| Hotline: 0983.970.780

Ruộng đồng mặn như… nước biển, cá, tôm sạch bóng

Thứ Năm 05/10/2017 , 15:05 (GMT+7)

Tuyến đê ngăn mặn tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, vốn đã xuống cấp nên không chịu đựng được sức triều lớn trong bão nên bị vỡ toác nhiều đoạn. Nước biển mặn tràn vào phủ hơn 100 ha nuôi thủy sản...

Cánh đồng đầu làng Yên Phúc (phường Quảng Phúc - thị xã Ba Đồn - Quảng Bình) rộng hơn chục ha. Ruộng trong giai đoạn chuẩn bị làm đất cho vụ ĐX. Nếu như năm trước, gốc lúa lên tái sinh, trổ bông, bà con tranh thủ bứt về cho trâu bò ăn. Nay cả cánh đồng lúa xuộm, gốc lúa chết cháy.

Ông Nguyễn Ngọc Xanh (thôn Yên Phúc) lội xuống ruộng nhổ một nắm gốc lúa lên xem rồi giải thích: “Khi bão số 10 đổ bộ, thủy triều dâng cao làm nước biển tràn qua đê chắn ven sông và tràn vào ruộng. Cá, ốc… chết trước, cây lúa chết sau. Người dân lo lắm, không biết có làm được vụ lúa tới hay không”.

Cá, tôm… sạch bóng

Cũng theo ông Xanh, khi bão lớn là triều cường kết hợp nên sóng biển tràn theo cửa sông Gianh lên thượng nguồn rất hung dữ. Sau khi bão tan, diện tích đất ruộng bị nước biển tràn vào chuyển thành màu đen. Cá, ốc trên ruộng chết sạch. Thêm mấy hôm nữa, gốc lúa tái sinh trên ruộng cũng bị cháy đen. Nhổ lên là thấy gốc, rễ lúa bị thối hết.

17-10-51_nnvn__1-_ong_xnh
Ông Xanh: “Gốc lúa bị thối hết”

Tuyến đê ngăn mặn tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, vốn đã xuống cấp nên không chịu đựng được sức triều lớn trong bão nên bị vỡ toác nhiều đoạn. Nước biển mặn tràn vào phủ hơn 100 ha nuôi thủy sản và gần 250 ha ruộng. Nông dân Nguyễn Xuân Tân (xã Hạ Trạch) cho biết, do đê vỡ gần như hoàn toàn nên nước biển tràn vào ao nuôi tôm và đồng ruộng làm cá tôm chết trắng hồ.

Từ cửa sông Nhật Lệ, nước biển tràn lên đến tận sông Kiến Giang (đoạn chảy qua huyện Quảng Ninh) cũng đã làm cho nhiều người dân thiệt hại nặng nề.

Anh Lê Phi (xã Võ Ninh - huyện Quảng Ninh) có mấy hồ nuôi cá trắm cỏ. Anh đầu tư bao quanh hồ bằng lưới thép để tránh lũ. Toàn bộ số cá trên 1.000 con (có trọng lượng trung bình trên 1,5 kg/con), anh chăm chút để dự tính thu hoạch vào dịp tết. Bão tạnh, cá ở hồ nhảy như rang chảo. Anh kiểm tra thì mới biết nước mặn ngập hồ. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng huy động bà con giúp kéo để đi bán.

“Kéo hết chở đầy ba thuyền cá. Bán như cho, sau nữa thì cho mà cũng không hết cá” - anh Phi kể lại mà nước mắt cứ chảy ra. Ở thôn Trúc Ly (xã Võ Ninh) có hàng chục hộ dân nuôi cá nước ngọt cũng thiệt hại tương tự. Ai cũng chỉ suy nghĩ là ngăn lưới giữ cá chống lũ chứ không ngờ lũ nước mặn.

17-10-51_nnvn__2-_ruong_qung_thun
Đồng ruộng ở Quảng Thuận bị nhiễm mặn

Trên vùng phá ven sông, anh Nguyễn Hải (xã Gia Ninh - huyện Quảng Ninh) đang hì hụp thu lưới. Cả tay lưới dài hơn 50m mà chẳng có lấy con cá dính. Chỉ rặt toàn rác với rêu. Vừa giữ lưới, anh ngao ngán kể: “Sau bão, ốc chết trôi từng mảng, tôm, cá bị sốc nước mặn chết trắng. Trước đây, tôi thả chừng nửa giờ là có được 3-5 kg cá rô phi. Nhưng nay thì không còn con tẹo nào. Sạch như thả lưới trên cạn”.

Nhiễm mặn do… trái quy luật

Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn cho biết, tổng diện tích bị nhiễm mặn khoảng 1.400 ha. Tất cả các xã, phường dọc ven sông Gianh đều bị nhiễm mặn. Nơi bị nhiễm mặn nghiêm trọng nhất là hai phường Quảng Phúc và Quảng Thuận với tổng diện tích đất nông nghiệp gần 400 ha. Một số địa phương đất nông nghiệp bị nhiễm mặn đến 100%.

17-10-51_nnvn__3-_sen_trogn_ho
Sen trong hồ cũng bị chết cháy

“Độ mặn đo được trên ruộng lúa của người dân Quảng Phúc lên đến 15/1.000. Trong khi lúa chỉ sống được ở độ mặn khoảng 1/1.000” - ông Khánh cho biết.

Theo nhiều người dân, sau bão là kèm theo hoàn lưu bão gây mưa lớn. Những năm trước, bão vẫn làm nước biển tràn vào ruộng. Nhưng sau bão là lũ lớn nên nước mặn bị lũ đẩy về biển, không gây ảnh hưởng lớn đến cây trồng, tôm cá. Cụ Lê Văn Đơn (80 tuổi - phường Quảng Phúc) nói: “Tui lớn lên chứng kiến nhiều lần bão lớn sau đó là lũ lớn. Nhưng bão lần này lại không như vậy. Sau bão là trời đêm nổi sao. Ngày nắng như nung và nắng gắt kéo dài gần 20 ngày thi thoảng có mưa lác đác. Rõ là trái với quy luật xưa nay”.

Ông Nguyễn Thức (77 tuổi ở xã Gia Ninh) cũng nhìn nhận về việc nước mặn tràn lên đến đoạn sông trước nhà với câu nói chắc: “Trời ngược đó. Ai đời, chưa bao giờ tui thấy cảnh bão rồi trời không mưa mà lại nắng đến khô cả keo tràm”.

17-10-51_nnvn__4-_co_nn
Cây năn chịu mặn cũng bị chết theo
Sở NN-PTNT Quảng Bình đã kiểm tra thực tế, đề xuất biện pháp xử lý. Trước hết là tranh thủ mưa lũ để rửa mặn. Do Quảng Bình mới bước vào mùa mưa lũ, sắp tới có lũ thì việc rửa mặn sẽ đơn giản hơn. “Trong trường hợp nếu không có lũ thì ngành nông nghiệp sẽ lập phương án xả nước từ các hồ chứa lớn trong khu vực để thau chua rửa mặn đồng ruộng”, ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình nói.

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.