Bệnh tim là thuật ngữ chung để nói về những căn bệnh liên quan đến tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là căn bệnh hàng đầu gây tử vong ở con người, kể cả ở các nước nghèo lẫn các quốc gia phát triển.
4 vấn đề dưới đây liên quan đến thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia ở nhóm người mắc bệnh tim, nhất là đàn ông, vừa được các chuyên gia Đại học Y khoa Duke và Indiana (Mỹ) tư vấn.
1. Nghe nói, uống rượu điều độ tốt cho tim mạch?
Sự thật, dùng một chút rượu vang đỏ không có hại cho tim nhưng nó không phải là thứ bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh tim mạch sử dụng. Thực tế, lạm dụng rượu bia sẽ gây tổn hại cho tim, tuy nhiên nếu dùng 1 ly/ngày lại có tác dụng tích cực cho cholesterol và có lợi lâu dài cho sức khỏe.
Và thực tế, nhiều người không giữ được điều độ nên gây phản tác dụng. Vì vậy ngành y không khuyến cáo mọi người dùng rượu, nhất là những người đang mắc bệnh tim hoặc có rủi ro mắc bệnh cao. Riêng ở nhóm người trung cao tuổi, nếu lạm dụng rượu bia sẽ làm tăng áp lực cho tim và làm cho tim quá tải, đập nhanh hơn.
2. Sau khi bị đau tim, uống bao nhiêu rượu được xem là nhiều?
Nếu khỏe mạnh có thể dùng được rượu bia hoặc những đồ uống có cồn, còn nhóm người vừa qua cơn đau tim thì nên tránh xa trong những tháng đầu sau khi bị bệnh. Thời gian kiêng rượu càng lâu càng tốt để giảm áp lực cho tim và giúp tim phục hồi nhanh trở lại.
Một khi uống trở lại, phải nên ghi nhớ tiêu chí "một" sau đây: Uống một lần/ngày, dùng một loại hỗn hợp/ngày, 1 lon bia/ngày hay một ly rượu vang/ngày. Tiêu chí chỉ dùng một thứ sẽ có lợi cho sức khỏe tim, đặc biệt là có lợi cho cholesterol (mỡ máu). Tuyệt đối không được vượt quá giới hạn này, nếu không sẽ phản tác dụng, làm tổn thương sức khỏe tim.
3. Điều gì xảy ra khi uống rượu lại uống thuốc trị tim?
Nói chung, sau khi uống vào, rượu sẽ tác động trực tiếp đến các mạch máu, làm giãn nở mạch máu, gây giảm huyết áp. Những người dùng thuốc trị bệnh tim, thuốc cao huyết áp hay nhóm thuốc nitrates dùng trị chứng đau thắt ngực thì không nên uống rượu. Nếu sau khi uống rượu lại uống thuốc có thể phát sinh hiện tượng chóng mặt, choáng váng, đi đứng liêu xiêu.
Hiện tượng giãn mạch ở nhóm người dùng thuốc sau khi uống rượu giống như hiệu ứng tắm trong bồn nước nóng, nó làm cho huyết áp giảm. Hiện tương tụt huyết áp này rất nguy hiểm và nếu nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Một số toa thuốc như Viagra (thuốc chống bất lực) cũng phát sinh hiện tượng giãn mạch tương tự, nên phải dùng theo đúng chỉ dẫn và không nên uống chung hoặc sau khi uống rượu.
4. Có loại thuốc nào giúp người mắc bệnh tim bỏ được thuốc lá?
Hút thuốc lá, nhất là nghiện thuốc lá là thói quen bất lợi, khó bỏ, nhất là nhóm người mắc bệnh tim mạch. Vì vậy sau những cơn đau tim việc bỏ thuốc lá có lợi nhất cho sức khỏe.
Thực tế, có khoảng 50% số người muốn bỏ thuốc thực hiện được ý nguyện, số còn lại phải nhờ đến sự trợ giúp từ bên ngoài. Trường hợp đã qua cơn đau tim nay muốn bỏ thuốc lá thì cần phải có nghị lực, cộng với sự hỗ trợ của người thân. Ngược lại, nếu tiếp tục hút thuốc lá sẽ làm cho sức khỏe ngày thêm tồi tệ.