| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lạc xuân 50 tạ/ha

Thứ Năm 25/10/2012 , 10:06 (GMT+7)

Lạc là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Nghệ An. Tổng diện tích lạc hằng năm của tỉnh đã cán mức 25.000 ha/năm.

Lạc là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Nghệ An. Từ SX 1 vụ lạc/năm (vụ xuân), nông dân đã triển khai thêm vụ lạc hè thu và thu đông thành 3 vụ/năm. Vụ lạc thu đông chủ yếu SX giống cho vụ xuân năm sau. Vì thế, tổng diện tích lạc hằng năm của tỉnh đã cán mức 25.000 ha/năm.

Đột phá về năng suất

Để phát huy thế mạnh, Nghệ An đã đưa rất nhiều giống lạc mới như lạc sen, L14, L18, L20, L23... cùng các TBKT mới như phủ nilon, IPM... để tăng năng suất. Tuy nhiên, năng suất lạc xuân bình quân mới đạt từ 25 - 27 tạ/ha.

Từ năm 2008 đến nay, dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Nghệ An đã phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung bộ triển khai mô hình ứng dụng quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM) để nâng cao năng suất lạc xuân tại một số huyện và đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Năng suất tại các mô hình đều đạt mức bình quân trên 50 tạ/ha.

Ông Trần Văn Hiếu, Chủ nhiệm HTX Nam Thịnh, xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) cho biết: Trước năm 2008 đến nay, HTX luôn có diện tích lạc xuân ổn định là 400 ha và 30 ha lạc thu đông. Mặc dù bà con đã sử dụng quy trình phủ nilon và có kinh nghiệm trong SX lạc nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 26 - 30 tạ/ha (lạc thu đông 18 - 22 tạ/ha).

Vụ xuân 2012, 195 hộ dân trong HTX làm thí điểm mô hình ICM bằng giống lạc L14 với tổng diện tích 30 ha. Kết quả năng suất thực thu trung bình đều từ 50,2 - 50,4 tạ/ha (tăng so với diện tích đối chứng 40,6%). Bởi vậy, điều chắc chắn là vụ xuân 2013, không cần phải vận động, số hộ này sẽ tiếp tục mở rộng...


Mô hình SX lạc theo ICM đạt 50 tạ/ha tại Nghệ An vụ xuân 2012

Ông Cao Văn Khương, Phó Chủ nhiệm HTX Diễn Lộc cũng khẳng định: Năng suất thực thu của mô hình tại Diễn Lộc trên 50 tạ/ha trong vụ xuân 2012 là không phải bàn cãi. Chỉ làm 20 ha làm mô hình ICM đã thu về trên 100 tấn lạc thương phẩm. Nhưng để đạt được, bà con làm mô hình bắt buộc phải tuân thủ quy trình SX rất chặt chẽ từ khâu làm đất, bón phân chuồng, NPK đến gieo trỉa, phun thuốc trừ cỏ và phủ nilon. Điều kiện thời tiết vụ xuân 2012 khắc nghiệt mà năng suất vẫn tăng trên 30% so với đối chứng là rất đáng ghi nhận.

Ông Đặng Bá Hoè, xóm trưởng xóm 6, xã Nghi Thạch (Nghi Lộc) cho biết thêm: "Đất Nghi Thạch là đất cát pha, nguồn nước tưới không có nên cây trồng phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên. Trước đây khi bà con làm mô hình lạc phủ nilon năng suất đã chạm mốc 36 tạ/ha. Năm 2010, bà con áp dụng mô hình ICM của Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung bộ, giống lạc L14 đã đạt 54 tạ/ha.

Vụ xuân 2012, làm mô hình ICM bằng giống lạc L14 và L20 thì gặp đợt mưa lũ nên giống lạc L14 chỉ được 48 tạ/ha, còn giống lạc L20 vẫn đạt 50,7 tạ/ha (tăng 43,87% so với diện tích đối chứng) là rất cao. Điều chúng tôi băn khoăn là khi bà con mở rộng diện tích trong các vụ tới thì lượng hoá chất kích thích sinh trưởng sẽ tìm mua ở đâu, bởi chúng tôi tìm hiểu thị trường Nghệ An chưa có".

1 ha lãi gần 90 triệu

PGS.TS Phạm Văn Chương, Viện trưởng Viện KHKT NN Bắc Trung bộ cho biết: "Trên thế giới năng suất lạc bình quân của Trung Quốc chỉ mới đạt mốc 28 tạ/ha, Hoa kỳ cũng 30 tạ/ha. Do đó mô hình ứng dụng ICM để nâng cao năng suất lạc xuân tại Diễn Châu, Nghi Lộc và Nam Đàn đạt trên 50 tạ là rất đáng tự hào.

Người nông dân trực tiếp tham gia làm mô hình ICM được Dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Nghệ An hỗ trợ 80% nilon + 25% lượng phân bón NPK +100% chế phẩm sinh học + 25 kg phân vi sinh (500 m2)+ hỗ trợ các chế độ khi đi tập huấn.

Năm 2010, chúng tôi báo cáo năng suất lạc trong mô hình ICM tại Nghệ An đạt trên 50 tạ/ha (thực thu), nhiều người đã không tin. Lúc đó một vị lãnh đạo Viện Khoa học nông nghiệp VN đã đi thẳng từ Hà Nội về xã Nam Lộc để kiểm tra thực hư ra sao, rồi mới tin là sự thật".

Các hộ dân đến xem mô hình cho rằng làm theo chương trình ICM thì phải tuân thủ các quy trình thâm canh rất khoa học, chặt chẽ và phức tạp do viện đưa ra. Nhưng thực tế qua tập huấn và triển khai tại mô hình sẽ thấy đơn giản vì nó được áp dụng liên hoàn. Từ khâu làm đất (cày bừa kỹ 3 lần) đến bón phân (bón tập trung, rải theo hàng); gieo trỉa (mật độ gieo, khoảng cách giữa các gốc); phun thuốc diệt cỏ và phủ nilon. Sau đó là kỹ thuật xử lý dinh dưỡng tổng hợp bằng các chế phẩm sinh học để cây lạc ra hoa tập trung để cho số củ chắc đều, chất lượng tốt khi thu hoạch...

"Theo tính toán, 1 ha lạc xuân làm theo mô hình ICM chi hết 27,05 triệu đồng (phân chuồng, phân lân dùng để ủ, NPK 3:9:6; nilon; giống, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ và vôi bột). Công lao động (làm đất, gieo, đục lỗ, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy) hết 12,6 triệu đồng. Tổng chi phí đầu tư là 39,65 triệu đồng. Năng suất bình quân 5,05 tấn/ha x 25.000 đ/kg thì sẽ thu về 126,25 triệu. Như vậy, lãi thuần đạt 86,69 triệu đ/ha. Do đó, nếu mô hình này mở rộng ra khoảng 10.000 ha/năm thì lợi nhuận thu được sẽ vô cùng lớn", ông Chương nói thêm.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Thiếu nguyên liệu, nhà máy đường 'đắp chiếu'

Nhà máy mía đường Trà Vinh chỉ mới hoạt động được 65 ngày trong một năm vừa qua và đang phải tạm ngưng sản xuất do thiếu nguyên liệu.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.