| Hotline: 0983.970.780

Sân gôn... dồn dân!

Thứ Hai 19/05/2008 , 19:16 (GMT+7)

Những ngày sắp tới đây, những nông dân người Sán Dìu ở thôn Ngọc Quan-xã Ngọc Thanh-TX Phúc Yên- Vĩnh Phúc không biết sẽ sống ra sao khi không còn ruộng vườn, không nghề nghiệp sau khi sân gôn đã tiến đến sát hiên nhà.

Nhộn nhịp mô hình: Sân gôn + Nhà biệt thự

Tại Vĩnh Phúc vào thời điểm này đã có 3 sân gôn là sân gôn Tam Đảo 12 lỗ trên diện tích 137ha nằm trên địa bàn các xã Hợp Châu, Minh Quang, Hồ Sơn; sân gôn Đầm Vạc (TP Vĩnh Yên) từ 50ha ban đầu nay lên đến 126ha và sân gôn Đại Lải 19 lỗ chiếm trọn 298,8ha nằm trên địa bàn xã Ngọc Thanh và ngay sát sân gôn này là sân gôn Minh Chí (Sóc Sơn –Hà Nội ). So với Long An thì Vĩnh Phúc chưa thể soán ngôi "quán quân" về số lượng sân gôn nhưng ở một tỉnh sát Thủ đô trong khoảng bán kính 20km mà có đến 4 sân gôn cũng là đáng "kính nể"...

Khi rót tiền vào dự án sân gôn, các nhà đầu tư đều hứa hẹn một tương lai tươi sáng như gia tăng đóng góp ngân sách cho địa phương, tạo ra nhiều việc làm, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển...nhưng rốt cuộc mục tiêu họ nhắm đến chính là lợi nhuận. Sau khi tạo lập một môi trường thiên nhiên xanh, sạch, đẹp sẽ là lúc nhà đầu tư cắt đất xung quanh các sân gôn để bán cho các đại gia làm biệt thự. Đây chính là cách giải bài toán kinh doanh bất động sản thông qua các dự án làm sân gôn khi mà quỹ đất đang cạn kiệt. Cách làm này có thể khái quát như sau: Các nhà đầu tư treo đầu dê (sân gôn) để bán thịt chó (nền biệt thự).

Chính quyền và người dân Ngọc Thanh ngán ngẩm

Ông Lưu Văn Hữu, Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Thanh than thở: “Biết chắc là dân sẽ khổ vì một khi đã đưa dân đi nơi khác thì khó ổn định cuộc sống ngay được. Nhưng không giải phóng được mặt bằng thì chính quyền cũng khổ!”.

Chúng tôi tìm đến một số gia đình ở thôn Ngọc Quan thì thấy: Tiền đền bù cho hơn 100ha ruộng lúa nước dân đã lấy hết, 2 vụ sản xuất đã trôi qua dân không biết phải làm gì. Số tiền đền bù lấy về phần thì mua sắm tivi, xe máy...phần thì đong gạo, đóng học cho con, đám ma, đám cưới...cũng gần hết. Trong khi đó, dự án sân gôn sử dụng lao động rất ít. Nếu ai được nhận vào làm, thu nhập cũng chỉ 600.000đ/tháng thì việc nuôi sống cả gia đình là không thể. Mỗi hộ chỉ được bố trí 400m2 đất để tái định cư. Nếu dân yêu cầu có thêm 1-2 sào đất để trồng rau màu thì phải trả tiền. Đã có phương án cho dân làm dịch vụ nhưng bán hàng gì, bán cho ai là cả một câu chuyện dài!

Ở Ngọc Thanh có 12.000 dân thì 46% là người Sán Dìu sống trên 7.731ha đất tự nhiên, trong đó có 62% diện tích là rừng. Người dân quen sống dựa vào tự nhiên nay bố trí nơi ở mới tuy ưu việt hơn nhưng thật khó tồn tại được. Sau lần "dời đô" này chắc chắn số hộ nghèo trong xã sẽ không dừng lại ở 237 hộ như hiện nay!

Để có được mặt bằng cho dự án xây dựng sân gôn vui chơi giải trí và du lịch ở Ngọc Thanh cho Cty TNHH Đại Lải –Việt Nam có trụ sở tại 37 Hoàng Cầu (Hà Nội), năm 2007 Vĩnh Phúc đã phải huy động hơn 700 bộ đội, công an cưỡng chế! Bức xúc trước thực tế này, bà Diệp Thị Sinh ở thôn Ngọc Quan là vợ liệt sỹ đã từ chối không nhận sự phụng dưỡng của Cty TNHH Đại Lải- Việt Nam cũng là điều dễ hiểu!

Về dự án sân gôn Đại Lải đã giải phóng được 266ha/298ha, phần còn lại 32ha là nhà cửa, vườn tược của hơn 82 hộ dân Sán Dìu ở thôn Ngọc Quan và thôn Đồng Dè khó có thể thực hiện được khi người dân không kê khai, không nhận đền bù. Trong khi đó theo ông Đoàn Văn Biên, người đang phụ trách thi công sân gôn Đại Lải thì Cty CP Đầu tư xây dựng Hùng Vương đang mua đất của dân ở thôn Ngọc Quan sát sân gôn theo giá thị trường cao gấp hàng chục lần giá đền bù nên dân càng không chịu di dời.

Giải pháp nào cho "hội chứng" sân gôn?

Sân gôn vốn là thú chơi của một số ít người. Cả nước đến thời điểm này mới có 2.700 tay gôn, Vĩnh Phúc cũng mới có hơn 200 tay gôn đăng ký. Nhưng đằng sau đó là số phận của hàng chục ngàn nông dân sau mỗi lần mọc thêm một sân gôn mới.

Sẽ ra sao khi hàng ngàn nông dân phải rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn ra đi để các công ty TNHH xây dựng sân gôn giải trí và làm biệt thự để bán thu lợi chứ không phải công trình quốc kế dân sinh...Như vậy các thành quả mà chúng ta đã phải vất vả để đạt được trong xoá đói, giảm nghèo sẽ tan đi như bong bóng xà phòng.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần xem xét và điều chỉnh quy hoạch sân gôn Đại Lải cho phù hợp với mục đích của dự án, tránh để xảy ra tình trạng như sân gôn Đầm Vạc sau khi được điều chỉnh từ 50 ha lên 126ha đã cắt ngay thành 290 nền biệt thự để bán 1 tỷ đồng/nền như vừa qua

Hiện tại các tranh chấp giữa Cty TNHH Đại Lải Việt Nam với dân vẫn xảy ra như cơm bữa. Nên chăng hãy để cho các nhà đầu tư đối thoại và thoả thuận với dân về giá đền bù dựa trên các quy định cả pháp luật thay vì dùng các biện pháp hành chính, cưỡng chế...Người nông dân khi không còn luống cày để suy nghĩ và quyết định số phận cuả mình thì sẽ là một bi kịch không chỉ của họ mà của cả xã hội.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.