| Hotline: 0983.970.780

Sẵn sàng khởi kiện chống bán phá giá với gà Mỹ

Thứ Sáu 31/07/2015 , 08:20 (GMT+7)

Đây là lần đầu tiên trong ngành nông nghiệp nước ta, một số Hiệp hội muốn khởi kiện hành vi bán phá giá của một mặt hàng nhập khẩu.

Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa cùng gửi công văn lên Bộ Công thương, đề nghị tiến hành điều tra chống bán phá giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ.

Đây là lần đầu tiên trong ngành nông nghiệp nước ta, một số Hiệp hội muốn khởi kiện hành vi bán phá giá của một mặt hàng nhập khẩu. Báo NNVN đã có buổi trao đổi với ông Lê Văn Quyết, PCT Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm ĐNB (ảnh dưới) quanh vấn đề này.

16-46-59_trongvn

Thưa ông, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm ĐNB phát hiện ra sự bất thường giữa giá thịt gà bán ở Mỹ với giá thịt gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam từ khi nào, để qua đó cho rằng gà Mỹ đang bán phá giá ở Việt Nam?

Trước đây, chúng tôi vẫn nghĩ người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu chỉ ăn ức gà và không sử dụng các sản phẩm còn lại như đùi, cánh… Vì thế, sau khi bán ức với giá cao nên đã đủ lợi nhuận cần thiết, họ có thể bán đùi, cánh và các phụ phẩm khác với giá bao nhiêu cũng được. Có lẽ vì vậy mà đùi, cánh và các phụ phẩm từ gà nhập khẩu về Việt Nam thường có giá rất rẻ. Xuất phát từ quan niệm đó, chúng tôi bỗng nảy ra ý nghĩ nếu người tiêu dùng châu Âu, Mỹ thích ăn ức gà dù giá cao thì tại sao Việt Nam lại không tìm cách xuất khẩu ức gà sang những thị trường này.

Vậy là chúng tôi cử người sang Mỹ để khảo sát thị trường ức gà. Chính qua chuyến khảo sát này, chúng tôi mới phát hiện ra ở Mỹ, người ta không chỉ ăn ức gà như lâu nay ta vẫn nghĩ, mà ăn cả đùi gà và nhiều phụ phẩm khác. Bằng chứng rõ ràng là họ bán gà nguyên con, đủ cả đùi, cánh hay bán riêng đùi. Một phát hiện quan trọng khác nữa là sự chênh lệch quá lớn giữa giá thịt gà bán ở Mỹ với giá thịt gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam. Gà nguyên con bán trong siêu thị Mỹ giá tương đương với gần 200.000 đ/kg, đùi 60.000-70.000 đ/kg. Vậy mà gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam, giá khi tới tay người tiêu dùng lại chỉ ở mức quá rẻ là 18.000-20.000 đ/kg. Giá thịt gà ở nước xuất khẩu mà lại cao gấp 4 lần so với giá bán ở nước nhập khẩu thì thật vô lý. Gà đi từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu phải tốn thêm nhiều chi phí như cấp đông, vận chuyển, thuế, phân phối…, thì sao lại rẻ đến như vậy? Từ đó chúng tôi nghi ngờ gà Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam đang có sự bất thường, trước hết là về giá cả.

Ngoài những bằng chứng về giá thịt gà bán tại siêu thị Mỹ, các ông đã thu thập được thêm những bằng chứng gì để cho rằng gà Mỹ bán phá giá sang Việt Nam, như giá thành gà trắng bên đó chẳng hạn?

Chúng tôi chưa khảo sát giá thành, nhưng để tính ra giá thành sản xuất gà trắng ở Mỹ là chuyện dễ dàng, bởi nuôi gà công nghiệp ở đâu thì cơ cấu giá thành cũng như nhau: giống, thức ăn, thú y, nhân công, tiền điện, khấu hao chuồng trại…

Gà trắng nuôi trên thế giới đều có từ nguồn giống do 2-3 công ty cung cấp, nên giá gà giống giữa Mỹ và Việt Nam không có sự khác biệt. Nuôi gà công nghiệp ở Việt Nam cũng đã đạt mức chuyển hóa thức ăn cao, không thua gì các nước có nền chăn nuôi tiên tiến. Hiện tại, trong nuôi gà công nghiệp ở Việt Nam, cứ 1,5-1,6 kg thức ăn cho ra 1 kg gà. Thức ăn cho gà ở Việt Nam có thể cao hơn ở Mỹ do sản xuất thức ăn chăn nuôi ở ta còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nhưng giá nhân công nuôi gà ở Việt Nam lại rẻ hơn nhiều. Như vậy, giá thành gà công nghiệp ở Mỹ sao có thể thấp hơn ở Việt Nam, và càng khó có thể rẻ đến mức chỉ chưa tới 10.000 đ/kg, là mức giá thành mà chúng tôi tính ra từ giá bán thịt gà nhập khẩu từ Mỹ ở Việt Nam hiện nay là 18.000-20.000 đ/kg.

Theo ông, còn những lý do nào mà thịt gà Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam lại quá rẻ như vậy và rẻ hơn quá nhiều so với thịt gà bán ở Mỹ?

Tôi nghi ngờ có những lô hàng thịt gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam với giá quá rẻ như vậy là có vấn đề về mặt chất lượng. Có thể đây là những lô hàng thịt gà đã cận date, nên nhà xuất khẩu bán giá rẻ mạt cho nhà nhập khẩu Việt Nam. Vừa rồi, nhiều địa phương ở Mỹ có dịch cúm gia cầm. Thịt gà ở những địa phương này không xuất khẩu được, nên cũng có thể đã được đưa về Việt Nam với giá rẻ mạt nhằm giải phóng hàng tồn kho.

Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm ĐNB đã chuẩn bị những gì để có thể kiện chống bán phá giá đối với thịt gà Mỹ nhập khẩu?

Trước mắt chúng tôi mới gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương, đề nghị tiến hành điều tra chống bán phá giá thịt gà Mỹ nhập khẩu và đang chờ những thông tin phản hồi, hướng dẫn từ cơ quan này. Đồng thời cũng chuẩn bị các thủ tục pháp lý, các bằng chứng để có thể khởi kiện các doanh nghiệp Mỹ đã xuất khẩu thịt gà với giá rẻ mạt sang Việt Nam.

Trong nhiều tháng qua, các doanh nghiệp, trang trại nuôi gà công nghiệp đều thua lỗ nặng nề do giá loại gà này trong nước giảm sâu so với giá thành trước sức ép từ thịt gà Mỹ nhập khẩu với giá quá rẻ. Dù lỗ nặng, nhưng các doanh nghiệp, trang trại vẫn đang phải cắn răng tiếp tục thả nuôi vì chuồng trại đã đầu tư bài bản, rồi công ăn việc làm của công nhân, vốn đã vay ngân hàng… Không nuôi không được, mà càng nuôi thì lỗ càng nhiều. Bởi vậy, các doanh nghiệp, trang trại nuôi gà công nghiệp ở ĐNB đều đã đồng lòng, nhất trí, sẵn sàng đóng góp kinh phí để thực hiện vụ kiện này.

Để gỡ khó cho gà Việt Nam, chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng siết chặt hơn về mặt chất lượng đối với thịt gà nhập khẩu và tạo cơ chế, chính sách để giúp cho các doanh nghiệp có thể xuất khẩu được các sản phẩm gia cầm chất lượng tốt, đảm bảo các yêu cầu an toàn dịch bệnh, ATTP.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm