| Hotline: 0983.970.780

“Sân chơi” giáo dục đang không công bằng

Thứ Năm 06/10/2011 , 09:55 (GMT+7)

Phần lớn ý kiến cho rằng, “sân chơi” giáo dục trường công - tư đang không công bằng nên rất cần được quy định rõ trong Luật.

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng: “Nhiều giáo viên bỏ trường công sang trường tư”

Hôm qua 5/10, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã quy tụ nhiều lãnh đạo các trường để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Giáo dục đại học lần thứ 5 trước khi trình Chính phủ xem xét. Phần lớn ý kiến cho rằng, “sân chơi” giáo dục trường công - tư đang không công bằng nên rất cần được quy định rõ trong Luật.

Phần lớn ý kiến các chuyên gia giáo dục cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định khắt khe hơn việc thành lập trường ĐH, CĐ mới. Với GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng thì ngành giáo dục cần khắt khe và siết chặt hơn trong việc xin thành lập trường ĐH công lập ngoại trừ những trường ở vùng sâu, vùng xa, đặc thù cho an ninh quốc phòng, năng lượng hạt nhân, vũ trụ…

GS Nghị cũng phân tích khá chi tiết hai từ “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” trong các trường ĐH. Theo GS, hiện nay hầu hết các trường ngoài công lập phải đi vay vốn ở ngoài với lãi suất cao. Nên chăng nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để trường hoạt động như cấp đất, hỗ trợ đào tạo giáo viên. Ngành giáo dục cũng phải tự hiểu rằng: Tại sao giáo viên lại bỏ trường công sang trường tư làm việc?

Nhìn vào bức tranh tuyển sinh ảm đạm năm nay, ông Đặng Văn Định, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An cho rằng: “Việc tuyển sinh đang có vấn đề nhưng lại không thể đổ lỗi cho ai bởi đâu có bằng chứng rõ ràng. Hy vọng dự thảo Luật Giáo dục Đại học sẽ “trả lời” được điều này". Đồng tình với ý kiến này, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, ông Hoàng Trọng Yên cho rằng, chính “3 chung” được áp dụng lâu quá nên lạc hậu và cản trở sự phát triển của các trường.

Theo ông Yên, hiện nay các trường công lập các tỉnh và dân lập ở các tỉnh, không tuyển đủ chỉ tiêu, nguồn vào không có chứ không phải các trường yếu kém. Các trường công lập lấy bằng điểm sàn thì các trường dân lập lấy đâu ra nguồn để tuyển. Ngoài ra, theo ông Yên, “sân chơi” giáo dục đang không công bằng. Ở công lập trách nhiệm của hiệu trưởng “nhẹ” hơn dân lập nhiều bởi phải làm thế nào để nâng cao chất lượng, thu hút người học và tính toán cẩn thận mọi chi tiêu bởi họ đang sử dụng chính đồng tiền của mình.

Nên tái cấu trúc hệ thống phổ thông

Song nhiều đại biểu ấn tượng nhất với góp ý khá mạnh mẽ của ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT. Từ kinh nghiệm của những nước có nền kinh tế tiên tiến như Malaysia, Singapore, ông Tùng kiến nghị, các nhà quản lý cũng nên tính đến việc tái cấu trúc hệ thống phổ thông, có phân luồng sao cho mạch lạc bởi chính những quy định không rõ ràng đã ảnh hưởng đến hoạt động của các trường tư thục hay công lập.

Ví dụ như Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề đang chồng chéo nhau trong việc quản lý khối các trường Cao đẳng dạy nghề, Trung cấp chuyên nghiệp. Cá nhân ông cho rằng, hệ thống đại học của chúng ta nhiều trường công nên dự thảo viết ra đều hầu như cho trường công lập, không quy định rõ ai là người thành lập trường tư thục. Trong khi đây là điều sẽ chi phối rất nhiều đến hoạt động của các trường sau này. Hiệu trưởng Trường ĐH FPT hy vọng những ý kiến trên của ông sẽ được ban soạn thảo xây dựng Luật đưa vào để trình Chính phủ.

Ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT cho rằng, cho các trường tự chủ là tiêu chí đầu tiên để xây dựng Luật. Bộ đang nghiên cứu sẽ giao cho các trường việc cấp văn bằng GS, PGS, đồng thời quy định rõ chế độ ưu đãi của những đối tượng này ở tất cả môi trường làm việc công hay tư (hiện nay 2 nhóm chức danh này chưa được công bằng). Theo ông Thanh, đích cuối cùng của Luật sẽ nhắm tới hai chữ “minh bạch”, không phân biệt loại trường công - tư.

Còn với ông Lê Khắc Đóa, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thì "tự chủ, tự chịu trách nhiệm" là vai trò quyết định, là linh hồn của đổi mới giáo dục nên dự thảo Luật phải kê khai cụ thể các trường được tự chủ cái gì, được làm gì để xã hội giám sát.

Nhiều khái niệm còn mù mờ

Gắn bó với ngành giáo dục mấy chục năm, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) nói rằng, dự thảo Luật Giáo dục lần này có nhiều khái niệm, quy định trường đại học mập mờ, nhầm lẫn. Ví dụ như tại Điều 10, khoản 3 của dự thảo Luật vẫn khuyến khích cơ sở hoạt động phi lợi nhuận nhưng đoạn khác lại cấm hoạt động phi lợi nhuận.

 Ông Khuyến đề nghị: Phải định hướng cho hình thành đại học hệ thống, phân tầng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đối với các trường công phải tính có hiệu quả, chứ không thể mở tràn lan như hiện nay. Ngoài ra, dự thảo Luật phải khẳng định trách nhiệm, nghĩa vụ của lãnh đạo các trường nhiều hơn nữa. Chúng ta vẫn nói trao quyền tự chủ cho các trường nhưng thực chất là phân cấp cho cấp dưới như Sở, ngành. Theo ông, hệ thống giáo dục thực sự tốt nếu như đạt được 4 tiêu chí: “Thống nhất - Bình đẳng - Chất lượng - Hiệu quả”.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.