| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm tôm công nghệ cao Hiệp Phước

Chủ Nhật 17/11/2019 , 10:06 (GMT+7)

Nhiều năm qua, tôm nuôi ở xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) là sản phẩm chủ lực giúp nông dân ổn định kinh tế và làm giàu.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Nông nghiệp Hiệp Thành.

Nhằm ổn định đầu ra, chính quyền xã và người nuôi tôm phối hợp với doanh nghiệp sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, tìm đường cho con tôm xuất ngoại…

15 hộ đầu tư công nghệ cao

Đến UBND xã Hiệp Phước, chúng tôi được anh Trần Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã hồ hởi đón tiếp và khoe, vừa qua, nhiều doanh nghiệp chuyên về công nghệ, giống, thu mua, trong đó có cả những doanh nghiệp đa quốc gia, đã về xã “hội nghị bàn tròn” với và bà con để tìm hướng nâng tầm cho con tôm.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Phước, nuôi tôm công nghệ cao cho tỷ lệ thành công khá cao, năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha. Tuy nhiên, chi phí đầu tư khá cao, khoảng 1,8 tỷ đồng/ha. Đây là số tiền không phải nhỏ đối với người nông dân. Để hỗ trợ người nuôi, anh Vinh vận động các nguồn vốn hỗ trợ. Chỉ riêng Quỹ hỗ trợ nông dân của xã đã cho 60 hộ nuôi tôm vay hơn 4 tỷ đồng.

Anh Vinh cho biết, toàn xã hiện có 223 hộ nuôi tôm với 234 ha mặt nước. Ngoài mô hình nuôi tôm truyền thống, có 15 hộ đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích hơn 50 ha. Trong số những mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, Hiệp Phước hiện có 1 HTX và 2 tổ hợp nuôi tôm công nghệ cao.

Trong đó, HTX Nông nghiệp Hiệp Thành có 12 xã viên (8 người có chứng nhận nuôi tôm VietGAP). Diện tích tôm của HTX hiện nay là 23 ha với gần 70 ao nuôi tôm, mỗi ao cho sản lượng trung bình 15 tấn/ha.

Ông Trần Văn Mùa, Giám đốc HTX Nuôi tôm Hiệp Thành cho biết, nghề nuôi tôm ở xã Hiệp Phước đang phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm.

 

Máy hỗ trợ nuôi tôm công nghệ cao ở Hiệp Phước.

Theo báo cáo của xã Hiệp Phước, trung bình mỗi ha mặt nước nuôi tôm, thu hoạch khoảng 6 tấn tôm/vụ. Sản lượng tôm toàn xã bình quân khoảng 3.000 tấn/năm. Đầu ra thì chủ yếu là chợ đầu mối thủy sản Bình Điền. Giá thì vẫn phụ thuộc thị trường, tùy thời điểm, nhưng chấp nhận được. Chỉ trừ khi giá tôm trên thị trường bất ổn, “đụng” tôm từ các tỉnh miền Tây lên, giá tôm Hiệp Phước mới giảm. Cũng có một số hộ nuôi được thương lái, doanh nghiệp, ký hợp đồng thu mua.

Lão nông Trần Văn Bình ở ấp 4, nuôi 1 ha tôm bán công nghiệp, cho biết, trên địa bàn cũng có vài công ty thủy sản, nhưng họ thu mua tôm nuôi trên địa bàn rất ít. Nên tôm thành phẩm của nông dân chủ yếu vẫn bán cho các thương lái chợ đầu mối Bình Điền.

Giải pháp đầu ra ổn định

Ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ một doanh nghiệp cho biết, hiện ông đang liên kết với nông dân Hiệp Phước sản xuất tôm để xuất khẩu. “Tôi đã từng đưa trái khóm (dứa) sang Pháp nên không khó gì để đưa các nông sản khác ra thị trường nước ngoài”, ông Tùng khẳng định.

Theo ông Tùng, không chỉ ở Hiệp Phước, mà nhiều địa phương nuôi tôm khá manh mún, mạnh ai nấy làm. Để con tôm Hiệp Phước có thể xuất khẩu được, không có cách nào khác là phải xây dựng chuỗi liên kết.

“Hiện nay HTX Hiệp Thành đã có vùng nguyên liệu nuôi tôm, một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã đáp ứng chất lượng xuất khẩu. Đây là bước khởi đầu tốt, nhưng muốn đưa con tôm Hiệp Phước ra thế giới cần phải “nâng cấp” vùng nguyên liệu tôm bằng công nghệ 4.0 để có farm tôm chất lượng cao giới thiệu với doanh nghiệp nước ngoài. Phải liên kết được với nhà máy chế biến để cho ra tôm thành phẩm trước khi xuất khẩu.

Kiểm tra định kỳ tôm nuôi và mẫu nước nuôi tôm công nghệ cao.

“Đây là kế hoạch của tôi với nông dân nuôi tôm ở Hiệp Phước. Mọi chuyện mới ở phía trước, còn rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu bà con và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ, cùng phối hợp ăn ý trong toàn bộ quy trình nuôi, để cho ra sản phẩm tôm đạt chất lượng, thì tôi tin tôm Hiệp Phước xuất ngoại là chuyện đương nhiên, chứ không phải chịu cảnh bấp bênh đầu ra như trước”, ông Tùng chia sẻ.

Ông Tùng cho biết thêm, sắp tới sẽ thành lập HTX nuôi tôm để liên kết sản xuất với bà con nông dân-một trong những tiền đề để đưa con tôm Hiệp Phước ra thế giới.

“Phải “nâng cấp” mô hình nuôi tôm, không chỉ để chất lượng tôm đạt yêu cầu doanh nghiệp nhằm rộng đầu ra, mà còn đối phó với quỹ đất nông nghiệp ngày càng hẹp dần trước tốc độ đô thị hóa. Nếu nông dân nuôi tôm chưa đủ tiền đầu tư cùng một lúc thì chia nhỏ ao ra để đầu tư công nghệ cao 4.0. Nếu thiếu vốn thì chính quyền sẽ tìm cách hỗ trợ”, ông Phạm Văn Mỹ, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Phước.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất