| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 13/09/2020 , 06:01 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:01 - 13/09/2020

Sản phẩm của chúng ta

Con cái là sản phẩm của chúng ta, khi ta già ta sẽ thấy rõ sản phẩm ấy tốt hay là bị lỗi, thế thôi.

Nhà không nhàn mà cả xã ai cũng nói nhà đó nhàn. Ở nông thôn nói nhàn có nghĩa là thong dong, giỏi thu vén. Ông nội người miệt vườn sông Tiền chính hiệu, thời nhộn nhịp khẩn hoang, ông kéo năm anh em giong ghe lườn đi và đi. Đến cuối sông Hậu, mỗi ông tìm một sở đất cắm sào. Phỉ chí, nhưng gian nan.

Hồi ông nội moi gốc tràm cháy, lên liếp đắp đập khuôn vườn và thao chua phèn, người ta không thấy. Chỉ trầm trồ khi cam quýt bưởi và dừa đã rợp bóng, mấy chục năm sau.

Ba đi biền biệt, má đẻ đều như “đến hẹn lại lên”. Má bếp múc, heo cúi, củi lửa, cỏ vườn… làm và làm, kín bưng nỗi lòng.

Cô út, Cô Tư là nội tướng. Đủ và thiếu, ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu, hiếu hỉ bao nhiêu, thuốc men bổ đưỡng cho ông bà nội bao nhiêu... Cô luôn tỉ tê với một bầy cháu vì sao nhà mình không mua ruộng, vì sao đến mùa phải mua lúa ví đầy bồ cho cả năm, vì sao các cháu gái không được bông vòng se sua, vì sao phiên chợ tháng này nhà phải mua món đó còn những thứ khác để tháng sau.

Nghe cô, nhìn cô, biết cần phải như vậy như vậy. Mỗi năm bốn tháng sông bị xâm nhập mặn đắng, nước trong mương vườn được bế lại để dành tắm giặt và tưới cây.

Ông nội tri điền, cô Tư tay hòm chìa khóa tuyệt vời, má là tay lao động phi thường, bảo sao nhà khi nào cũng có hoa trái, khoai củ trong bếp, mỗi tuần một món bánh dân gian bằng gạo hoặc nếp và dừa khô sẵn trên cây.

Chị cả biết may thêu từ lúc mới mười sáu tuổi bắng chiếc máy may Mitsubishi có sớm nhất xã, bầy em no ấm và thơm tho.

Chúng túa ra đời. Và rồi chúng có những đứa con của mình. Gái lặt rau với mẹ nha, khi ấy gái mới có năm tuổi. Nhà mình ở gần bến xe, bà con hay ngủ nhờ để ra bến xe sớm xếp hàng, mình phải lo bữa cơm chiều là vì vậy.

Rau muống dành cho heo nhưng đọt nó non quá, mình ăn cái ngọn, nấu canh chua hay nhồi muối làm gỏi với rau om, được một món ngon, đúng không? Đây, gái rửa mớ khoai lang này để hồi nữa bếp còn than, mẹ vùi khoai cho con với em nghen.

Mở nước gái đừng mở hết cỡ, tiết kiệm chứ, nước cũng phải trả tiền. Điện cũng vậy bước vô bật đèn, bước ra phải tắt nha. Thôi rồi, tháng này mình nhiều khách tiền hơi hụt gái ơi, để mẹ chạy qua dì Bảy nghen. Gái nghe từ nhỏ, gái hiểu và biết buồn vui cùng mẹ.

Khi gái lớn lên chút nữa thì tiết kiệm thành phản xạ và tiền bạc của mẹ hàng tháng ra sao đã thành đề tài thân thuộc mà hai mẹ con đều thấy bổ ích cho nhau, như tình bạn như tri kỷ.

Không ít người trong họ thấy gái của mẹ hay làm hay làm, đã bắt gái xòe tay ra để phán xét lối giáo dục. Nói thẳng vào mặt mẹ nó hoặc nói sau lưng: nghiêm khắc quá, hành con quá, con gái có hai bàn tay thôi, tay đẹp số nó mới sướng.

Con gái không biết đối thoại, chỉ nghĩ, may mà có bà Tư nghiêm khắc thì mới có các dì cậu và mẹ nó hôm nay. Gái đi học, không nề hà với việc trường lớp, thầy cô thương.

Gái thơm thảo với hàng xóm, có quà gì ở quê gái cũng muốn chia sẻ với họ. Gái về ngoại mỗi mùa hè, nghe ngoại mở miệng tâm tình, xem ngoại làm bánh và chăm ngoại khi trái gió trở trời.

Rồi gái lấy chồng. Như mọi người luôn yêu cuộc đời này. Nhà chồng đông, mỗi khi tụ tập thì tầm khoảng hai mươi lăm người. Gái là nàng dâu ngoạn mục. Ngày tết thả xuống chân gái nửa con heo gái cũng không nề hà. Làm gọn thắt, mươi món tủ mẹ bỏ túi cho trước khi lấy chồng, cứ thế múa may.

Mẹ chồng tự hào con dâu giỏi, cả họ thán phục. Không ít người trong họ mẹ của gái lại nói thẳng hoặc nói sau lưng: xả thân thì được gì, hai bàn tay cực từ nhỏ giờ không quen sướng, tội nghiệp, nhà chồng đông quá.

Chỉ có gái là thấy mình hạnh phúc và mẹ của gái bình tâm, nhàn hay bận rộn cũng một cuộc đời, sống được nể vì vẫn khó hơn là sống mà bị ỉ eo, coi thường.

Các con của gái lớn lên. Một lộ trình ấy cho chúng, không nặng nhọc gì cả. Ăn phải vét cho sạch, nước phải tiết kiệm, điện phải vào mở ra tắt, phải biết hỏi han chia sẻ với cha mẹ, ông bà, có khách phải ân cần, lễ phép, lịch sự, đỡ đần.

Cứ thế đến trường, thầy cô quý, bạn bè chan hòa, dân phố khen. Những đứa trẻ được cho là tự lập và sáng như du học sinh ở bển về, mà chúng nó có du học đâu ta?

Không phải không có những cái nhánh thất bại dù chung một gốc một cội. Đơn giản khi con còn nhỏ người mẹ luôn thở than rằng từng bị giáo dục khắc nghiệt quá. Đơn giản vì các tiểu gia đình ấy nuôi con theo phương pháp phải để con nó sướng, tuổi thơ của nó ngắn lắm.

Phải, con cái là sản phẩm của chúng ta, khi ta già ta sẽ thấy rõ sản phẩm ấy tốt hay là bị lỗi, thế thôi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm