| Hotline: 0983.970.780

Săn 'lộc trời' trên sông Hàn

Thứ Năm 16/04/2015 , 06:16 (GMT+7)

Từ món ăn dân dã của người nghèo, bây giờ nó đã có mặt tại mọi nhà hàng, quán ăn bình dân đến sang trọng bậc nhất ở Đà Nẵng.

Mùa này, khi nước mặn từ vịnh Đà Nẵng xâm nhập sâu hơn vào nội đồng lưu vực sông Hàn thì cũng là thời điểm ngư dân nơi đây bước vào mùa lặn bắt chíp chíp.

Theo đó, hàng chục ngư dân ngâm mình dưới đáy sông từ sáng sớm đến chiều tối để mò bắt chíp chíp, loại hải sản mà ông trời ban tặng riêng cho dòng sông Hàn. Một ngày siêng năng làm việc, họ có thể thu được cả triệu đồng. Tuy nhiên,  nhiều người trong số họ phải đối diện với nguy hiểm luôn cận kề, có người phải trả giá bằng cả mạng sống của chính mình.

10-09-12_nh-4-tu-ln-chip-chip-tren-song-hn
Tàu lặn chíp chíp của ngư dân Đà Nẵng

"Không dễ ăn"

5 giờ sáng, 3 cha con anh Đặng Văn Linh (49 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã bắt đầu một ngày mưu sinh trên sông Hàn bằng nghề lặn bắt chíp chíp khi thành phố vẫn còn đang ngái ngủ.

Cậu con trai cả Đặng Văn Hân (24 tuổi) nổ máy, chạy chiếc ghe tiến đến khu vực giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn. Tàu tắt máy, cậu út Đặng Văn Hạnh (21 tuổi) nhanh nhẹn thả neo xuống lòng sông.

“Mỗi ngày cha con tui bắt được khoảng năm chục kí, trừ chi phí ra thì được bảy, tám trăm ngàn. Chúng tôi gọi chíp chíp là "lộc trời" ban cho sông Hàn, nhờ có nó mà gia đình tôi sống khỏe re”, anh Linh cười nói.

Dòng sông Hàn cắt ngang TP Đà Nẵng lúc này có gần 20 tàu đánh bắt chíp chíp cũng có mặt. Họ chào nhau, nói rổn rảng, cười ha hả rồi bắt tay vào việc. “Chíp chíp chỉ sống ở khúc sông từ chân cầu Trần Thị Lý về đến chân cầu Thuận Phước, lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn đều không có”, anh Linh nói từ kinh nghiệm hơn 20 năm của mình.

Anh Linh cầm bát nước mắm nguyên chất mới pha từ bình ra, đưa lên miệng uống cạn một hơi. “Uống cái thứ này xuống sông lặn cho đỡ lạnh”, anh giải thích.

Hai người con trai nhanh tay phụ anh đeo bộ thiết bị vào người. Một khối chì nặng hơn 10kg quấn quanh bụng để có thể chìm sâu xuống đáy. Bộ đồ lặn nặng trịch cũ kỹ màu đen đã sờn rách. Chiếc giỏ đựng chíp chíp cột lủng lẳng vào tay. Và quan trọng nhất, bước kiểm tra cuối cùng luôn là ống thở cùng máy trợ thở. Họ kiểm tra kỹ lưỡng từng đoạn dây, chạy thử máy thở mấy lần để không xảy ra tai nạn. “Ngậm ống thở mà bị thủng thì nước vào hoặc máy mà trợ thở mà hư giữa chừng thì nguy ngay”, anh Linh nói rồi từ từ lặn xuống đáy sông.

Hạnh, người con trai thứ hai của anh Linh được giao nhiệm vụ giữ ghe. Hân, cậu con trai lớn ngồi ngay bên máy thở, mắt chăm chăm nhìn theo ống hơi. Thỉnh thoảng, Hân ngẩng mặt lên nhìn xung quanh để cảnh giới.

10-09-12_nh-1-tho-ln-chun-bi-dung-cu
Ngư dân chuẩn bị dụng cụ cho buổi lặn

“Người lặn dưới sông gặp chuyện gì thì giật ống hơi để báo cho người ở trên ghe biết kéo dây lên. Người trên ghe thì căng mắt, thấy ống dây động là phải kéo liền, nếu chậm một giây một phút cũng sẽ khiến người lặn gặp nguy hiểm. Người trên ghe còn phải canh tàu thuyền qua lại trên sông. Mỗi khi gặp tàu lớn chạy thì phải báo trước bằng cách giật dây cho thợ lặn ngoi lên tránh tàu”, Hân kể.

Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, anh Linh ngoi từ dưới đáy sông lên cùng một túi đầy chíp chíp nặng khoảng 10kg. Con trai anh Linh thay cha nhảy xuống nước tiếp tục cuộc mưu sinh dưới đáy sông.

Tranh thủ lúc nghỉ lấy sức, anh kể: “Nghề lặn bắt chíp chíp được người dân Nại Hiên Đông làm hơn 20 năm rồi. Trước đây, thợ lặn không có máy móc hỗ trợ nên chỉ lặn được vài phút là lên ngay nên năng suất không cao. Bây giờ với máy trợ thở thì thợ lặn có thể lặn gần 3 tiếng đồng hồ mới ngoi lên nghỉ lấy sức. Mỗi lần lặn như vậy thợ lặn bắt được từ 10kg chíp chíp trở lên”.

Để bắt chíp chíp, thợ lặn phải xuống đáy sông sâu khoảng 7m. Người thợ phải dùng tay mò mẫm liên tục vào lớp bùn. Chíp chíp không chạy được nên thợ lặn chỉ cần bắt bỏ vào giỏ.

“Nói nghe đơn giản rứa thôi chứ không dễ ăn mô nghe. Người làm nghề ni phải có sức khỏe dẻo dai mới chịu đựng nổi”, anh Linh nói rồi đưa bàn tay chằng chịt sẹo ra khoe. Đó là những dấu vết còn lưu lại sau những lần bị thương tích khi lặn bắt chíp chíp mà anh Linh gặp phải.

“Nhờ có nghề này mới cho mấy đứa nhỏ ăn học, lo chi phí hằng ngày, chứ chúng tôi toàn ghe nhỏ không thể ra biển đánh bắt được”, anh Linh tâm sự.

Ngư dân hành nghề lặn chíp chíp chịu đựng mọi vất vả, cực nhọc nhưng họ cũng nhận được thành quả xứng đáng. Tàu bắt chíp chíp làm việc từ 5 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều thì nghỉ trở về cảng cá Thọ Quang. Tại đây, thương lái đã đứng sẵn, tranh nhau mua sản phẩm.

Chíp chíp được phân loại theo kích thước to, nhỏ để bán được giá. Chíp chíp loại to bán được 20.000-25.000 đồng/kg, loại nhỏ khoảng 16.000 đồng/kg.

Mất mạng vì chíp chíp

Chíp chíp sông Hàn từ món ăn dân dã của người nghèo bây giờ đã có mặt tại mọi nhà hàng, quán ăn bình dân đến sang trọng bậc nhất ở Đà Nẵng.

Đây là món đặc sản mà ai đến thành phố biển này cũng muốn thưởng thức bởi vị ngon đặc trưng hiếm có. Chíp chíp "lên đời" cũng giúp cho những ngư dân sống bằng nghề lặn có cuộc sống khá giả hơn. Vậy nhưng những người hưởng lộc của hà bá cũng luôn đối diện với những nguy hiểm dưới lòng sông, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống.

10-09-12_nh-2-tho-ln-voi-thnh-qu-l-tui-chip-chip
Ngư dân lặn và thành quả là túi chíp chíp

Nhắc đến chuyện sinh nghề tử nghiệp, anh Linh đượm buồn khi nhớ lại cái chết của người em họ Đặng Văn Minh vào tháng 7 năm ngoái. Lần đó, anh Linh sau đợt lặn của mình thì lên thuyền nghỉ ngơi và cảnh giới. Dù đã gần 3 giờ chiều, anh Minh vẫn cố lặn thêm một lần nữa rồi mới về cảng nhưng đó cũng là lần lặn cuối cùng.

“Lúc đó trời mưa to, anh em ai cũng lạnh. Tôi kêu thôi nghỉ mai làm tiếp mà nó nói gắng thêm đợt nữa vì bắt được ít quá. Do vội nên nó quấn dây hơi không kỹ, bị tuột khi đang lặn dưới đáy sông. Khi tôi phát hiện được cùng mấy người khác nhảy xuống đưa lên nhưng không kịp”, anh Linh buồn bã kể.

Một tuần sau tai nạn của anh Minh, ông Nguyễn Dũng (54 tuổi), một thợ lặn chíp chíp khác ở phường Nại Hiên Đông, cũng gặp nạn tử vong. “Con trai ông Dũng đứng trên thuyền cảnh giới nhưng do đang nghe điện thoại nên lơ là cảnh giác. Một chiếc thuyền lớn chạy ngang qua khu vực cha con ông Dũng thả neo khiến chân vịt cắt đứt ống thở. Ông Dũng là thợ lặn kỳ cựu, thuộc từng đoạn sông Hàn như lòng bàn tay mà chỉ một phút sơ sẩy đã phải bỏ mạng cho hà bá”, anh Linh nói.

Hai vụ tai nạn liên tiếp của đồng nghiệp khiến anh Linh quyết tâm bỏ nghề. Dù vậy vì mưu sinh, anh lại trở lại nghiệp lặn sau gần 1 tháng. Dù biết nghề lặn hiểm nguy luôn rình rập, thế nhưng những ngư dân Nại Hiên Đông vẫn bám lấy nó. Bởi nó là nguồn thu nhập chính, là cơm áo gạo tiền của họ.

Hiện nay, chỉ tính riêng phường Nại Hiên Đông đã có hơn 60 ghe thuyền chuyên lặn bắt chíp chíp. Sau mỗi ngày, số chíp chíp mà ngư dân bắt được vào khoảng 5 tấn.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm