| Hotline: 0983.970.780

Sắn 'ăn' mía

Thứ Hai 10/06/2019 , 08:46 (GMT+7)

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, niên vụ sắn 2019 - 2020, toàn tỉnh trồng 20.000ha, thế nhưng đến nay nông dân trồng 23.600ha, đang ở giai đoạn phát triển thân, lá.

 Trong khi đó, cây mía niên vụ 2018 - 2019, nông dân thu hoạch 27.984,9ha, đến niên vụ 2019 - 2020, tỉnh quy hoạch trồng 23.000ha, nhưng đến nay nông dân chỉ trồng 20.000ha. Đáng lo ngại trên cây sắn, bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng đang “đeo bám” gây hại gần 200ha.

Vùng trồng sắn của huyện Sơn Hòa

Diện tích gò đồi, dọc theo QL19C, đoạn qua thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 chạy dài đến thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), trước đây nông dân trồng mía bạt ngàn, giờ không có một cây mía thay vào đó là gò sắn. Bà Đặng Thị Nghĩa, ở thôn Phước Nhuận cho hay: Vùng này nông dân bỏ mía sang trồng sắn vì mía giảm giá. Hơn nữa trồng sắn đến mùa thu hoạch nhổ từng chòm chở nửa xe tải nhỏ bán thương lái mua, còn mía thuê công chặt đủ chuyến xe 15 - 20 tấn mới chạy đến NM.

Cũng hai bên QL19C, vùng gò đồi giáp ranh giữa thôn Suối Mây, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) và thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), những năm trước vùng này mía đứng đám vươn lá xanh giờ khó tìm ra đám mía.

Ông Ma Lâm, ở thôn Hòa Ngãi chia sẻ: Động gò dưới chân dốc Vườn Táo (thôn Hòa Ngãi) trước đây 10 nhà trồng mía giờ chỉ có 3 nhà trồng, tuy nhiên đó là đám mía mới ăn năm đầu vụ mía tơ, họ để lưu gốc ăn năm 2. Còn mía niên vụ này ít có ai trồng mới, có chăng họ trồng chủ yếu làm giống vụ sau.

Ông Bùi Văn Nhất, ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) đang cày phá gốc mía lấy đất chuẩn bị trồng sắn cho rằng, vừa qua nhà ông trồng 1ha mía, giờ ông cày phá gốc 0,5ha lấy đất trồng sắn còn xung quanh trồng keo. “Đất gần đường thuộc diện đất đẹp (đất bằng phẳng), mấy năm qua chuyên trồng mía giờ bỏ mía trồng sắn xen keo. Không chỉ nhà tôi mà nhiều người ở đây cũng thế, vì vậy diện tích mía vùng này giảm sâu, do chuyển sang trồng keo và sắn".

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, niên vụ sắn 2019 - 2020, toàn tỉnh trồng 23.600ha, trong khi đó diện tích quy hoạch trồng 20.000ha, năng suất 25 tấn/ha. Đối với cây mía, niên vụ 2018 - 2019, nông dân trong tỉnh thu hoạch 27.984,9ha. Đến niên vụ 2019 - 2020 quy hoạch trồng trên diện tích 23.000ha, thế nhưng đến nay nông dân chỉ trồng 20.000ha, đang trong giai đoạn vươn lóng.

Cũng theo Chi cục, cách đây nửa tháng, rệp sáp bột hồng xuất hiện trở lại gây hại sắn sau 1 năm “vắng bóng”. Hiện nay, rệp sáp bột hồng, bệnh khảm lá đã lây lan gây hại gần 200ha sắn. Riêng bệnh khảm lá virus gây hại với diện tích 165,5ha, sắn mới trồng ở giai đoạn cây con.

Tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá virus gây hại lây lan 110ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 35ha, giai đoạn cây con phát triển thân, lá, tập trung tại các xã Sông Hinh, Đức Bình Đông, Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bá, Ea Bia, EaBar, EaTrol và thị trấn Hai Riêng.

Điều đáng lưu ý là niên vụ sắn năm ngoái, huyện Sông Hinh là nơi đầu tiên bùng phát bệnh khảm lá virus gây hại sắn sau đó lây lan qua Sơn Hòa, Tây Hòa, đến niên vụ mới này, bệnh khảm lá lây lan qua huyện Phú Hòa. Tại xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), Chi cục ghi nhận, bệnh khảm lá gây hại 2ha và có khả năng tăng về diện tích lẫn tỉ lệ bệnh vì hiện nay nông dân sử dụng giống nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng mới.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên tập huấn nông dân phòng trừ rệp sáp bột hồng.

Còn rệp sáp bột hồng, Chi cục điều tra phát hiện đã gây hại 32ha, tập trung ở huyện Sông Hinh, Đồng Xuân. Rệp sáp bột hồng là loại sâu hại nguy hiểm không có thuốc đặc trị, chỉ khi trời mưa chúng tự chết, còn trời nắng thì lây lan nhanh. Diện tích sắn khi bị rệp sáp bột hồng, bệnh khảm lá gây hại thì không cho năng suất, thiệt hại lớn về kinh tế. Trong khi đó, rệp sáp bột hồng, bệnh khảm lá lây lan nhanh, để phòng chống trước mắt tiêu hủy diện tích sắn đã bị nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên cho biết: Niên vụ sắn mới, bệnh khảm lá virus gây hại trên những diện tích nông dân sử dụng nguồn giống sắn từ các vùng trồng sắn đã bị bệnh khảm lá. Các giống ghi nhận bị nhiễm bệnh như HLS11, KM 419, KM 94... Nông dân không sử dụng giống sắn đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước, giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng mới, tiến hành tiêu hủy những cây sắn có biểu hiện bệnh khảm lá.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất