| Hotline: 0983.970.780

Sân vườn nhà ai?

Thứ Năm 19/12/2013 , 10:02 (GMT+7)

Hằng ngày, đất sản xuất của dân vẫn bị xói lở, bào mòn mà cán bộ đến hiện trường cũng chỉ để tham quan. Giới hạn cũng như không giới hạn. Cấm cũng như không cấm. Mệnh lệnh hành chính của các cấp chính quyền địa phương tuy đã ban hành nhưng hoàn toàn vô hiệu.

Hằng ngày, đất sản xuất (SX) của dân vẫn bị xói lở, bào mòn mà cán bộ đến hiện trường cũng chỉ để tham quan. Giới hạn cũng như không giới hạn. Cấm cũng như không cấm. Mệnh lệnh hành chính của các cấp chính quyền địa phương tuy đã ban hành nhưng hoàn toàn vô hiệu.

>> Sông Lô dậy sóng!

Trong quyết định cấp phép khai thác cát sỏi UBND tỉnh yêu cầu Cty TNHH Vận tải Bạch Hạc phải thực hiện đúng chỉ giới nhưng Cty không chấp hành. Nhân dân xã Bình Bộ liên tục kêu cứu trong gần 3 năm nhưng tới tận tháng 6/2013 Sở TN - MT tỉnh Phú Thọ mới tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác của Cty Bạch Hạc và có báo cáo gửi UBND tỉnh.

Lúc này, diện tích sạt lở đã ăn sâu vào gần chân đê chỉ còn cách 61,5 m, có những nơi sạt lở sâu đến 90 m. Chạy dài theo toàn tuyến đê 1,6 km về hạ lưu nhìn chung đều bị sạt lở sâu từ 22 m đến 75 m. Có thể thấy, sự chậm trễ, buông lỏng quản lý của các cấp, ngành tỉnh Phú Thọ cũng là một nguyên nhân dẫn đến hậu quả là an toàn đê điều bị đe dọa và gần 20 ha đất SX bị hủy hoại hoàn toàn.

Dấu hiệu tội phạm hủy hoại tài nguyên đất đã rất rõ ràng mà chưa ai phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, sau khi UBND tỉnh ra quyết định chấm dứt hoạt động khai thác cát của Cty, yêu cầu CA tỉnh, huyện Phù Ninh phải tăng cường quản lý tài nguyên nhưng cho đến thời điểm ngày 11/12, phóng viên khảo sát thực tế tại xã Bình Bộ, các tàu khai thác cát vẫn ngang nhiên hoạt động.



Hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra trên địa bàn xã Bình Bộ bất chấp lệnh cấm của UBND tỉnh Phú Thọ

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Phúc, Chủ tịch UBND xã Bình Bộ, khẳng định trong phạm vi thẩm quyền được pháp luật cho phép, chính quyền xã đã làm hết trách nhiệm với nhân dân tuy nhiên khi xã báo cáo lên huyện, đoàn cán bộ của huyện gồm cả CA, Phòng TN - MT xuống đến nơi cũng chỉ dừng lại ở hoạt động ghi nhận bằng biên bản rồi đứng nhìn vì “thiếu phương tiện, không đủ thẩm quyền giữ tàu”.

Ông Phúc cũng cho biết thêm rằng “thẩm quyền” giữ, xử lý tàu vi phạm thuộc về Cảnh sát đường sông và khúc sông trên địa bàn xã Bình Bộ là địa bàn phụ trách của ông Nguyễn Xuân Hậu, cán bộ Cảnh sát đường sông CA tỉnh.

Các cuộc họp với huyện, xã, ông Hậu cũng có mặt để nắm bắt tình hình, cũng kí vào biên bản vậy nhưng trong suốt 3 năm qua tình trạng tầu không số hiệu khai thác cát trái phép vẫn xảy ra ngang nhiên trên địa bàn. Nhiều lần cán bộ xã gọi điện thoại cho ông Hậu theo số máy 0979728… thông báo tầu vào bờ khai thác cát trái phép nhưng ông Hậu không xuống địa bàn và cũng không có phản hồi.

Điều khiến nhân dân bức xúc, dẫn tới bạo động chính là sự thờ ơ của những cá nhân có chức trách, có thẩm quyền. Đất SX của dân vẫn bị bào mòn hằng ngày mà cán bộ đến hiện trường cũng chỉ để “tham quan”. Thế nên mới có chuyện người dân tuyên bố với đoàn công tác là “cán bộ không làm thì để dân làm” và tầu hút cát bị đốt cháy ngay khi Phó trưởng CA huyện đang thi hành nhiệm vụ.

Ngày 15/11/2013, ngay sau khi xảy ra vụ việc tàu khai thác cát trái phép bị đốt có 23 công dân ở khu 10, 11, 12 xã Bình Bộ đến Trụ sở Tiếp công dân của UBND tỉnh trình bày nội dung liên quan đến việc khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô.

Ngày 19/11/2013, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản chỉ đạo CA tỉnh tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn, tăng cường lực lượng tuần tra xử lý không để các tầu neo đậu, khai thác cát sỏi trái phép trong vùng cấm, xử lý nghiêm các tàu thuyền hoạt động trên sông không có biển số, đồng thời điều tra xử lý các băng nhóm tội phạm đứng ra bảo kê cho hoạt động khai thác trái phép trên tuyến sông Lô.

Nội dung văn bản chỉ đạo thật kiên quyết, tỉnh còn giao nhiệm vụ cụ thể cho Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh, Sở TN - MT, Sở GT - VT… cùng phối hợp xử lý. Vậy nhưng, tỉnh chỉ đạo là việc của tỉnh còn thực tế khai thác cát là việc không thể dừng.

Ngày 3/12/2013 lại xảy ra vụ việc dân đốt tầu và giang hồ ngang nhiên mang dao, kiếm đến dồn đuổi, trả thù nhân dân. Chắc chắn rằng thông điệp bằng “giấy trắng, mực đen” của UBND tỉnh Phú Thọ ban hành trước đấy nửa tháng đã bị tắc lại ở đâu đó, không thể chuyển đến những băng nhóm tội phạm khai thác cát.

Riêng đối với nhân dân xã Bình Bộ, chuyện những quyết định của cơ quan quản lý nhà nước bị vô hiệu đã trở nên quá đỗi quen thuộc bởi suốt 3 năm qua hoạt động quản lý nhà nước ở khúc sông Lô chảy qua địa bàn xã hoàn toàn để ngỏ.

Người dân xã Bình Bộ đã từng đứng trên đê cùng lực lượng CA huyện chứng kiến "sa tặc" hoành hành, từng phải chặn xe CA huyện vì “mập mờ” địa chỉ di chuyển đối tượng khai thác cát trái phép. Họ cũng đã yêu cầu CA huyện công khai danh tính chủ tầu khai thác cát, yêu cầu CA trả lời dân đã xử lý những tàu bị đốt như thế nào?

Đề nghị của nhân dân xã Bình Bộ là chính đáng tuy nhiên tất cả rơi chìm trong im lặng. Đây mới là điểm đáng sợ! Một hệ thống chính quyền địa phương gần như bất động thì nhất định phải có nguyên nhân sâu xa.

Cát sẽ trở thành vàng! Vì lợi nhuận, các đối tượng khai thác cát đã không từ thủ đoạn nào để duy trì hoạt động từ mua chuộc, dụ dỗ đến đe dọa và sử dụng giang hồ trấn áp người dân. Phải chăng cũng vì lợi nhuận mà có những cán bộ cố tình làm ngơ cho sai phạm? 

Giải quyết triệt để vấn đề này, tỉnh Phú Thọ cần quy trách nhiệm của từng cán bộ có thẩm quyền liên quan. Về góc độ quản lý nhà nước, khi UBND xã Bình Bộ liên tục báo cáo về tình trạng sạt lở nhưng huyện không có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn, để gần 20 ha đất SX bị hủy hoại hoàn toàn thì người phải chịu trách nhiệm đầu tiên phải là Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh, sau đó đến Sở TN- MT.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tỉnh Phú Thọ sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh và GĐ Sở TN- MT như thế nào?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất