Buổi diễn cuối cùng, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân đã không cầm được nước mắt khi nói lời chia tay khán giả thường xuyên gắn bó với địa chỉ văn hóa này. Tạm thời, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân dời đội ngũ diễn viên ở Sân khấu kịch Super Bowl về rạp Đại Đồng, chia nhau sàn diễn với Sân khấu kịch Sài Gòn của ông bầu Phước Sang.
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân. |
Là một trong những người tâm huyết với tiến trình xã hội hóa sân khấu, nhiều năm qua Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân chấp nhận bù lỗ mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng để duy trì cả hai sàn diễn: sân khấu kịch Phú Nhuận và sân khấu kịch Super Bowl. Nếu như sân khấu kịch Phú Nhuận chú trọng những vở diễn chỉnh chu, thì sân khấu kịch Super Bowl khuyến khích những vở diễn thể nghiệm. Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân dành riêng sân khấu kịch Super Bowl cho những diễn viên trẻ và đạo diễn trẻ có cơ hội thử sức sáng tạo.
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân bộc bạch: “Khi đào tạo học trò, giữ sân khấu cho các em, tôi đã có được một thế kệ kế thừa. Họ có thể làm được những việc tôi đã từng làm ở sân khấu. Ít nhất để Sài Gòn vẫn còn sân khấu sáng đèn. Điện ảnh mang tính quốc tế còn sân khấu mới là bản ngã của một dân tộc.
Các loại hình nghệ thuật truyền thống gần như đã "chết". Cải lương cũng chỉ còn ngắc ngoải với sự nỗ lực của một số nghệ sĩ, đơn vị tư nhân. Nếu không cố gắng giữ sân khấu thì đến một ngày nào đó kịch cũng sẽ “chết”, điều này thì đau đớn lắm. Nếu không còn sân khấu thì khác nào dân tộc ta không còn bản ngã nào cả!”
Câu chuyện của Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân và sân khấu kịch Super Bowl, một lần nữa khiến công chúng nghệ thuật và những nhà quản lý văn hóa phải nghiêm túc suy nghĩ thêm về thành bại xã hội hóa sân khấu. Chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhưng triển khai vào đời sống thì còn nhiều bất cập. Xã hội hóa sân khấu không có nghĩa là Nhà nước phó mặc cho tư nhân muốn làm gì thì làm, mà không có chính sách hỗ trợ hữu hiệu nào.
Gần 20 năm nay, các nghệ sĩ tại TP.HCM đã tích cực tham gia thúc đẩy xã hội hóa sân khấu và gặt hái không ít tác phẩm giá trị. Tuy nhiên, khi ý thức làm giàu đang bủa vây mọi chuyển động của cộng đồng, thì sân khấu khủng hoảng thiếu sàn diễn.
Thật nghịch lý, khi các đoàn kịch được nuôi dưỡng bằng ngân sách cứ thoi thóp mỗi năm một vở để… dự thi liên hoan kịch nghệ, thì sân khấu tư nhân không thể tìm ra chỗ để phục vụ khán giả. Vì sao nhiều mặt bằng thuộc Nhà văn hóa hoặc Trung tâm văn hóa các quận lại dùng để cho thuê dịch vụ đám cưới, mà không cho sân khấu tư nhân thuê lại với giá ưu đãi? Nếu tình trạng hiện nay tiếp tục kéo dài, thì sẽ có ngày những cá nhân tha thiết với sàn diễn như Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân ngậm ngùi bỏ cuộc, và không còn khái niệm xã hội hóa sân khấu nữa!