| Hotline: 0983.970.780

Sách dạy nghề cho nông dân: Lãng phí và nhiều sai sót...

Thứ Tư 03/09/2008 , 09:57 (GMT+7)

Nếu đưa cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ phát hiện ra rất nhiều thiếu sót, kể cả về khung nội dung và hình thức. Nhiều nhà khoa học viết quá “tham”, viết hơi cao, hơi thừa… - Ông Nguyễn Lân Hùng phát biểu.

Nếu đưa cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ phát hiện ra rất nhiều thiếu sót, kể cả về khung nội dung và hình thức. Nhiều nhà khoa học viết quá “tham”, viết hơi cao, hơi thừa… - Ông Nguyễn Lân Hùng nói.

Từ năm 2006 tới nay, trung bình mỗi năm có hơn 500.000 nông dân trên cả nước được đào tạo nghề. Tuy nhiên, với tình trạng “mỗi nơi mỗi phách” trong việc xây dựng giáo trình như hiện nay thì hàng trăm cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, chuyên gia… đã cho ra thị trường biết bao đầu sách dạy nghề cho nông dân. Sách nhiều nhưng có đến được tay nông dân và hiệu quả của nó ra sao?

Từ trái qua phải: Ông Lều Vũ Điều, ông Dương Đức Lân, ông Nguyễn Lân Hùng

Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Ông Lều Vũ Điều, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Hội Nông dân Việt Nam và Ông Nguyễn Lân Hùng, Giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Trường Đại học Sư phạm Hà nội đã có những quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này:  

Việc viết sách cứ xào xáo lại làm khổ nông dân

Tiền đã ít, mỗi nơi mỗi kiểu là quá lãng phí... 

Ông Dương Đức Lân (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề): - Kinh phí dạy nghề cho nông dân hàng năm vào khoảng 150 tỷ đồng. Khoản tiền này được trích ra từ chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giáo dục – đào tạo (kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng cho năm 2008). Nhưng kinh phí dành cho sách dạy nghề không được phân chia rạch ròi. Phần dành cho làm sách giảng dạy rất ít thôi, không đáng kể. Cái đấy không theo chuẩn mực, nhưng các trường phải có chương trình và nếu thấy được thì sở Lao động - Thương binh & Xã hội các tỉnh sẽ duyệt và thuê dạy. 

Năm 2008, Tổng cục Dạy nghề chi hơn 40 tỷ đồng dành cho biên soạn giáo trình, nhưng chủ yếu là xây dựng chương trình khung cho trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Còn cho lao động nông thôn thì xây dựng được 41 chương trình dạy nghề ngắn hạn. Các chương trình này được các chuyên gia tư vấn nước ngoài hỗ trợ nên chất lượng chương trình rất tốt. Nhưng những giáo trình này do các cơ sở đào tạo tự chọn, ai có nhu cầu thì dùng chứ không bắt buộc. 

Ông Lều Vũ Điều (Giám đốc Trung tâm Dạy Nghề, Hội Nông dân Việt Nam): -Chúng tôi dự định đào tạo nghề cho khoảng 180.000 nông dân trong năm 2008. Về nguồn kinh phí thì hiện nay không có kinh phí thường xuyên cho việc biên soạn, in ấn giáo trình. Trong 2 năm 2006–2007, chúng tôi dành 200 triệu đồng cho việc biên soạn, in ấn và thẩm định 12 bộ giáo trình, với số lượng khoảng 3000 cuốn. Về chất lượng sách thì cũng có ý kiến cho rằng nên rút ngọn để người ta tiếp thu tốt hơn. Còn năm 2008 thì chúng tôi không có kinh phí cho việc biên soạn giáo trình. 

Ngoài ra, có nhiều cơ sở, cơ quan, các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu… cũng xây dựng giáo trình dạy nghề cho nông dân. Về chất lượng, thì giáo trình ngắn hạn cũng được cập nhật kịp thời vì khoa học kỹ thuật thay đổi, hàng năm được cập nhật cho phù hợp, chất lượng cũng tốt hơn. 

Ông Nguyễn Lân Hùng (Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Đại học Sư phạm Hà Nội): - Việc các cơ sở đào tạo tự xây dựng giáo trình, mỗi nơi một kiểu là một sự lãng phí. Có nơi mời các trường viết, rồi sao chép lại. Tôi đã đọc những tài liệu viết về giun đất nhưng viết sai nhiều lắm mà vẫn in. Theo tôi cần thống nhất việc viết sách, cứ xào xáo lại chỉ khổ nông dân. Bên Bộ Lao động có nhiều tài liệu lắm, nhưng những chuyên gia như chúng tôi chưa bao giờ được mời góp ý. Nếu Nhà nước đã bố trí kinh phí để viết sách cho nông dân thì cần quảng bá rộng để nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm góp ý thì mới có sách tốt được. 

Sách khuyến nông hầu như không có mặt tại các tiệm sách

Nhiều sai sót vì quy trình thẩm định không ổn! 

Ông Dương Đức Lân (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề): - Sách trên thị trường có thiếu gì đâu, chủ yếu là sách về nông nghiệp. Nông dân người ta cũng dùng nhiều sách chứ không phải không đâu. Đọc sách sẽ giúp người ta cập nhật nhiều kiến thức và làm có hiệu quả hơn. Việc thẩm định giáo trình đối với dạy nghề ngắn hạn cho nông dân ở từng địa phương do sở lao động làm. Còn việc biên soạn giáo trình theo Luật là do các trung tâm dạy nghề tự tổ chức biên soạn. Không nên gò ép họ vì gò làm sao được khi công nghệ thay đổi từng ngày? 

Ông Lều Vũ Điều (Giám đốc Trung tâm Dạy Nghề, Hội Nông dân Việt Nam): - Trên thị trường có nhiều sách dạy nghề cho nông dân nhưng tôi cũng chưa đọc nên không dám khẳng định chất lượng. Còn sách ở Trung tâm Dạy nghề của Hội Nông dân thì chúng tôi thuê các cơ sở đào tạo, các chuyên gia viết. Chúng tôi cũng biên tập lại giáo trình của một số trường nghề khác, chẳng hạn các trường họ dạy 1 năm, mình chỉ dạy 3 tháng thì rút gọn lại chương trình lại cho phù hợp và dễ hiểu. Tất cả các sách, tài liệu dạy nghề của trung tâm đều được Hội đồng Khoa học của Trung ương Hội Nông dân thẩm định về chất lượng giáo trình trước khi đi vào sử dụng. Tôi nghĩ đa số nông dân có thể hiểu được. 

Ông Nguyễn Lân Hùng (Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Đại học Sư phạm Hà Nội): - Tôi thấy khâu thẩm định làm nhiều khi vô trách nhiệm nên tài liệu in ra mà nông dân ít người dùng được. Tôi nghĩ quy trình thẩm định hiện nay không ổn. Nếu đưa cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ phát hiện ra rất nhiều thiếu sót, kể cả về khung nội dung và hình thức. Nhiều nhà khoa học viết quá “tham”, viết hơi cao, hơi thừa… Mà có người không làm nhưng lại viết sách để đi dạy người khác, rất nguy hiểm. Riêng về hình thức trình bày, bìa sách… thì quá kém. Nhà xuất bản Nông nghiệp không có họa sỹ chuyên nghiệp, vẽ người không ra người, rất dở. Cái này cần phải học Trung quốc, sách khuyến nông họ vẽ rất đẹp và rất dễ hiểu…  

Tôi đi cả trăm huyện trên cái đất nước này, tôi chả biết sách dạy nghề cho nông dân được phát, được bán ở các lớp học như thế nào chứ ở các hiệu sách thì hầu như vắng bóng. Tôi vẫn thấy có nhiều người nông dân đang lùng sục tìm mua sách. Họ không biết chọn sách nào cho hợp lý, không biết sách nào hay để mà học...  

Tiêu tiền của Nhà nước không đơn giản!

Ông Nguyễn Lân Hùng (Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Đại học Sư phạm Hà Nội): - Tôi và nhiều chuyên gia đang triển khai dự án viết 100 cuốn sách dạy nghề cho nông dân. Đó là 100 nghề phù hợp với điều kiện của Việt Nam và có hiệu quả kinh tế cao. Mỗi cuốn có độ dài khoảng 50 trang. Đồng thời, sẽ dựng phim về từng nghề để bà con nông dân dễ hiểu. Tác giả các cuốn sách đều là những chuyên gia đầu ngành như: Ông Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội Cafe Việt Nam viết cuốn: ”Nghề trồng café”, Giáo sư Võ Tòng Xuân viết cuốn: “Nghề trồng lúa”… Đặc biệt, anh Lê Hùng Minh, một nông dân ở Sóc Trăng đã hoàn thành tập tài liệu về: “Nghề nuôi rắn Rivoi”… Nông dân mà viết được một cuốn tài liệu rất dày, anh ấy rất nhiều kinh nghiệm và đặc biệt là nhiệt tình. Nghề này cũng có nhiều sách viết rồi, nhưng kinh nghiệm không thể nhiều bằng anh ấy. Chỉ cần chỉnh sửa về câu chữ, hình ảnh nữa là rất tốt. 

Để có được số kinh phí làm dự án này, tôi đã gõ cửa nhiều bộ. Tiền dành cho dạy nghề cho nông dân đâu có ít. Nhưng có những cánh cửa vẫn khó lách vào. Vì vậy, tôi bàn với anh em xin của các cá nhân, các tổ chức, các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ đưa logo của các đơn vị đó lên bìa sách. 

Theo dự kiến, 3 văn phòng tư vấn sẽ được thành lập ở 3 miền để tư vấn cho bà con nông dân. Ngoài ra, đưa sách đến với bà con qua các kênh của Hội Nông dân, các dự án xóa đói giảm nghèo… Chúng tôi phải đi giới thiệu để nông dân biết đến chúng tôi. Họ phải biết tìm sách ở đâu, có những sách gì? Chúng tôi mong muốn được thi đua với các đơn vị đang được Nhà nước chi rất nhiều tiền cho công tác dạy nghề cho nông dân, “chưa biết ai hơn ai”… 

Ông Dương Đức Lân (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề): - Chúng tôi không có liên hệ gì với anh Nguyễn Lân Hùng. Còn những chương trình, sách dạy nghề thì rất là nhiều, người ta bán đầy và tôi cho là phi chính thức. Phải có hội đồng thẩm định quốc gia, có những chuyên gia tài giỏi ngồi ở đấy để duyệt. Ông Lân Hùng, ai công nhận ông ấy giỏi? Phải có hội đồng thẩm định chứ. Hơn nữa, có thể ông ấy rất giỏi thì vẫn phải có hội đồng thông qua. Vì nhỡ làm sao thì ai chịu trách nhiệm? 

Hợp tác với Nhà nước thì rất tốt. Nhưng tiêu tiền của Nhà nước không đơn giản! Tôi mà có tiền, tôi thấy ông nào giỏi tôi đưa tiền cho làm, nhưng đây là Nhà nước. Ông ấy muốn đấu thầu nhưng không có gói thầu ấy thì tham gia làm sao được? Còn nếu muốn có 1 gói thầu vào năm 2009, thì ngay từ bây giờ đã phải làm kế hoạch để gửi đi rồi. 

Ông Lều Vũ Điều (Giám đốc Trung tâm Dạy Nghề, Hội Nông Dân Việt Nam):  - Tôi có nghe đến dự án đấy. Về ý tưởng thì tôi thấy rất cần thiết và thiết thực, nhất là các chương trình trên truyền hình thì chuyên gia Lân Hùng đã giúp nông dân rất nhiều. Ý tưởng này rất cần thiết, ngắn gọn, có hình ảnh minh hoạ và chắc chắn nông dân sẽ vào cuộc rất nhanh. 

Những giáo trình đó cần có cơ quan có chức năng để làm. Theo tôi nên phối hợp triển khai, rồi thông qua các chương trình dự án, các trường, các cơ quan để phối hợp. Việc cấp kinh phí thì các cơ quan Nhà nước phải bám sát vào quy định.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.