| Hotline: 0983.970.780

Sản lượng hồ tiêu sụt giảm

Thứ Sáu 10/02/2012 , 10:21 (GMT+7)

Khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) vụ mới 2012 tại hai tỉnh trồng tiêu trọng điểm là Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, nhiều hộ có năng suất giảm từ 30 – 50% so với vụ trước.

Khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) vụ mới 2012 tại hai tỉnh trồng tiêu trọng điểm là Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, nhiều hộ có năng suất giảm từ 30 – 50% so với vụ trước.

Vườn tiêu rộng 1 ha của hộ Lâm Lũy Tắc (ấp 6, xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú, Đồng Nai) vụ tiêu 2012 này ước chỉ thu hoạch được trên 3 tấn tiêu đen khô, trong khi năm 2011 thu gần 5 tấn (giảm tới 40%). Còn tại hộ nông dân Nguyễn Thị Ngọc Mai (ấp 9, xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú) canh tác 6,5 ha, năm 2011 thu 25 tấn nhưng vụ này ước thu chỉ 15 tấn (cũng giảm 40%).

Tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, đoàn khảo sát vườn tiêu tại hộ Trần Hữu Thắng (ấp Thuận Lộc, xã Xuân Thọ) canh tác 4 ha tiêu trong đó có 1 ha kinh doanh, 3 ha trồng mới. Năm 2011 anh Thắng thu 7 tấn, năm 2012 chỉ thu khoảng 5,6 tấn (giảm 20%). Đặc biệt tại hộ Lê Văn Thường (ấp Xuân Thọ, xã Xuân Thọ) đang canh tác 4 ha, trong đó 2,6 ha tiêu kinh doanh, năm 2011 anh Thường thu tới 8 tấn nhưng năm nay ước chỉ thu khoảng 3 tấn (giảm tới 70%).

Trong khi đó tại huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), do lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh nghiệm canh tác, nên phần lớn vườn tiêu vẫn duy trì được năng suất, sản lượng như năm 2011. Tuy nhiên, cũng có một số hộ năng suất sụt giảm mạnh như hộ nông dân Hồ Lân (thôn Hiệp Thành, xã Quảng Thành) hiện canh tác 0,7 ha (672 trụ) kinh doanh trên 10 năm, năm 2011 thu 4,8 tấn nhưng năm nay ước chỉ 2,5 tấn (giảm tới 50%).

Trao đổi với NNVN, ông Trần Đức Tụng – Chánh Văn phòng VPA lý giải, phần lớn các vườn tiêu tại huyện Tân Phú và Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai năm 2012 năng suất giảm 30-40% so với năm 2011. Nguyên nhân giảm là do mưa sớm và kéo dài đúng vào kỳ phân hóa mầm hoa của cây tiêu, nên cây phát tán, lá nhiều, hoa, quả ít. Ngoài ra, do yếu tố chăm sóc sau khi thu hoạch vụ 2011, cây tiêu mất sức, một số hộ đầu tư chưa kịp thời, chưa đủ mức, nên khi vào vụ mới, cây thiếu lực khi ra hoa kết trái.

Còn tại Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), các vườn tiêu đoàn khảo sát đều sử dụng trụ tiêu là cây thực sinh (có trụ cao trên 10 m, thu 20 kg tiêu khô/trụ). Đặc biệt, vườn tiêu được nhiều nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, sinh thái, tán cây xanh tốt, bền vững nên số hộ giảm năng suất ít hơn.

Để có đánh giá chính xác về vụ tiêu cả nước năm 2012, VPA cho biết, trong 4 ngày từ 14 đến 17/2/2012, đoàn tiếp tục tổ chức đợt đi khảo sát một số vùng tiêu trọng điểm của các tỉnh Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai. “Trên cơ sở các cuộc khảo sát, VPA sẽ có những thông tin, khuyến cáo để nông dân và doanh nghiệp hồ tiêu tham khảo, có kế hoạch định hướng trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đạt hiệu quả nhất trong vụ mới 2012” – ông Tụng nói.

GIÁ HỒ TIÊU TĂNG THÊM 4 – 5 TRIỆU ĐỒNG/TẤN

Ngày 9/2, giá hồ tiêu xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đăk Lăk tiếp tục tăng lên 117 – 118 triệu đồng/tấn, cao hơn tuần trước 4 – 5 triệu đồng/tấn. Hiện tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500 g/l có giá khoảng 5.900 USD/tấn, loại 550 g/l giá khoảng 6.200 USD/tấn (FOB), tăng khoảng 200 USD/tấn so với trước tết.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, dù Việt Nam đang bước vào thu hoạch tiêu, lượng hàng bán ra cũng tương đối nhưng giá vẫn nhích lên là tín hiệu rất tốt, chứng tỏ nhu cầu thị trường thế giới về hồ tiêu vẫn còn căng thẳng.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.