| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm làng vươn ra biển lớn

Thứ Tư 15/12/2010 , 09:59 (GMT+7)

Ngày 14/12, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo Quốc tế “Mỗi làng một sản phẩm” lần thứ 7.

Hôm qua, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo Quốc tế “Mỗi làng một sản phẩm” lần thứ 7. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, phát triển ngành nghề nông thôn là mục tiêu quan trọng để thúc đẩy KT-XH ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Theo Bộ trưởng, với dân số trên 80 triệu người, trong đó khoảng 9,3 triệu ha đất nông nghiệp, Việt Nam đã phát huy tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa góp phần đảm bảo an ninh lương thực và XK… Tuy nhiên, hiện ở VN lực lượng lao động nông thôn còn tương đối lớn, chiếm gần 50% dân số cả nước. Dựa trên kinh nghiệm từ chương trình OVOP (mỗi làng một sản phẩm) của các nước, Chính phủ VN đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển.

 “Chúng tôi vinh dự là nước chủ nhà tổ chức hội thảo này. Đây là cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm thực thi chính sách, phát triển thị trường và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam và các nước” - Bộ trưởng nói.

TS Hiramatsu Morihiko, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển mỗi làng một sản phẩm Oita (Nhật Bản) - người khởi xướng phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” cho biết, từ Nhật Bản, Trung Quốc chương trình OVOP đã lan rộng ra nhiều nước, đặc biệt đã rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị ở các nước đang phát triển. “Trước đây Nhật Bản cũng có sự chênh lệch lớn, nhưng do thực hiện tốt phong trào OVOP và nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ nên khoảng cách nông thôn và thành thị đang xích lại gần nhau” - ông khẳng định.

Tham luận tại hội thảo, ông Liu Yanguo, Phó Chánh văn phòng Sở Quản lý Ngoại vụ Trung Quốc cho biết mô hình OVOP phát triển mạnh trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp ở nước này. Theo ông Liu Yanguo, TQ đã có hơn 50.000 làng nghề ứng dụng mô hình OVOP, chiếm 7,5% tổng số làng hành chính với hơn 20 triệu hộ gia đình tham gia, chiếm 8,3% tổng số gia đình ở khu vực nông thôn. OVOP đã tạo ra phương thức mới cho SX, tạo thêm cơ hội việc làm và cải thiện chất lượng sản phẩm, thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết: VN có hơn 2.000 làng nghề SX ra các loại sản phẩm khác nhau, góp phần CNH-HĐH nông thôn, giảm thiểu cách biệt về thu nhập nông thôn - thành thị. Thông qua ngành nghề truyền thống, người dân đã chuyển tải những tinh hoa văn hóa của cộng đồng vào chính sản phẩm mình làm ra. Theo Thứ trưởng, giá trị XK sản phẩm ngành nghề năm 2009 đạt 900 triệu USD, dự kiến đạt 1 tỷ USD vào 2010, thị trường XK ở 100 nước trên thế giới.

Ông Hùng khẳng định, việc xây dựng và thực hiện chương trình mỗi làng một nghề là việc làm cần thiết nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển theo hướng chuyên nghiệp vào một hoặc một vài sản phẩm đặc sắc của địa phương, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Ngay từ năm 2005 Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề, giai đoạn 2006-2015” với mục tiêu đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt 15%/năm, thu hút 300 ngàn lao động mỗi năm làm việc tại các làng nghề...

“Để thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”, chúng ta cần giải quyết mấy vấn đề sau: Thứ nhất quy hoạch địa điểm làng nghề không làm ảnh hưởng đến môi trường. Thứ hai, đào tạo nghề một cách bài bản, đào tạo cả thủ công truyền thống lẫn nghề mới. Thứ ba, phải có chính sách thỏa đáng đối với nghệ nhân giỏi để họ truyền nghề cho thế hệ trẻ. Với tư duy sản phẩm từ một làng quê phải vươn ra được khắp thế giới, Nhật Bản đã xây dựng thành công “Mỗi làng một sản phẩm” là điều chúng ta cần học tập” - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận làng nghề VN còn một số hạn chế như thông tin thị trường sản phẩm cho người SX chưa cụ thể, chính sách đào tạo, hướng dẫn truyền nghề cho lao động chưa được chú trọng… Ông cho rằng những trao đổi tại buổi hội thảo này là bài học kinh nghiệm quý giá để các nước cùng nghiên cứu vận dụng hiệu quả vào quá trình phát triển làng nghề.

TS Chu Tiến Quang, Trưởng ban Chính sách PTNT - Viện Nghiên cứu Quản lý TƯ dẫn nguồn tin từ Bộ TN-MT cho biết, kết quả điều tra 52 làng nghề vừa qua cho thấy môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu ở làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, dệt nhuộm, SX nhựa khiến người lao động phải tiếp xúc nhiều hóa chất độc hại. “VN đã có Luật Bảo vệ môi trường, song chức năng nhiệm vụ bảo vệ môi trường làng nghề chưa quy định rõ ràng; chưa có chính sách cụ thể về di dời CSSX gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Phát triển mỗi làng một nghề là chủ trương đúng, nhưng không phải cứ để làng nghề SX ào ào” - ông Quang nói.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề VN Lưu Duy Dần cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề đang trở thành nhu cầu cấp thiết không riêng một quốc gia nào. Hiện nay ở nhiều nước đang diễn ra khủng hoảng về phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề rất nghiêm trọng. Vì vậy chương trình phát triển mỗi làng một sản phẩm phải là phong trào, góp phần tích cực vào bảo tồn và phát triển làng nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động…

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất