| Hotline: 0983.970.780

Săn gà lậu mùa dịch

Thứ Sáu 21/02/2014 , 10:22 (GMT+7)

Trước tình hình cúm gia cầm (CGC) diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là các tỉnh biên giới, PV NNVN đã lên biên giới Lạng Sơn, thủ phủ gà lậu lớn nhất nước để ghi nhận tình hình.

Trước tình hình cúm gia cầm (CGC) diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là các tỉnh biên giới, PV NNVN đã lên biên giới Lạng Sơn, thủ phủ gà lậu lớn nhất nước để ghi nhận tình hình.

Các điểm nóng… lạnh ngắt

Trước khi vào khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đã huy động tất tần tật các mối quan hệ để moi đầu mối thông tin về gà lậu. Từ cánh thương lái buôn hàng ở Đồng Đăng, Hữu Nghị đến các chủ buôn ở cửa khẩu Chi Ma hay thậm chí là nhiều người dân ở pháo đài gà lậu Khuổi Mươi (huyện Cao Lộc)… Tất cả đều có chung đáp án: Gà lậu đang án binh bất động.

Kỳ lạ thật! Một tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc dài 253 km, 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 10 lối mở biên giới và vô số lối mòn do người dân 2 nước tự mở lẽ nào có thể kiểm soát được nạn gà lậu chưa bao giờ hết nhức nhối?

Đ, một tay buôn hàng nông sản ở thị trấn Đồng Đăng giải thích: Có ba lý do, thứ nhất thời điểm này đang mùa lễ hội, người dân khu vực biên giới Việt - Trung đang mải mê đi đền chùa, phía Trung Quốc chưa “xuất hàng”. Thứ hai là do giá gà Việt Nam đang rẻ, lại chưa đến vụ gà giống nên gà lậu chưa về. Thứ ba là dịch. Các chốt kiểm tra dựng lên nhan nhản nên các chủ buôn buộc phải nằm im. Họa hoằn lắm chỉ có dân vùng biên đi một vài lồng kiếm cơm thôi.

Theo chỉ dẫn của Đ, chúng tôi vượt rừng vào xã biên giới Bảo Lâm (huyện Cao Lộc).


Các lối mòn ở "điểm nóng" Bảo Lâm hết sức im ắng

Từ trước đến nay, xã Bảo Lâm là điểm tập kết gà lậu đầu tiên ở khu vực đường biên từ cửa khẩu Hữu Nghị vào cột mốc số 23. Đặc biệt là các thôn Cò Luồng và Nà Pán. Đã có thời điểm, hầu hết người dân ở hai thôn này tham gia vào các đường dây vận chuyển gà lậu. Thủ đoạn của họ càng ngày càng tinh vi. Các chủ buôn sang bên kia biên giới mua từng tấn gà lậu rồi xé lẻ thuê người dân đi bộ cõng gà về giấu ở từng nhà sau đó mới tìm cách tập kết về Khuổi Mươi hoặc TP Lạng Sơn.

Vậy mà lạ thay, dù đã cải trang rất kỹ nhưng suốt một đêm thức trắng ở Bảo Lâm tuyệt nhiên không hề phát hiện một lồng gà lậu nào. Đi một vòng quanh Cò Luồng và Nà Pán, chỉ lác đác người già và trẻ nhỏ. Những người dân vốn dĩ sống bằng nghề vận chuyển gà lậu không biết bỏ đi đâu hết. Có người nói họ đi lễ hội, có người nói họ đi sang bên kia biên giới vác hàng thuê. Xe máy, lồng gà xếp đống ở hiên nhà, không có dấu hiệu nào chứng minh người dân “đi gà” thời điểm này.

Ngay giữa thôn Cò Luồng, một chốt công tác của Trạm biên phòng Bảo Lâm mới được dựng lên. Thượng úy Nguyễn Hữu Bình, Phó trạm trưởng Trạm biên phòng Bảo Lâm phân tích: Cứ kiểm soát gắt gao ở nội địa thì vùng biên yên ắng ngay. Lân la mãi chúng tôi mới tiếp cận được S, một người đàn ông ở Cò Luồng chuyên "đi gà" đang chở củi.

S bảo, không đi được đâu, chờ ít hôm nữa xem thế nào đã, mấy hôm nay toàn phải đi chở củi bán mua gạo thôi. Quả thế thật. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, những gia đình ở Bảo Lâm làm nghề xây chuồng để "dưỡng gà" từ Trung Quốc về trước khi tập kết về TP Lạng Sơn những ngày này cũng thất nghiệp, đi tìm việc khác làm.

Không có dấu hiệu gà lậu nào ở Bảo Lâm, chúng tôi tiếp tục hành trình phục kích ở hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ở nơi này, kể cả những đợt lực lượng chức năng làm rốt ráo nhất thì gà lậu vẫn tràn biên như thường. Lý do là bởi những đường biên hai bên cánh gà đi xuyên qua khu dân cư thôn Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng) và nối liền với “pháo đài gà lậu” Khuổi Mươi trước khi lên xe máy phóng như tên bắn về TP Lạng Sơn nên việc bắt gà lậu được đánh giá là còn khó hơn bắt ma túy.


Khu "dưỡng gà" vắng hoe hoét ở xã Bảo Lâm

Lại một đêm thức trắng, cải trang để phục kích nhưng kết quả vẫn không phát hiện được lồng gà nào. Đi cùng chúng tôi hai đêm liền, bản thân Đ cũng cho thế này là một chuyện kỳ lạ, chưa từng có tiền lệ ở thủ phủ gà lậu lớn nhất nước. “Những lần dịch trước cũng có thông báo, cũng thành lập các đoàn liên ngành phục kích nhưng chưa có lần nào gà lậu lại vắng bóng sạch trơn như lần này”.

Trước tình hình “chưa có tiền lệ”, Đ bảo chỉ có cách trực tiếp gặp các chủ buôn và người dân vẫn thường tham gia vận chuyển gà lậu kiểm chứng thì sẽ ra. Sau hàng loạt cú điện thoại cho các đầu mối thông tin, Đ quay ra lắc đầu: Cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã vận động và răn đe 2 đầu nậu ở cửa khẩu Chi Ma và 4 đầu nậu buôn lậu gia cầm ở khu vực Đồng Đăng. Họ đã án binh bất động hết nên gà lậu mới sạch trơn như vậy.

Căng như thời chiến

Không ai dám đảm bảo 100% gà lậu Trung Quốc không đổ bộ ở thời điểm này, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, các cơ quan ban ngành tỉnh Lạng Sơn đang gồng mình hết sức để ngăn chặn.

Cụ thể, để đề phòng dịch cúm H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã lập 24 lều bạt tại các đường mòn, lối mở, chốt chặn 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị và Chi Ma. Kết quả của các chương trình giám sát cho thấy, hiện ở tỉnh này chưa xuất hiện dịch CGC H5N1, cũng như virus H7N9.

Ở các chợ đầu mối, nơi nguy cơ dịch bệnh cao đã được tăng cường kiểm soát và xử lý gắt gao. Các đoàn công tác của tỉnh Lạng Sơn đang tăng cường phun thuốc tiêu độc khử trùng lên 2 lần/ngày. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, kể cả hàng tặng của người dân hai bên biên giới. Theo ghi nhận của PV NNVN, chợ Đồng Đăng và Giếng Vuông, những nơi tập trung nhiều gà lậu trước đây, thời điểm này cũng không có gà Trung Quốc bày bán.

Tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Lý Vinh Quang vẫn hết sức lo lắng: Cả tỉnh Lạng Sơn tập trung triển khai thực hiện “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép”. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch, bệnh và tăng cường công tác kiểm dịch, xử lý triệt để việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y.

Hôm qua (20/2), Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức Hội nghị khẩn “Phòng chống dịch cúm gia cầm” với 14 tỉnh phía Bắc tại tỉnh Lạng Sơn. Theo báo cáo tại hội nghị, đến thời điểm hiện tại, cả nước ghi nhận có 64 ổ dịch ở 16 tỉnh, thành phố có dịch CGC, bao gồm: Đăk Lăk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long.

Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là 51.880 con; số gia cầm tiêu hủy là 66.388 con. Đối với cúm A/H5N1 trên người, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp bị nhiễm và tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Tại Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay chưa xuất hiện bệnh, dịch.


Số bồ câu nhập lậu bị bắt giữ

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Các tỉnh thành cần tập trung thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Tăng cường công tác phòng chống dịch CGC lây lan qua biên giới, tập trung chống dịch CGC và các chủng virus CGC lây sang người.

Trước đó một ngày, Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch tại tỉnh Lạng Sơn. Trong buổi làm việc ở cửa khẩu Chi Ma, ông Hoàng Văn Hà, Chỉ huy trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Chi Ma cho biết trước và sau dịp Tết, gần như việc buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không còn. Đây cũng được xem là một thành tích của tỉnh Lạng Sơn bởi năm ngoái Chi Ma vẫn còn là điểm nóng. Các loại gà, vịt, ngỗng, nhất là gà giống nhập qua lối mở này rất nhiều.

“Năm ngoái, đợt Trung Quốc có dịch, họ đẩy gia cầm sang ta. Trong đó chủ yếu là gà choai 1 tuần tuổi, giá 3.000 - 3.500 đồng/con, nhập về nội địa giá 7.000 - 8.000 đồng/con. Năm nay giảm hẳn, gần như không còn nữa", ông Hà khẳng định.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo: Nguy cơ virus H7N9 vào nước ta qua Lạng Sơn rất lớn, ở tỉnh Quảng Tây, nơi giáp với 4 tỉnh biên giới Việt Nam đã có người chết vì H7N9. Lạng Sơn cần tăng cường lấy mẫu phân tích để kiểm soát virus H7N9, đặc biệt là kiểm tra nghiêm ngặt tình hình nhập lậu gia cầm.

+ Đối với nguy cơ lây lan vius trên người, tỉnh Lạng Sơn trang bị máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Cốc Nam, chuẩn bị lắp thêm một máy ở cửa khẩu Hữu Nghị. 
Lạng Sơn đã chuẩn bị 2 khu cách ly và điều trị tuyến tỉnh, một tại phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Đăng với 15 giường bệnh (tình huống chưa có virus H7N9) và 50 giường (khi xuất hiện virus H7N9 trên người), và một khu tại khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thiết lập một bệnh viện dã chiến tuyến II, III quy mô 70 - 100 giường bệnh, nếu phát hiện virus H7N9.

+ Ngày 18/2, Cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ 650 kg chim bồ câu nhập lậu trên xe ô tô mang BKS 12C-017.84. Lái xe đã bỏ trốn khi bị phát hiện. Điều đó chứng tỏ, những nguy cơ tiềm ẩn ở tỉnh này vẫn còn rất lớn.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất