| Hotline: 0983.970.780

Sắc xuân trên thổ cẩm người S’Tiêng

Chủ Nhật 31/01/2021 , 15:23 (GMT+7)

Trải qua bao thăng trầm, làng dệt thổ cẩm người S’Tiêng Bình Phước  vẫn đứng vững theo thời gian. Những ngày giáp tết Tân Sửu 2021, làng nghề này lại tất bật sản xuất phục vụ thị trường.

Thổ cẩm là một loại hàng vải dệt thủ công, có nhiều họa tiết được bố trí xen kẽ, nổi lên trên bề mặt vải giống như thêu. Những hoa văn này đem lại cho tấm vải sự tương phản về đường nét, màu sắc. Ở Bình Phước, ngoài các dân tộc tại chỗ như: S’Tiêng, Mnông, Khmer, còn có một số dân tộc khác như: Tày, Nùng, Mường, Thái... khi di cư đến, họ cũng mang theo nghề dệt thổ cẩm với những nét độc đáo riêng.

Tất bật làng nghề vào mùa tết

Những ngày cận tết, khi đến làng nghề thổ cẩm của người S’Tiêng ở xã Tân An, huyện Hớn Quản, chúng tôi cảm nhận được sự tất bật hối hả của bà con bên từng khung cửi để dệt ra những tấm thổ cẩm chỉn chu, kịp giao cho khách du ngoạn dịp xuân.

Theo bà con địa phương, không biết nghề thổ cẩm có tự bao giờ, chỉ biết từ thời cha sinh mẹ đẻ đã làm nghề này và cứ thế truyền đời này sang đời khác, đến nay đã qua hàng chục thế hệ. Ngoài ra, đối với bà con, nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ. Khi các thiếu nữ vào độ tuổi từ 13 đến 15 sẽ được truyền lại nghề.

Được người địa phương giới thiệu, chúng tôi gặp bà Thị Mương, một trong những nghệ nhân ưu tú của địa phương. Mặc dù ở cái tuổi ngũ tuần, thế nhưng, ngày ngày bà vẫn miệt mài bên khung cửi. Qua bàn tay khéo léo của bà, hàng ngàn sản phẩm thổ cẩm tinh xảo đã được thổi hồn khiến chúng càng trở nên sinh động và hấp dẫn, bắt mắt say lòng người thăm quan.

Theo bà Mương, để dệt một tấm vải thổ cẩm, người S’Tiêng phải trải qua nhiều công đoạn theo nhiều quy trình phức tạp. Màu sắc, chất liệu sợi vải chủ yếu từ thiên nhiên như lá, vỏ cây rừng. Đến khâu dệt, ngoài khung cửi, người thợ còn kết hợp với nhiều chi tiết dụng cụ đi kèm để cuộn các cuộn vải đang dệt, siết chặt các sợi dệt mới đan, lựa sợi đan hoa văn... “ Để tạo được các hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, có óc thẩm mỹ, cùng sự am tường về các đường nét, màu sắc, hình khối. Người dệt thổ cẩm được xem như những họa sĩ”, bà Mương tiết lộ.

Bà Mương cho biết thêm, hoa văn, họa tiết trang trí trên vải thổ cẩm của người S’Tiêng chủ yếu là các hình tượng truyền thống như các hình khối, người, chim thú, cây cối, hoa lá và nhiều hoa văn họa tiết khác được thể hiện trong từng ô vuông nhỏ, cân đối. Hoa văn tỉ mỉ và cách phối màu tạo nét hoang sơ, huyền bí.

Ngày nay, để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tùy vào đối tượng khách hàng, các hoa văn, họa tiết trên vải thổ cẩm cũng được sáng tạo cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ngoài ra, cùng với các sản phẩm truyền thống như khăn, sa rông, bà con còn đa dạng hóa các sản phẩm như trang phục, tấm chăn, túi nệm, khăn choàng, khăn trải bàn, túi xách... “Sản phẩm chúng tôi dệt ra có giá từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng, hầu hết không có lợi nhuận, mà lấy công làm lãi nhằm giữ gìn phát huy truyền thống của dân tộc mình”, bà Mương chia sẻ.

Ông Lê Thái Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: “Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm dệt may công nghiệp, việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng được xem là thành công. Địa phương đang tìm đầu ra cho sản phẩm và vận động bà con giữ nghề truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, để các nghệ nhân, người dệt có thể gắn bó lâu dài và sống được bằng chính nghề truyền thống của dân tộc mình, rất cần các cấp và ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn; liên kết với các khu du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu và quảng bá sản phẩm... góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước hiện có trên 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số S’Tiêng đang còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập trung chủ yếu tại 2 xã An Khương và Thanh An. Sản phẩm chính hiện nay là chăn, khăn, quần áo với số lượng tiêu thụ tại chỗ chiếm trên 80%, còn lại 20% tiêu thụ trong tỉnh.

Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, tỉnh Bình Phước đã quyết định phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số S’Tiêng trên địa bàn huyện Hớn Quản, giai đoạn 2016 - 2020. Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2016 - 2020 là 7,2 tỷ đồng, chưa tính nguồn vốn của nhân dân tự tham gia đóng góp trong quá trình triển khai thực hiện đề án. 

Theo đề án, làng nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện Hớn Quản sẽ thu hút 40 - 50% lực lượng lao động sản xuất nghề là các hộ đồng bào S’Tiêng. Đồng thời, nâng thu nhập cho lao động hoạt động từ nghề dệt thổ cẩm ít nhất phải đạt từ trên 4 triệu đồng/tháng; nâng số người lao động qua đào tạo trong các cụm nghề, làng nghề phải đạt từ 60% trở lên và nâng cao sản phẩm tiêu thụ thông qua các kênh như du lịch, chợ, hội chợ, các điểm giới thiệu sản phẩm, hợp đồng đặt hàng. 

Theo ông Trần Văn Chung - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Bình Phước, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào S’Tiêng ở Hớn Quản là nghề thủ công truyền thống lâu đời vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hóa dân tộc. Việc bảo tồn, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’Tiêng Hớn Quản không chỉ giúp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở vùng nông thôn.

Nhìn chung, đề án bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số S”Tiêng bước đầu đạt những kết quả tích cực, đó cũng là cơ sở để địa phương định hình phát triển loại hình du lịch dân tộc học, du lịch văn hóa học và du lịch môi trường sinh thái gắn với làng nghề thổ cẩm, giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Một mùa xuân mới lại về, làng dệt thổ cẩm truyền thống người S’Tiêng Bình Phước lại rộn ràng, sôi động hơn trong tiếng thoi đưa, khung cửi dệt vải. Những nghệ nhân trổ tài thêu dệt, thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay dệt nên những tấm thổ cẩm với sắc màu, hoa văn tinh tế, tạo nên nét xuân đặc trưng riêng vốn có của làng nghề địa phương.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.