 135 hộ dân làm nông nghiệp thì người dân chủ yếu đi gánh gà lậu thuê cho các chủ hàng. Bên cạnh đó, còn rất nhiều người dân nơi khác cũng đi gánh gà lậu thuê nên chính quyền khó kiểm soát nổi. Mặc dù các hộ dân đã ký cam kết không tiếp tay cho các chủ hàng nhưng vì cuộc sống còn khó khăn nên nhiều hộ vẫn lén đi.

Không có biện pháp chống buôn lậu ở đây, e rằng làng này chính là nơi rước họa cúm gia cầm về nước!

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.