| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất giảm phát thải khí nhà kính

Thứ Năm 16/10/2014 , 13:14 (GMT+7)

Ở Việt Nam, ngành nông nghiệp đã tạo ra khoảng 40% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị báo cáo kết quả Dự án “Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông VN trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải: Giảm khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp” do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì.

nh-3153446780
Quang cảnh hội nghị  

Khuyến nông vào cuộc

Ở Việt Nam, ngành nông nghiệp đã tạo ra khoảng 40% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong đó, ngành chăn nuôi là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường do thiếu nhận thức về quản lý chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn và quản lý chất thải.

Trung bình hằng năm khối lượng phân được thải ra ước tính khoảng 85 triệu tấn, trong đó chăn nuôi bò chiếm khoảng 38 triệu tấn, lợn 25 triệu tấn, gia cầm 22 triệu tấn. Các loại phân rắn được sử dụng làm phân bón hữu cơ có giá trị cao cho việc trồng trọt, nhưng kết quả là nó lại làm phát thải khí nitrous oxide (N2O) vào khí quyển. Các loại phân bùn phát thải chủ yếu là khí mê tan (CH4) và N2O.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, đối với lĩnh vực trồng trọt, nhất là trong canh tác lúa, việc sử dụng lãng phí các yếu tố đầu vào như nước, phân bón, thuốc BVTV… là nguyên nhân dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính tăng cao.

Trong những năm qua, Chính phủ VN và Bộ NN-PTNT đã có nhiều chương trình thiết thực để triển khai hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Dự án “Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông VN trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp” do Trung tâm KNQG triển khai bằng nguồn hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ là một trong những hoạt động thiết thực để hoành thành mục tiêu đó.

Ý nghĩa lớn

Bà Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm KNQG cho biết, mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc và canh tác lúa nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại Thái Bình, Hà Nội, TT - Huế, Cần Thơ.

Trung tâm đã tổ chức 4 lớp tập huấn về chăn nuôi và canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính cho 120 học viên, đồng thời tổ chức 2 đoàn tham quan, học tập các mô hình trình diễn áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để giảm khí phát thải trong chăn nuôi và SX lúa tại Thái Lan.

nh-2-4153446920
Mô hình chăn nuôi bò hạn chế phát thải khí nhà kính của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (Hoài Đức)

Từ tháng 10/2013, mô hình “SX lúa giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng suất” đã được triển khai tại Thái Bình và Cần Thơ. 123 hộ nông dân trồng lúa đã được tập huấn các kỹ thuật canh tác tiên tiến như tưới khô ướt xen kẽ kết hợp với bón phân; bón phân theo bảng so mầu lá và xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm.

Ông Nguyễn Văn Tiến, thôn Đồng Ải, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức chia sẻ: “Ngoài được chỉ dạy cách phối trộn thức ăn cho bò để tận dụng nguồn thức ăn của địa phương, giúp hạ giá thành sản phẩm, tôi còn được hỗ trợ xây hầm biogas, xử lý chất thải chăn nuôi, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường do lượng khí CH4 phát sinh ít hơn”.

Theo đánh giá kết quả thực hiện mô hình (gieo cấy lúa BC15) tại Thái Bình, nông dân đã tiết kiệm được khoảng 1,6 triệu đồng chi phí phun thuốc BVTV, thủy lợi phí và công phun thuốc BVTV so với mô hình đối chứng (canh tác thông thường). Năng suất của lúa đạt 7.300 kg/ha (cao hơn mô hình đối chứng 300 kg) và lãi thuần cao hơn khoảng 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các chỉ số về môi trường đã được cải thiện tích cực. Theo báo cáo của Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp VN), tổng lượng khí CH4 phát thải của mô hình ở Thái Bình trong vụ xuân 2014 (áp dụng kỹ thuật tưới khô ướt xen kẽ) là 202,56 kg/ha/vụ, giảm 168,7 kg/ha/vụ so với phương pháp để ngập nước thường xuyên. Đồng thời, lượng phát thải N2O cũng giảm khoảng 3 kg/ha/vụ.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, kỹ thuật quản lý nước ngập khô xen kẽ và phân bón cân đối với mật độ gieo trồng có xu hướng cho năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính.

Người dân tham gia mô hình nắm rõ, áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa, góp phần giảm lượng khí phát thải, tăng hiệu quả kinh tế và mạnh dạn áp dụng vào vụ SX kế tiếp. Tuy nhiên, một số hộ nông dân chưa tuân thủ chính xác thời gian rút nước; chưa quen bón phân khi đất ẩm; lượng phân bón khuyến cáo đã giảm so với tập quán cũ nhưng một số hộ vẫn bón phân cao hơn.

Trong khuôn khổ của dự án, Trung tâm KNQG cũng đã phối hợp với các Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, TT - Huế xây dựng mô hình kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc (áp dụng với bò thịt) nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Quang Tuyến, Trạm trưởng Trạm KN huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: "Sau khi được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn phương pháp phối trộn thức ăn tinh, cùng thức ăn thô xanh, áp dụng FFS (phương pháp lớp học hiện trường), rơm ủ ure vôi, các chủ hộ nông chăn nuôi tham gia mô hình đều khẳng định con vật tiêu hóa tốt hơn, tăng trọng nhanh hơn so với bò không được ăn thức ăn trên".

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.